Thủ đoạn giả mạo fanpage khu nghỉ dưỡng để lừa đảo khách hàng
Một số đối tượng xấu đã lập trang giả mạo khu nghỉ dưỡng Serena Resort Kim Bôi tại tỉnh Hòa Bình để lừa đảo khách hàng đặt phòng.
![Thượng tá, Tiến sĩ Đào Trung Hiếu, chuyên gia tội phạm học: Thủ đoạn giả mạo trên các nền tảng mạng xã hội ngày càng tinh vi](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_08_428_51428443/2ba1c023fa6d13334a7c.jpg)
Thượng tá, Tiến sĩ Đào Trung Hiếu, chuyên gia tội phạm học: Thủ đoạn giả mạo trên các nền tảng mạng xã hội ngày càng tinh vi
Với thủ đoạn không mới, Fanpage giả mạo nói trên đã lấy tên “Serena Resort Kim Bôi”, sao chép và đăng tải thông tin về dịch vụ nghỉ dưỡng từ fanpage chính thức nhằm mục đích giả mạo, gây nhầm lẫn để thu hút các khách hàng quan tâm, có nhu cầu.
Các khách hàng sau khi nhắn tin tới fanpage giả mạo sẽ được quản trị viên mạo danh là nhân viên lễ tân của khu nghỉ dưỡng, giới thiệu dịch vụ, rồi sau đó gửi thông tin để khách hàng chuyển khoản thanh toán mua dịch vụ phòng nghỉ.
Khi đã chiếm được lòng tin của du khách, đối tượng sẽ yêu cầu du khách chuyển tiền đặt cọc trước, nếu không đặt trước sẽ không giữ được phòng.
Thế nhưng, ngay sau khi khách hàng thanh toán chuyển khoản xong, các đối tượng lừa đảo đã giải thích lòng vòng, rồi chặn liên lạc của khách hàng và chiếm đoạt khoản tiền khách đã thanh toán.
Fanpage này không hề gửi xác nhận đặt phòng tới khu nghỉ dưỡng cũng như đặt dịch vụ nghỉ dưỡng cho khách hàng.
Từ một trường hợp lừa đảo được phản ánh nói trên, chúng tôi đã gửi tới Thượng tá, Tiến sĩ Đào Trung Hiếu, chuyên gia tội phạm học một số câu hỏi để phòng tránh các lừa đảo tương tự:
- Thưa ông, với thủ đoạn mạo danh ngày càng tinh vi, khó phát hiện, vậy khách hàng nên căn vào đâu để xác định những thông tin mà mình tìm kiếm về một khu nghỉ dưỡng, khách sạn, homestay… là chính xác?
- Hiện nay, thủ đoạn giả mạo trên các nền tảng mạng xã hội đang ngày càng tinh vi, khó phát hiện, đặc biệt là việc tạo các Fanpage mạo danh có tương tác cao, thậm chí có dấu tick xanh. Để nhận diện chính xác thông tin, khách hàng cần lưu ý các điểm sau:
Kiểm tra kỹ nguồn gốc thông tin:
+ Truy cập trực tiếp vào website chính thức của khách sạn, resort hoặc homestay để xác minh thông tin liên hệ. Các cơ sở kinh doanh uy tín thường công bố website hoặc đường dẫn chính thức trên các nền tảng truyền thông.
+ Đừng chỉ tin vào facebook hay các nền tảng mạng xã hội. Website chính thức mới là nguồn đáng tin cậy nhất.
Đối chiếu số điện thoại và địa chỉ liên hệ:
+ So sánh số điện thoại và email mà fanpage cung cấp với thông tin chính thức trên website của khu nghỉ dưỡng hoặc các trang uy tín về du lịch.
Kiểm tra lịch sử đánh giá và phản hồi:
+ Fanpage hoặc tài khoản chính thức thường có lịch sử đánh giá lâu dài và phần phản hồi từ khách hàng thực tế. Các trang giả mạo thường có dấu hiệu bất thường như: đánh giá quá tốt một cách phi lý, không có phản hồi khách hàng lâu dài hoặc chỉ có những đánh giá mới lập gần đây.
Cảnh giác với yêu cầu thanh toán ngay lập tức:
+ Các khu nghỉ dưỡng hoặc khách sạn lớn thường có quy trình xác nhận đặt phòng rõ ràng qua email chính thức. Nếu fanpage yêu cầu chuyển khoản ngay hoặc không có xác nhận từ hệ thống, khách hàng cần dừng giao dịch ngay.
- Thưa ông, hình thức lập trang giả mạo các khách sạn, resort, homestay… để lừa đảo du khách, làm tổn hại khách hàng và các doanh nghiệp làm dịch vụ du lịch. Vậy ông có khuyến cáo gì đến khách hàng, đến doanh nghiệp để ngăn ngừa việc trở thành nạn nhân của hình thức lừa đảo này?
- Để ngăn ngừa các hành vi lừa đảo qua Fanpage giả mạo, tôi xin đưa ra một số khuyến cáo cho cả khách hàng và các doanh nghiệp làm dịch vụ du lịch.
Đối với khách hàng:
Luôn xác minh thông tin đặt phòng qua nhiều nguồn. Trước khi thực hiện thanh toán, khách hàng cần kiểm tra thông tin từ website chính thức, tổng đài hỗ trợ hoặc các ứng dụng đặt phòng uy tín như Agoda, Booking.com.
Không thanh toán qua tài khoản cá nhân. Các khu nghỉ dưỡng, khách sạn uy tín thường sử dụng tài khoản công ty để nhận tiền đặt cọc. Nếu được yêu cầu chuyển khoản vào tài khoản cá nhân, khách hàng cần cảnh giác.
Giữ bằng chứng giao dịch: Luôn lưu giữ các email, tin nhắn và biên lai giao dịch để làm bằng chứng khi có sự cố xảy ra.
Đối với doanh nghiệp:
Tăng cường bảo vệ thương hiệu trên mạng. Doanh nghiệp cần đăng ký tick xanh chính thức trên Facebook và các nền tảng khác để khách hàng dễ nhận diện. Thường xuyên rà soát, phát hiện và báo cáo các trang giả mạo.
Cảnh báo và hướng dẫn khách hàng: Đăng các thông báo cảnh báo trên website, fanpage chính thức về tình trạng lừa đảo và hướng dẫn khách hàng cách phân biệt trang thật – trang giả.
Hợp tác với cơ quan chức năng: Khi phát hiện các trang giả mạo, doanh nghiệp cần báo cáo ngay cho cơ quan chức năng và Facebook để kịp thời xử lý.
Việc nâng cao nhận thức và cảnh giác sẽ giúp khách hàng tránh được các rủi ro không đáng có, đồng thời góp phần bảo vệ uy tín và thương hiệu của các doanh nghiệp du lịch.
- Xin cảm ơn tiến sĩ!