Thú chơi kim cương nhân tạo của Gen Z

Kim cương nhân tạo hấp dẫn một bộ phận khách hàng trẻ nhờ giá thành phải chăng và thân thiện với môi trường, tuy nhiên khó có thể 'đánh bại' đá quý tự nhiên ở phân khúc cao.

 Kim cương nhân tạo có vẻ ngoài giống đá quý tự nhiên nhưng giá thành rẻ hơn nhiều. Ảnh minh họa: Muhammed Zeki Aygur/Pexels.

Kim cương nhân tạo có vẻ ngoài giống đá quý tự nhiên nhưng giá thành rẻ hơn nhiều. Ảnh minh họa: Muhammed Zeki Aygur/Pexels.

Kim cương tự nhiên vốn quý hiếm và có giá thành đắt đỏ. Điều này đã dẫn đến sự bùng nổ của ngành công nghiệp sản xuất kim cương nhân tạo, cho phép người mua sở hữu những sản phẩm tương tự về hình thức với chi phí rẻ hơn rất nhiều.

Theo báo cáo Thị trường kim cương tổng hợp toàn cầu của Verified Market Research, ngành kim cương nhân tạo được định giá 21,2 tỷ USD vào năm 2021 và dự kiến sẽ đạt 38,9 tỷ USD vào năm 2030. Một báo cáo khác của Research and Markets cho thấy thị trường đã tăng trưởng 50% từ năm 2015-2022.

Theo SCMP, loại đá quý nhân tạo này đang ngày càng thu hút một nhóm đối tượng khách hàng rất trẻ: Gen Z.

 Kim cương tự nhiên và nhân tạo có vẻ ngoài rất giống nhau. Ảnh minh họa: Say Straight/Pexels.

Kim cương tự nhiên và nhân tạo có vẻ ngoài rất giống nhau. Ảnh minh họa: Say Straight/Pexels.

Kim cương nhân tạo là gì?

Theo Tobias Kormind, đồng sáng lập của hãng bán lẻ kim cương 77 Diamonds, kim cương tự nhiên và loại sản xuất trong phòng thí nghiệm trông giống hệt nhau. Do đó, người tiêu dùng thông thường không thể phân biệt được bằng mắt thường.

Kim cương tự nhiên được tạo thành từ những khoáng vật có chứa cacbon dưới nhiệt độ và áp suất rất cao, sau đó được đưa lên từ lớp phủ của Trái đất nhờ các vụ phun trào núi lửa. Dấu vết của khoáng chất và hóa chất trong carbon có thể ảnh hưởng đến màu sắc và độ trong của đá.

Quá trình này có thể được mô phỏng trong phòng thí nghiệm để tạo ra những viên đá có độ cứng và tính khúc xạ giống hệt tự nhiên. Theo báo cáo của Research and Market năm 2023, 9,13 triệu carat kim cương nhân tạo đã được sản xuất vào năm 2022.

Sự tăng trưởng của phân khúc này cũng buộc ngành công nghiệp kim cương tự nhiên đưa ra các hướng dẫn về việc dán nhãn cho đá quý ra đời trong phòng thí nghiệm.

 Kim cương nhân tạo dễ tiếp cận và thân thiện với môi trường. Ảnh minh họa: Secret Garden/Pexels.

Kim cương nhân tạo dễ tiếp cận và thân thiện với môi trường. Ảnh minh họa: Secret Garden/Pexels.

Thu hút thế hệ Gen Z

Loại đá quý nhân tạo này đang thu hút một bộ phận không nhỏ khách hàng Gen Z. So với kim cương tự nhiên, loại nhân tạo không cần trải qua quá trình khai thác, do đó thân thiện với môi trường hơn.

Ngoài ra, chi phí thấp cũng là một yếu tố hấp dẫn đối tượng này.

Kormind cho biết một viên kim cương tròn, một carat, không có huỳnh quang có giá lên đến hơn 5.796 USD. Trong khi đó, viên tương tự được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm chỉ có giá 777 USD.

 Kim cương tự nhiên vẫn được ưa chuộng ở phân khúc cao. Ảnh minh họa: Melike Benli/Pexels.

Kim cương tự nhiên vẫn được ưa chuộng ở phân khúc cao. Ảnh minh họa: Melike Benli/Pexels.

Khó tiếp cận phân khúc cao cấp

Dù có giá rẻ và dễ tiếp cận, kim cương nhân tạo khó có thể phổ biến trong phân khúc cao cấp.

Theo Brijesh Dholakia, Giám đốc của hãng sản xuất kim cương Hari Krishna Exports (Ấn Độ), các phân khúc trang sức cao cấp thường sử dụng những viên kim cương lớn, chất lượng cao hơn, chưa được sản xuất rộng rãi trong phòng thí nghiệm.

Ngoài ra, những khách hàng có khả năng chi tiêu dư dả, ưu tiên cảm giác lễ nghi sẽ thích đá quý tự nhiên hơn.

Những viên đá tự nhiên độc đáo cũng thu hút nhiều cô dâu. Theo báo cáo của De Beers, chỉ riêng ở Mỹ và Canada vào năm 2019, thị trường nhẫn đính hôn làm bằng kim cương tự nhiên đã trị giá 28,6 tỷ USD, đồng thời được ước tính sẽ đạt 39,7 tỷ USD vào năm 2027.

Bích Ngọc

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/thu-choi-kim-cuong-nhan-tao-cua-gen-z-post1431101.html