Công tác khắc phục sạt lở trên QL24 đoạn qua đèo Vi Ô Lắc thuộc địa phận hai tỉnh Quảng Ngãi và Kon Tum được các đơn vị triển khai đồng bộ, hiệu quả với nhiều mũi thi công nên đến chiều 16/11, giao thông trên tuyến đã thông xe đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa.
Sau sự cố sạt lở, đặc biệt là tình trạng đứt gãy nền đường QL24 đoạn qua Km 76+980 thuộc xã Pờ Ê, huyện Kon Plông, Sở GTVT tỉnh Kon Tum đã chỉ đạo Công ty CP Xây dựng và quản lý công trình giao thông Kon Tum huy động xe tải chở đá cấp phối, xe máy đào, máy xúc và nhân công đến hiện trường tiến hành các biện pháp khắc phục tạm thời.
Nền đường đứt gãy trên tuyến QL24 đã được bù phụ cấp phối đá dăm để "vá" các điểm đứt gãy nhằm ngăn chặn nước mưa chảy xuống vết nứt gây hư hỏng thêm, đảm bảo giao thông; đồng thời cắm biển cảnh báo nguy hiểm để người dân và các phương tiện lưu thông đề phòng, bảo đảm an toàn.
Sau nhiều nỗ lực vị trí đứt gãy nền đường QL24 qua đèo Vi Ô Lắc thuộc địa phận tỉnh Kon Tum đã được "vá" tạm thời.
Thiết bị cơ giới túc trực trên QL24 đoạn qua đèo Vi Ô Lắc để san gạt, xúc dọn đất đá rơi vãi xuống nền đường.
Đoạn sạt lở nặng với hàng trăm m3 đất, đá tràn ra nền đường tại Km 64+370 thuộc địa phận huyện Ba Tơ, Quảng Ngãi đã được xúc dọn thông tuyến một vệt cho phương tiện cơ giới lưu thông tạm thời.
Công nhân hốt dọn đất đá đổ xuống nền đường để đảm bảo ATGT cho người và phương tiện lưu thông trên tuyến.
Dù QL24 đã thông xe, song dọc tuyến vẫn còn nhiều điểm sụt trượt cùng hàng chục vị trí có nguy cơ sạt lở khác tiềm ẩn nỗi lo mất ATGT cho người và phương tiện lưu thông trên tuyến.
Đất đá từ ta luy dương liên tục sụt trượt phủ lấp nền QL24 đoạn qua đèo Vi Ô Lắc.
Theo khuyến cáo của ngành GTVT, phương tiện lưu thông trên tuyến, nhất là các vị trí tiềm ẩn nguy cơ núi lở dẫn đến mất ATGT, người điều khiển phương tiện phải cảnh giác cao và quan sát thật kỹ. Tuyệt đối không lưu thông vào ban đêm để tránh các sự cố đáng tiếc xảy ra, ngoại trừ các trường hợp đặc biệt.
Đất đá liên tục rơi xuống mặt đường QL24 vì hiện tại trời vẫn đổ mưa, trong khi nền đất đồi đã "no nước" nên nguy cơ sạt lở vẫn tiếp diễn.
Trong số các vị trí mất ATGT trên QL24 đoạn qua đèo Vi Ô Lắc thì vị trí Km 76+980 có nguy cơ cao sạt lở. Trước đó, 1/2 mặt đường bị nứt gãy kéo dài 50cm, bề mặt rộng từ 5-20cm, cá biệt có vị trí vết nứt rộng khoảng 40cm. Đồng thời, dọc tuyến tình trạng sạt lở vẫn tiếp diễn nên nỗi lo mất ATGT lớn.
Ngành GTVT tỉnh Kon Tum cho biết công tác khắc phục sạt lở, hư hỏng đường QL24 chỉ ở bước tạm thời. Để xử lý triệt để hư hỏng cần phải đánh giá hiện trạng, theo dõi vị trí sụt trượt và đề xuất biện pháp khắc phục, xử lý, đảm bảo giao thông, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông.
Lê Đức
Tạ Vĩnh Yên