Thủ đoạn lừa đảo bán lan đột biến giả ở Lâm Đồng
Đối tượng dùng cái chậu lan hoặc 1 cây lan có đặc điểm giống với cây lan đột biến thật và đưa lên trang mạng xã hội rao bán cây lan đó với giá rẻ hơn giá trung bình ở thị trường.
Công an huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng cho biết, đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thực hiện bắt tạm giam 4 tháng đối với Bùi Văn Sỹ, sinh năm 1986, trú tại xã Đoàn Kết, huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đây là đối tượng lừa đảo bán lan đột biến, chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng của các bị hại.
Theo kết quả điều tra, từ ngày 15 đến ngày 28/8/2020, ông Đỗ Văn Thưởng, trú tại huyện Di Linh đã mua của Bùi Văn Sỹ 4 cây lan Hồng Yên Thủy và 1 chậu lan Hồng Mỹ Nhân với giá 440 triệu đồng bằng hình thức giao dịch trực tiếp. Ông Thưởng và Sỹ cùng tham gia nhóm chơi, kinh doanh lan trên mạng xã hội Facebook. Để tạo tin tưởng, Bùi Văn Sỹ đã viết giấy cam kết về cây và chất lượng mặt hoa. Nhưng thực chất nick “Giống Chuẩn Lan” của Sĩ có địa chỉ ảo, còn sản phẩm mà Sĩ bán cho nạn nhân có giá trị thấp hơn nhiều lần.
Đối tượng Bùi Văn Sỹ khai nhận: "Thực tế cái lan này là lan Ám Bệt Hòa Bình, thực tế cũng ra hoa, cũng giống màu, nhưng chỉ khác không được đẹp như màu hồng hoa Yên Thủy nên anh Tưởng đã mua với giá chênh lệch cháu lời khoảng 300 triệu"
Đến ngày 30/8/2020, Bùi Văn Sỹ tiếp tục đem 2 chậu lan Hồng Minh Châu đến huyện Di Linh, Lâm Đồng bán cho ông Thưởng với giá 1,47 tỷ đồng. Tuy nhiên lần này anh Thưởng nghi ngờ Sỹ bán lan đột biến gen giả, không đúng như thỏa thuận trước đó nên trình báo sự việc tới Công an huyện Di Linh. Tại cơ quan Công an, Bùi Văn Sỹ buộc phải thừa nhận số hoa lan đã bán cho ông Thưởng đều là hoa lan thông thường, không phải đột biến như rao bán.
Thiếu tá NguyễnTrọng Bình, Đội Trưởng Đội CSHS, CA huyện Di Linh, Lâm Đồng cho biết: "Đối tượng dùng cái chậu lan hoặc 1 cây lan có đặc điểm giống với cây lan đột biến thật và đưa lên trang mạng xã hội rao bán cây lan đó với giá rẻ hơn giá trung bình ở thị trường. Thứ hai là đối tượng dung một cây lan giả, sau đó dung cây hoa của cây lan thật gắn lên cây giả để đưa hình ảnh, clip lên trên mạng xã hội để khi mà người mua nhìn cái hoa như thế thì người ta nghĩ là cây thật và đặt mua."
Theo Công an huyện Di Linh, lợi dụng phong trào chơi hoa lan, nhất là những giống lan hiếm hoặc loại đột biến, bên cạnh những người kinh doanh lan chân chính thì không ít đối tượng đã lập các tài khoản ảo trên mạng xã hội rao bán lan đột biến với giá từ vài chục triệu trở lên, thậm chí có chậu hàng tỷ đồng. Do vậy, cơ quan Công an khuyến cáo người dân nên thận trọng trong các hình thức giao dịch mua lan đột biến gen, nhất là việc mua bán qua mạng xã hội để tránh trở thành nạn nhân của các vụ lừa đảo.
(Theo ANTV)