Thử can thiệp vào bữa ăn của hơn 200 phụ nữ, các nhà khoa học loại bỏ thành công 'kẻ tử thù' của nội tạng
Với những người mong muốn giảm cân, giảm mỡ nội tạng, chế độ ăn nhiều rau củ quả có thể là lựa chọn tốt nhất nhờ cách chúng tác động lên sự trao đổi chất.
Theo kết quả của một nghiên cứu mới đây, một chế độ ăn đã có từ rất xa xưa có thể thúc đẩy quá trình trao đổi chất của cơ thể, qua đó có thể đốt cháy trọng lượng và chất béo dư thừa ngay cả khi không tập thể dục mạnh.
Nghiên cứu quy mô lớn về chế độ ăn thuần chay
Các nhà nghiên cứu tại Physicians Committee for Responsible Medicine (PCRM) đã hợp tác với Ts. Kitt Petersen và Ts. Gerald Shulman, Đại học Yale (Hoa Kỳ) để thực hiện một thử nghiệm kéo dài 4 tháng, trong đó người tham gia được áp dụng chế độ ăn ít chất béo, nhiều thực vật.
Nhóm nghiên cứu hy vọng có thể hiểu được đẩy đủ các các tác động của chế độ ăn này. Liệu chúng có thể thúc đẩy sự trao đổi chất, giảm mỡ nội tạng và hỗ trợ giảm cân?
Ở giai đoạn đầu, có 3.115 người đăng ký tham gia nghiên cứu, tuy nhiên chỉ có 244 người đủ điều kiện tham gia. Đối tượng được lựa chọn vào nghiên cứu phải bị thừa cân, nằm trong độ tuổi 25-75, và có chỉ số khối cơ thể (BMI) từ 28 đến 40.
Các nhà nghiên cứu chia ngẫu nhiên những người tham gia thành hai nhóm. Nhóm can thiệp ăn thuần chay, ít chất béo, nhiều trái cây, rau, đậu và ngũ cốc trong vòng 4 tháng với khẩu phần tương đương với bữa ăn bình thường của họ. Nhóm đối chứng là những người không thay đổi thói quen ăn uống.
Cả hai nhóm đều bị hạn chế sử dụng thức uống có cồn trong suốt thời gian nghiên cứu. Phụ nữ chỉ có thể uống một ly, nam giới thì có thể uống hai ly thức uống có cồn mỗi ngày. Ngoài ra các thói quen tập thể dục và sinh hoạt khác không bị thay đổi.
"Sự đột phá dành cho 160 triệu người Mỹ"
Các đo lường được thực hiện tại thời điểm bắt đầu và kết thúc của nghiên cứu.
Kết quả là nhóm ăn ít chất béo, nhiều thực vật (nhóm can thiệp) có lượng calo bị đốt cháy tăng lên 18,7%, và giảm được trung bình 6,35 kg.
Bên cạnh đó, họ cũng giảm đáng kể tình trạng đề kháng insulin và lượng mỡ tích tụ trong cơ thể. Đặc biệt, lượng chất béo nội tạng (loại chất béo có hại tích trữ xung quanh nội tạng, rất khó giảm và là đồng phạm trong nhiều loại bệnh) đã giảm đi đáng kể.
Ngược lại, nhóm đối chứng (nhóm không thay đổi chế độ ăn) không có thay đổi trong cân nặng, hay lượng mỡ trong cơ thể.
Ts. Hana Kahleova, Giám đốc nghiên cứu lâm sàng tại PCRM đánh giá kết quả này là một sự đột phá dành cho 160 triệu người Mỹ đang trong tình trạng thừa cân và béo phì.
Một người tham gia nghiên cứu giảm hơn 15 kg sau 4 tháng
Kết quả này nhất quán với một số nghiên cứu trước đây trong việc chỉ ra chế độ ăn nhiều thực vật có liên quan đến việc giảm lượng mỡ thừa trong cơ thể.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu PCRM và Đại học Yale chỉ tập trung vào các đối tượng không có tiền sử bệnh tiểu đường, và tập trung vào nữ giới (86% số người được nghiên cứu là nữ giới - tương đương hơn 200 người). Vì vậy, cần có thêm các nghiên cứu khác với các đối tượng có bệnh lý đặc biệt, hoặc có tỷ lệ giới tính cân bằng hơn.
Tuy nhiên, chúng ta đã có đủ bằng chứng từ các nghiên cứu hiện có để chứng minh rằng sức khỏe có thể được cải thiện thông qua chế độ ăn kiêng nhiều trái cây và rau quả cho dù tình trạng tiểu đường có như thế nào.
Đặc biệt, trong số những người tham gia nghiên cứu, đã có ít nhất một người quyết định thay đổi thói quen sống của họ. Người này đã giảm đến 15,4 kg trong 4 tháng thực hiện nghiên cứu.
Người dịch: BS Hà Xuân Nam, Viện nghiên cứu Y khoa Woolcock, Hà Nội (tổ chức Y học cộng đồng).
Hiệu đính: DS. Phạm Trần Thu Trang, Dược sĩ lâm sàng tại Toronto, Canada (tổ chức Y học cộng đồng)
Y học cộng đồng là dự án thiện nguyện do nhiều bác sĩ trong và ngoài nước chung tay xây dựng với sự hỗ trợ của nhóm CNTT và hơn 200 cộng tác viên. Website https://yhoccongdong.com/ tổng hợp và chuyển tải thông tin cơ bản, quan trọng về nhiều loại bệnh, cách điều trị và phòng tránh giúp cộng đồng giữ gìn sức khỏe. Những thông tin này luôn tham khảo tài liệu dành cho bệnh nhân uy tín ở Anh, Nhật, Mỹ để đảm bảo tính xác thực và tính hệ thống.
(Nguồn: Medical News Today)