Thủ đô Hà Nội với sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, quân và dân miền Bắc nói chung, Hà Nội nói riêng đã nêu cao tinh thần vì miền Nam ruột thịt, tất cả cho tiền tuyến, chi viện cao nhất sức người, sức của cho cuộc kháng chiến; đồng thời, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ vừa sản xuất, vừa chiến đấu đánh bại chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, xứng đáng là Thủ đô anh hùng của nước Việt Nam anh hùng.

Cùng hậu phương lớn miền Bắc chi viện cho chiến trường miền Nam

Để xây dựng hậu phương vững mạnh, ủng hộ sự nghiệp giải phóng miền Nam, biến căm thù thành sức mạnh, nhân dân Hà Nội dấy lên phong trào thi đua lao động sản xuất trong công nhân, nông dân, trí thức và triển khai nhiều hoạt động hướng về miền Nam. Tháng 4-1962, Nhà máy Xe lửa Gia Lâm khởi xướng Phong trào “Ngày thứ bảy đẩy mạnh sản xuất, đấu tranh thống nhất Tổ quốc”, được người lao động nhiệt liệt hưởng ứng. Nhiều người tình nguyện làm thêm giờ, lao động ngày chủ nhật lấy tiền góp vào quỹ ủng hộ đồng bào miền Nam ruột thịt. Các nhà máy, xí nghiệp, hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp, nông trường, hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn Thủ đô đều phát động tuần lễ “Sản xuất vì miền Nam”, tháng “Thi đua với miền Nam”.

Tự vệ Hà Nội chiến đấu bảo vệ mục tiêu trong Chiến dịch Phòng không Hà Nội-Hải Phòng, tháng 12-1972. Ảnh tư liệu

Tự vệ Hà Nội chiến đấu bảo vệ mục tiêu trong Chiến dịch Phòng không Hà Nội-Hải Phòng, tháng 12-1972. Ảnh tư liệu

Ngày 27-3-1964, tại Thủ đô Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh triệu tập Hội nghị chính trị đặc biệt và kêu gọi đồng bào miền Bắc ra sức thi đua: “Mỗi người chúng ta phải làm việc bằng hai để đền đáp cho đồng bào miền Nam ruột thịt”. Thực hiện Lời kêu gọi của Người, Thành ủy Hà Nội ra nghị quyết về đẩy mạnh Phong trào thi đua “Mỗi người làm việc bằng hai”, ra sức xây dựng và bảo vệ miền Bắc, tích cực ủng hộ cách mạng miền Nam. Chính quyền TP Hà Nội đã phát động nhiều phong trào thi đua sản xuất, đẩy nhanh nhịp độ lao động ở các nhà máy, công trường, xí nghiệp, nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu. Đầu năm 1964, tuổi trẻ Trường Đại học Sư phạm Hà Nội phát động Cuộc vận động “Tam bất kỳ” với nội dung: Đi bất kỳ nơi đâu Tổ quốc cần; làm bất kỳ việc gì Tổ quốc giao phó; vượt qua bất kỳ khó khăn, gian khổ nào để hoàn thành nhiệm vụ. Cuộc vận động “Tam bất kỳ” sau đó đổi thành “Ba bất kỳ”, rồi Phong trào “Ba sẵn sàng”. Khí thế “Ba sẵn sàng” nhanh chóng lan rộng đến các cơ sở đoàn trên toàn Thủ đô. Sau sự kiện vịnh Bắc Bộ (5-8-1964), Thành đoàn Hà Nội phát động Phong trào “Ba sẵn sàng” của thanh niên Hà Nội, nhanh chóng thu hút hàng trăm nghìn thanh niên Thủ đô hành động vì sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước. Hà Nội lúc đó còn là nơi khởi nguồn các phong trào cách mạng, như “Ba đảm đang”, xếp bút nghiên lên đường đánh Mỹ... Các phong trào được toàn thể cán bộ, nhân dân nhiệt liệt hưởng ứng và lan tỏa rộng khắp ra toàn miền Bắc.

Từ năm 1965 đến 1975, Hà Nội đã tuyển quân 29 đợt, động viên hơn 86.000 thanh niên, quân dự bị bổ sung cho các quân, binh chủng, trực tiếp chi viện cho các chiến trường; tăng cường cho Quân đội hơn 5.100 đảng viên, gần 36.500 đoàn viên, 163 bác sĩ, 168 y sĩ, 362 kỹ sư, 137 trung cấp kỹ thuật và gần 3.400 thợ các loại; số học sinh cấp 3 và sinh viên đại học chiếm 35,1% quân số động viên của thành phố; gần 53.200 người con ưu tú của TP Hà Nội, Hà Tây (nay là Hà Nội) đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp vẻ vang của đất nước. Trong hàng chục nghìn gia đình liệt sĩ có hơn 700 gia đình có từ 2 đến 5 người con là liệt sĩ.

Quân và dân Hà Nội vừa sản xuất, vừa chiến đấu

Là trái tim của cả nước, trung tâm của hậu phương lớn, Đảng bộ Hà Nội đã làm hết sức mình lãnh đạo nhân dân phấn đấu vì miền Nam ruột thịt để đánh thắng đế quốc Mỹ xâm lược và tay sai. Đầu năm 1965, chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ ở miền Nam bị phá sản, Mỹ chuyển sang chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, đưa quân Mỹ và các nước đồng minh của Mỹ vào miền Nam. Tiếp theo sự kiện vịnh Bắc Bộ, ngày 7-2-1965, lấy cớ “trả đũa” cuộc tiến công của Quân giải phóng vào sân bay Pleiku, bắt đầu ném bom ồ ạt, chính thức tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân đối với miền Bắc nước ta.

Để chủ động đối phó với sự phá hoại của không quân Mỹ, Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng Tư lệnh đã chỉ đạo Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam và Bộ tư lệnh Quân chủng Phòng không-Không quân khẩn trương chuẩn bị phương án và bố trí lực lượng phòng không tăng cường cho các vị trí trọng yếu ở Hà Nội, Hải Phòng và một số địa bàn trọng điểm trên miền Bắc, sẵn sàng đánh trả không quân địch. Năm 1965, trên địa bàn Hà Nội có Sư đoàn Phòng không 361 làm nhiệm vụ bảo vệ Thủ đô, biên chế 7 trung đoàn tên lửa, cao xạ, radar; Sư đoàn Không quân 371 trong tác chiến sử dụng 100% máy bay tiêm kích; cùng với 67 trận địa súng 12,7mm và 14,5mm, 4 trận địa pháo cao xạ 100mm, 1.122 tổ súng bộ binh... Bộ đội Phòng không-Không quân đã phát huy cao độ trí tuệ, sáng tạo nhiều cách đánh mới, tạo thành lưới lửa phòng không dày đặc, nhiều tầng, nhiều lớp, có khả năng cơ động chiến đấu trên các hướng. Quân và dân Hà Nội đã đào 1.130km hào giao thông, 387.000 hầm chữ A, gần 6.200 hầm cất tài sản... hạn chế thiệt hại khi địch đánh phá, góp phần quan trọng bảo đảm nguồn vật chất phục vụ chiến đấu, chi viện cho miền Nam...

Đầu tháng 12-1966, Mỹ tiến hành chiến dịch đánh phá quy mô lớn vào hầu hết mục tiêu tại miền Bắc. Tại Hà Nội, ngoài các mục tiêu đánh phá cũ, chúng còn ném bom vào một số khu dân cư. Quân và dân Thủ đô đã phối hợp với các đơn vị phòng không, không quân bắn rơi 8 máy bay Mỹ, trong đó có chiếc thứ 1.600 bị bắn rơi trên miền Bắc. Ngày 15-12-1966, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư khen và tặng cờ “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” cho đồng bào, chiến sĩ Hà Nội. Tính đến hết năm 1967, quân và dân Hà Nội bắn rơi 191 máy bay Mỹ, bắt nhiều phi công địch, góp phần vào chiến công của quân và dân miền Bắc.

Với niềm tin tất thắng, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Chắc chắn giặc Mỹ sẽ hoàn toàn thất bại. Quân và dân ta trong cả nước, thừa thắng xông lên, nhất định sẽ thắng lợi hoàn toàn”. Đảng bộ và nhân dân Hà Nội tích cực vừa sản xuất vừa sẵn sàng chiến đấu, xây dựng, bảo vệ Thủ đô và tiếp tục chi viện tiền tuyến lớn miền Nam. Trong 12 ngày đêm cuối năm 1972, quân dân Hà Nội đã chiến đấu mưu trí, dũng cảm, kiên cường, cùng với quân và dân miền Bắc làm nên kỳ tích “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không”, đập tan cuộc tập kích chiến lược đường không có quy mô lớn nhất, tàn bạo nhất trong lịch sử chiến tranh của Mỹ. Cùng với chiến công trên các mặt trận, chiến trường khác, Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” đã góp phần buộc Mỹ phải ký Hiệp định Paris (27-1-1973) về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, rút hết quân viễn chinh Mỹ và quân đồng minh của Mỹ khỏi miền Nam Việt Nam, tạo thế, lực, thời cơ mới thuận lợi, đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn bằng Đại thắng mùa Xuân 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Với những thành tích xuất sắc trong xây dựng, chiến đấu và chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam, quân và dân Thủ đô đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng cờ luân lưu “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” và 4 lần gửi thư khen; Quốc hội, Chính phủ tặng thưởng Huân chương Sao vàng, Huân chương Độc lập hạng Nhất, Anh hùng LLVT nhân dân; 633 mẹ liệt sĩ được Nhà nước vinh danh Bà mẹ Việt Nam anh hùng...

Xây dựng Thủ đô Hà Nội văn hiến - văn minh - hiện đại

Sau ngày đất nước thống nhất, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội nhanh chóng ổn định tình hình, khôi phục đời sống, phát triển kinh tế-xã hội, xứng đáng là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học của cả nước. Giai đoạn hiện nay, để phát triển Thủ đô Hà Nội lên tầm cao mới, ngày 5-5-2022, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TW về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết xác định mục tiêu đến năm 2030, Thủ đô Hà Nội là thành phố “Văn hiến-văn minh-hiện đại”; trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao với khu vực và thế giới, phấn đấu phát triển ngang tầm Thủ đô các nước phát triển trong khu vực; đến năm 2045, là thành phố kết nối toàn cầu, có mức sống và chất lượng cuộc sống cao; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc và hài hòa; tiêu biểu cho cả nước; có trình độ phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới.

Luật Thủ đô năm 2024 quy định về vị trí, vai trò, chính sách, trách nhiệm, xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô, cho Hà Nội được áp dụng các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội trong tổ chức bộ máy, trong phân cấp, phân quyền, trong huy động và khai thác các nguồn lực, trong thu hút và sử dụng nhân tài, nguồn nhân lực chất lượng cao phù hợp với những đặc thù của Hà Nội và yêu cầu của thực tiễn phát triển Thủ đô. Ngày 14-1-2025, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và đồ án điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, đã mở ra cho Hà Nội nhiều không gian phát triển mới, nổi bật là không gian phát triển kinh tế-xã hội theo cấu trúc tâm-tuyến các hành lang, vành đai kinh tế và các trục phát triển, cùng với hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, gắn với việc huy động và khai thác các nguồn lực, liên kết vùng, kết nối văn hóa và kết nối không gian số, khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo, phát triển hài hòa đô thị và nông thôn...

Đây là các văn bản quan trọng, định hướng chiến lược, giúp Đảng bộ, chính quyền TP Hà Nội tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị của Thủ đô thực sự gương mẫu, đoàn kết, trong sạch, vững mạnh toàn diện, tiêu biểu, như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: Đảng bộ Hà Nội phải làm gương cho các Đảng bộ khác. TP Hà Nội tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ có trình độ cao, có phẩm chất đạo đức trong sáng, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; xây dựng người Hà Nội hào hoa, thanh lịch, nghĩa tình, văn minh, tiêu biểu cho văn hóa, lương tri và phẩm giá con người Việt Nam, hoàn thành các mục tiêu xây dựng Thủ đô đã được xác định.

NGUYỄN VĂN PHONG, Phó bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/50-nam-dai-thang-mua-xuan-1975/thu-do-ha-noi-voi-su-nghiep-khang-chien-chong-my-cuu-nuoc-826056