Thú chơi bài tam cúc dịp Tết của người Việt xưa

Theo sau ván tam cúc, nhất là khi có tẹt mũi, là những tiếng cười ngây thơ trong trẻo của tuổi hoa niên.

Mỗi năm một lần Tết Nguyên đán, tục lệ hàng năm lại trở lại với mọi người. Đông qua xuân tới, Trái đất vẫn xoay vần:

Trái đất vẫn xoay từ vạn thuở,

Đông qua thời phải tới xuân sang.

Xuân về Tết đến. Có Tết là có bánh chưng xanh, có vại dưa hành, có câu đối đỏ, lại có thêm chè lam, ngũ vị...

Nhà thơ Bàng Bá Lân, trong lúc xa quê hương đã nhớ Tết nơi miền Bắc, Tết nơi “sông Thương nước chảy đôi dòng” ông đã hằng vui sống trong ngày niên thiếu:

Tết về nhớ bánh chưng xanh,

Nhớ tràng pháo chuột, nhớ tranh lợn gà,

Nhớ cành đào thắm đầy hoa,

Nhớ giây phút đợi giao thừa nghiêm trang.

Nhớ ngũ vị, nhớ chè lam,

Nhớ cây nêu, nhớ khách vang tiếng sành.

Nhớ tam cúc tẹt, nhớ mình,

Nhớ cân mứt lạc, nhớ khoanh giò bì.

Bài thơ trên với nhan đề Tết xưa, in trong tập Tiếng võng đưa hằng được nhiều người nhắc nhở, mấy câu đầu như đã đi vào ca dao:

Tết về nhớ bánh chưng xanh,

Nhớ tràng pháo chuột, nhớ tranh lợn gà.

 Tranh Chơi tam cúc của họa sĩ Võ Đại Giang.

Tranh Chơi tam cúc của họa sĩ Võ Đại Giang.

Với bài thơ, bao nhiêu hình ảnh tươi đẹp của thuở xa xưa nơi đất Bắc được gợi lại khiến cho ai xa quê hương không khỏi bùi ngùi nhớ... Nhà thơ đã khéo nhắc tới cái thú chơi tam cúc, nào tướng, nào sĩ, nào tượng, nào xe cho tới pháo, mã, tốt.

Những ván tam cúc vui như pháo nổ, những tiếng cười giòn giã như tiếng gạo rang. Được không ăn tiền mà thua cũng chỉ phải chìa tay hoặc cùng lắm chìa mũi ra ăn tẹt, người được cầm mấy quân tam cúc tẹt vào người thua mấy chiếc tùy theo số quân thua. Theo sau ván tam cúc, nhất là khi có tẹt mũi, là những tiếng cười ngây thơ trong trẻo của tuổi hoa niên.

Đánh tam cúc ai cũng mong có tướng, có tướng mới săn được kết. Cầu tướng, tướng không đến, người chơi trách khéo:

Tướng đâu tướng chẳng theo thầy,

Tướng đi ăn trộm có ngày mang gông?

Và người ta cũng mong có những đôi xe đôi pháo:

Xe đôi và pháo cũng đôi,

Bài này ai kết hơn tôi, tôi đền.

Mong xe pháo để kết, không mong sĩ tượng, theo lệ chơi tam cúc sĩ, tượng không ăn kết.

Người lớn chơi tam cúc ăn tiền, nhăm nhăm vào thua được, có đâu cái thú hồn nhiên của những tiếng cười giòn giã nổ ran giữa bàn chơi.

Trẻ em có nhiều thú riêng của ngày Tết, và Tết với trẻ em toàn là vui tươi đỏ thắm, dù các em sống trong gia đình sung túc hay kém dư dật. Con nhà giàu có thú của Tết giàu, con nhà nghèo lại có riêng thú của Tết nghèo như tục Súc sắc súc sẻ với những thú tục dân tộc mang lại cho trẻ em.

Xưa, tối hôm Ba mươi Tết, tại các làng xã, các trẻ em nghèo họp nhau thành từng bọn, rủ nhau đi chúc Tết, tuy chưa hẳn là ngày Tết. Mỗi bọn có một chiếc ống trong đựng tiền đồng hoặc tiền kẽm, chiếc ống thường là ống tre. Các em tới từng gia đình, đứng trước cửa nhà, vừa lắc ống tiền vừa cùng nhau hát:

Súc sắc súc sẻ,

Nhà nào còn đèn còn lửa,

Mở cửa cho chúng tôi vào:

Bước lên giường cao,

Thấy đôi rồng ấp,

Bước xuống giường thấp,

Thấy đôi rồng chầu,

Bước ra đằng sau,

Thấy nhà ngói lợp,

Voi ông còn buộc,

Ngựa ông còn cầm,

Ông sống một trăm,

Linh năm tuổi lẻ,

Vợ ông sinh đẻ,

Những con tốt lành,

Những con như tranh,

Những con như rối,

Tôi ngồi xó tối,

Tôi đối một câu.

Đối rằng: Thịt mỡ, dưa hành câu đối đỏ,

Nêu cao, pháo nổ, bánh chưng xanh.

Các em vừa súc sắc súc sẻ vừa hát, trong lúc gia đình nhà chủ chăm chú nghe, nhiều trẻ em trong nhà cũng hát theo. Sau câu hát, gia đình nào cũng tặng các em chút tiền. Tục cho rằng các em đem sự may mắn lại và cứ Ba mươi Tết, người ta chờ đợi các em và gia đình nào nhiều ít cũng tặng các em tiền mua pháo Tết.

Toan Ánh/ NXB Trẻ

Nguồn Znews: https://znews.vn/thu-choi-bai-tam-cuc-dip-tet-cua-nguoi-viet-xua-post1459788.html