Thủ đoạn tinh vi của đường dây sản xuất, mua bán 'khí cười' quy mô lớn
Dưới vỏ bọc doanh nghiệp sản xuất nhựa và khí công nghiệp, các đối tượng trong đường dây đã tổ chức sản xuất trái phép khí N2O (thường gọi là 'khí cười') tại nhiều xưởng ở Hà Nội. Mọi hoạt động được che giấu tinh vi, tổ chức theo mô hình phân đoạn, liên lạc bảo mật để qua mặt cơ quan chức năng.
Đường dây sản xuất, mua bán khí N2O vừa bị Công an tỉnh Thanh Hóa triệt phá cho thấy mức độ tinh vi, tổ chức chặt chẽ và có yếu tố chuyên môn cao.
Các đối tượng đã lợi dụng kẽ hở trong hoạt động thuê, cho thuê kho xưởng, cũng như sự thiếu hiểu biết của người dân về loại khí này để thực hiện hành vi phạm pháp với quy mô lớn, thu lợi bất chính hàng tỷ đồng.

Từ ngoài nhìn vào, không ai có thể ngờ đây là “đại bản doanh” sản xuất khí cười quy mô công nghiệp. Ảnh: Công an Thanh Hóa
Tại thôn 7, xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất (Hà Nội), một trong ba cơ sở được xác định sản xuất khí cười, các đối tượng thuê một phần xưởng tôn thép rộng hàng nghìn mét vuông để cải tạo thành cơ sở điều chế khí N2O.
Xưởng này vốn do vợ chồng một hộ dân quản lý để sản xuất các mặt hàng nhựa. Tuy nhiên, do làm ăn không hiệu quả, họ đã cho Đinh Tuấn Anh (sinh năm 1992, trú tại phường Cổ Nhuế 2, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) thuê lại từ tháng 12.2024 với giá 40 triệu đồng/tháng.
Tuấn Anh khai báo mục đích sử dụng là sản xuất khí CO₂ phục vụ ngành công nghiệp thực phẩm, một hoạt động hợp pháp. Nhờ vậy, mọi hoạt động bên trong xưởng gần như không bị nghi ngờ.
Khi có người dân xung quanh tò mò hỏi han, các đối tượng viện cớ “bảo mật thương hiệu” để từ chối tiếp xúc, đồng thời luôn giữ cửa xưởng đóng kín, giới hạn người ra vào.

Bên trong một cơ sở sản xuất Công an Thanh Hóa phát hiện triệt phá. Ảnh: Công an Thanh Hóa
Một người dân ở thôn 7 kể lại: “Tôi thấy ban đêm có nhiều người lạ ra vào, hỏi thì họ bảo liên quan đến thương hiệu nên không được tiết lộ gì thêm. Lúc công an ập vào tôi mới biết họ sản xuất khí cười, chứ không ai trong thôn hay biết gì trước đó”.
Cũng như cơ sở tại Thạch Thất, hai điểm sản xuất khác ở thôn Mùi (xã Bích Hòa, Thanh Oai) và thôn Xuân Sen (xã Thủy Xuân Tiên, Chương Mỹ) đều được lựa chọn kỹ lưỡng: gần khu dân cư nhưng kín đáo, dễ ngụy trang và thuê lại từ các chủ nhà dân. Mỗi nơi đều hoạt động khép kín, chỉ sử dụng nhân công được “chọn lọc” và hạn chế tối đa việc tiếp xúc bên ngoài.
Đặc biệt, toàn bộ quy trình sản xuất được chia nhỏ thành nhiều công đoạn. Người vận chuyển nguyên liệu, người điều chế và người tiêu thụ sản phẩm không quen biết nhau.

Lực lượng chức năng kiểm tra xưởng sản xuất khí cười quy mô lớn, được trang bị dây chuyền máy móc hiện đại, hệ thống bồn chứa, thiết bị sang chiết và hàng trăm bình khí N2O chuẩn bị tuồn ra thị trường. Ảnh: Công an Thanh Hóa
Các đối tượng sử dụng nền tảng nhắn tin mã hóa, xóa tin nhắn sau khi liên lạc để tránh bị lần ra dấu vết. Việc sản xuất chủ yếu diễn ra ban đêm và có thể di chuyển địa điểm ngay khi phát hiện có nguy cơ bị lộ.
Thượng tá Trịnh Văn Phú, Phó Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an tỉnh Thanh Hóa, cho biết: “Đây là đường dây được tổ chức rất bài bản. Các đối tượng có trình độ chuyên môn về hóa học, cơ khí, kỹ thuật. Họ tự chế máy móc hoặc đặt mua thiết bị từ nước ngoài, tạo ra hệ thống sản xuất khí N2O quy mô công nghiệp”.
Sau thời gian ngắn điều tra, Công an tỉnh Thanh Hóa đã đồng loạt kiểm tra ba cơ sở sản xuất, thu giữ 373 bình khí N2O, 477 vỏ bình, ba hệ thống máy móc dây chuyền cùng hơn 27 tấn nguyên liệu đang được điều chế.
Ngoài ra, lực lượng chức năng còn tạm giữ 110 tấn nguyên liệu khác để xác minh nguồn gốc, xuất xứ.

Các đối tượng liên quan đến đường dây bị bắt giữ. Ảnh: Công an Thanh Hóa
Bước đầu xác minh cho thấy, chỉ từ tháng 3.2025 đến thời điểm bị triệt phá, đường dây này đã sản xuất khoảng 65 tấn khí N2O, thu lợi bất chính trên 6,5 tỉ đồng.
Ngày 5.5, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố 11 bị can liên quan, đồng thời tiếp tục mở rộng điều tra để làm rõ vai trò của các cá nhân và đầu mối tiêu thụ khí cười trên địa bàn cả nước.