Thông xe cầu dài nhất, kết nối bờ Đông và bờ Tây huyện Nhà Bè
Cầu Cây Khô bắc ngang kênh Cây Khô, nối hai bờ Đông - Tây xã Phước Lộc, huyện Nhà Bè rút ngắn quãng đường từ 10km xuống còn 500m.
Sáng 30-8, UBND huyện Nhà Bè, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực huyện Nhà Bè đã tổ chức lễ thông xe cầu bắc qua kênh Cây Khô (cầu Cây Khô). Tham dự buổi lễ có ông Võ Văn Hoan - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM.
Rút ngắn khoảng cách 10km còn 500m
Tại buổi lễ, ông Lê Minh Trí - Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực huyện Nhà Bè thông tin, dự án xây dựng cầu bắc qua kênh Cây Khô được xây dựng mới cầu bê tông cốt thép, dài 485m, gồm 11 nhịp, bề rộng mặt đường 12,5m với hai làn xe ô tô và hai làn xe thô sơ.
Phần đường dẫn hai đầu cầu dài 292m, rộng 12,5m và đường dân sinh hai bên cầu dài 540m, đường mỗi bên rộng 7,5m. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 509 tỉ đồng, vốn đầu tư ngân sách TP.
Theo ông Trí, quá trình triển khai thi công, giai đoạn đầu gặp không ít khó khăn như vướng mặt bằng, ảnh hưởng dịch COVID 19. Tuy nhiên, được sự quan tâm hỗ trợ của các cấp lãnh đạo TP, UBND huyện và sự nỗ lực của các đơn vị, dự án đã kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.
Ông Triệu Đỗ Hồng Phước, Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè nhìn nhận, Nhà Bè là huyện ngoại thành, phía Nam TP, thời gian qua, huyện đã chuyển mình mạnh mẽ, công tác đầu tư phát triển hạ tầng được TP đặc biệt quan tâm, đầu tư nhiều dự án giao thông trọng điểm.
Theo đó, nhiều công trình giao thông được đưa vào sử dụng, từng bước làm thay đổi diện mạo huyện, góp phần nâng cao đời sống người dân.
Huyện Nhà Bè ban đầu có 5km đường giao thông, đến nay đã hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông tương đối thuận lợi, góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy kinh tế - xã hội.
Dự án cầu Cây Khô là công trình trọng điểm, động lực đối với huyện, rút ngắn quãng đường 10km xuống còn 500m, hết cảnh người dân qua sông phải lụy đò. Công trình còn đánh dấu bước phát triển hệ thống giao thông đường bộ cơ bản được thông suốt, không còn bị chia cắt.
Nhìn cây cầu vững chãi bắc ngang dòng kênh Cây Khô, nhiều người dân xúc động. Họ cho biết trước đây xã Phước Lộc vốn bị chia cắt bởi kênh Cây Khô, việc đi lại khó khăn, người dân qua lại hai bên bờ Đông Tây bằng các chuyến đò ngang, hoặc phải di chuyển gần 10km theo đại lộ Nguyễn Văn Linh. Việc đi lại khó khăn hơn trong những ngày triều cường hoặc nước cạn khiến bến đò không thể hoạt động.
Tạo động lực cho huyện Nhà Bè cất cánh
Ông Võ Phan Lê Nguyễn - Phó Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè đánh giá, đây là cây cầu có chiều dài dài nhất trên địa bàn huyện Nhà Bè kết nối bờ Đông và bờ Tây. Đồng thời, cầu kết nối đường Nguyễn Bình với đường Phạm Hùng, mở ra cơ hội kết nối giữa huyện Nhà Bè với cửa ngõ phía Tây của TP (quận 8, huyện Bình Chánh) và tỉnh Long An. Qua đó, tạo cơ hội kết nối liên vùng, tăng cường việc giao thương, vận chuyển hàng hóa, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội huyện Nhà Bè.
Cạnh đó, cầu Cây Khô còn giúp giảm tải trục đường Huỳnh Tấn Phát và đường Nguyễn Hữu Thọ, giúp việc đi lại giữa đường Nguyễn Văn Linh với khu công nghiệp Hiệp Phước và Cảng Hiệp Phước được dễ dàng hơn.
Một số dự án khác của Nhà Bè dự kiến hoàn thành trong 2024
Một số dự án khác tại huyện Nhà Bè như: nâng cấp, mở rộng đường Nguyễn Bình giai đoạn 2, đường Nguyễn Văn Tạo nối dài, đường Phạm Hữu Lầu (dự kiến hoàn thành trong quý 3-2024), cầu Phước Long kết nối với quận 7 (dự kiến hoàn thành trong năm 2024), cầu Rạch Đỉa (dự kiến hoàn thành trong năm 2024) cũng được được huyện Nhà Bè đẩy nhanh tiến độ, sớm đưa vào khai thác.