Thủ đô Jakarta (Indonesia) phong tỏa khẩn cấp trước làn sóng COVID-19 thứ hai

Cảnh sát Jakarta ra quân giám sát thực hiện giới hạn xã hội khẩn cấp

* Thái Lan đẩy nhanh tiêm chủng cho các nhóm dễ bị tổn thương

Bắt đầu từ 0 giờ ngày 3/7, thủ đô Jakarta của Indonesia đóng tất cả các lối ra vào thành phố để thực hiện nghiêm ngặt các chính sách liên quan đến hạn chế hoạt động cộng đồng khẩn cấp của chính phủ.

Người đứng đầu sở cảnh sát Jakarta, ông Fadil Imran cho biết, với việc đóng cửa lối ra vào thủ đô, hoạt động của cư dân chỉ được thực hiện trong nội thành và không được phép di chuyển ra ngoài nếu không có giấy phép của Lực lượng đặc nhiệm xử lý Covid-19 với lý do khẩn cấp.

Ngoài ra, Jakarta còn đóng cửa các trung tâm thương mại, nơi thờ tự và 25 địa điểm công cộng. 100% nhân viên các ngành không thiết yếu làm việc tại nhà, giao thông công cộng hạn chế công suất 70% với các giao thức y tế nghiêm ngặt. Du khách nội địa sử dụng máy bay, xe buýt và tàu hỏa phải xuất trình thẻ vaccine (ít nhất là liều thứ nhất); và xét nghiệm PCR âm tính đối với máy bay; và xét nghiệm kháng nguyên âm tính đối với các phương tiện khác.

Ông Fadil Imran nhấn mạnh, tỉ lệ lấp đầy giường bệnh tại Jakarta đã trên 90% là điều đáng lo ngại và cần được kiểm soát. Nếu không Jakarta sẽ rơi vào tình trạng thiếu nhân lực y tế trầm trọng.

Thủ đô Jakarta là 1 trong 45 khu vực trên đảo Java và Bali bị áp dụng các chính sách giới hạn hoạt động cộng đồng khẩn cấp từ ngày 3 - 20/7 do sự gia tăng đột biến các ca mắc Covid-19. Riêng thủ đô của Indonesia chiếm 1/4 số ca mắc hàng ngày, cao nhất trong cả nước. Chính phủ Indonesia đặt mục tiêu giảm các ca mắc mới xuống 10.000 ca/ngày trong thời gian thực hiện phong tỏa.

Trong vòng 24 giờ qua, Indonesia ghi nhận số ca mắc COVID-19 cao chưa từng có với 25.830 ca mắc, nâng tổng số ca mắc của nước này lên thành 2.228.938 ca, trong đó có 59.534 người đã tử vong.

Tại Thái Lan, trong một nỗ lực nhằm giảm thiểu số bệnh nhân mắc COVID-19 nặng, giới chức y tế vừa thông báo sẽ đẩy nhanh việc tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người già và những người dễ bị tổn thương về mặt y tế.

Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh quốc gia Đông Nam Á ghi nhận số ca tử vong ở mức cao nhất trong ba ngày liên tiếp.

Ban đầu nhà chức trách Thái Lan dự định tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho các nhóm này đầu tiên, song sau đó vaccine được chuyển sang tiêm cho công nhân, các cộng đồng có số ca nhiễm lớn và người dân trên đảo Phuket trước khi mở cửa trở lại điểm du lịch này cho khách quốc tế trong tuần này.

Phát biểu với báo giới, quan chức y tế cấp cao Thái Lan Sopon Mekton cho biết từ nay đến cuối tháng 7 sẽ có ít nhất 50% số người già và những người có bệnh lý nền ở nước này được tiêm vaccine ngừa COVID-19.

Ước tính hiện có khoảng 17 triệu người thuộc hai nhóm này, song chỉ có 0,7%, tương đương 83.000 người trên 60 tuổi và 3,1% số người có bệnh lý nền đã được tiêm đầy đủ hai mũi vaccine ngừa COVID-19. Trong khi đó, giới chức Thái Lan cũng cảnh báo tình hình dịch bệnh có thể tồi tệ hơn trong bối cảnh biến thể Delta đang lây lan nhanh ở nước này.

Theo ông Kumnuan Ungchusak, cố vấn Bộ Y tế Thái Lan, số người tử vong do COVID-19 có thể lên tới 2.800 người trong tháng 9, tăng 900 người so với tháng trước. Riêng trong ngày 2/7, đã có 61 người không qua khỏi.

Tính đến nay, khoảng 2,8 triệu người trong tổng số hơn 66 triệu người dân Thái Lan đã được tiêm đầy đủ vaccine ngừa COVID-19. Thái Lan dự kiến sẽ nhận được 10 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 của AstraZeneca trong tháng này, song cho đến tháng Chín, chỉ có khoảng 5 triệu liều được đưa tới Thái Lan mỗi tháng.

T.LÊ (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+, VOV)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/92/260665/thu-do-jakarta-indonesia-phong-toa-khan-cap-truoc-lan-song-covid-19-thu-hai.html