Thủ đoạn tinh vi vụ 'ông trùm' mua bán hóa đơn hơn 63.000 tỷ đồng
Để tránh sự phát hiện của các cơ quan quản lý Nhà nước, Tú trao đổi và thống nhất với Huế về việc kê khai thuế cho các Công ty 'ma' của Tú...
TAND tỉnh Phú Thọ đã thụ lý và chuẩn bị đưa ra xét xử đối với 171 bị cáo trong vụ án Trốn thuế; Mua bán trái phép hóa đơn xảy ra tại tỉnh Phú Thọ và nhiều tỉnh, thành trên cả nước.
Vụ án này được tách ra từ vụ án ông trùm Nguyễn Minh Tú (SN 1992, ở quận Thủ Đức, TPHCM). Đây là vụ án Mua bán trái phép hóa đơn; Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức; Sử dụng con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức xảy ra vào năm 2022.
Ở giai đoạn 1, cơ quan điều tra làm rõ từ năm 2020-2022, Tú thông qua Nguyễn Thị Huế (SN 1988, ở quận Thanh Xuân, Hà Nội) và 2 cá nhân khác mua 646 doanh nghiệp. Tú trực tiếp và thông qua các đối tượng trung gian (F1) sử dụng các pháp nhân này để bán 1.025.712 hóa đơn giá trị gia tăng cho 88.053 đơn vị, tổ chức với tổng doanh số hơn 63.762 tỷ đồng.
TAND tỉnh Phú Thọ đã xét xử giai đoạn 1 với 100 bị can gồm Nguyễn Minh Tú, Võ Tấn Lộc, 8 đối tượng trung gian (F1F2) và 90 cá nhân là giám đốc, kế toán của 90 doanh nghiệp.
Do số lượng đối tượng trung gian và đơn vị mua, sử dụng hóa đơn rất lớn trên địa bàn cả nước, do hết thời hạn điều tra, cơ quan điều tra đã tách vụ án với đối tượng trung gian… Đồng thời làm rõ hành vi phạm tội của Nguyễn Thị Huế - trợ giúp đắc lực cho ông trùm Nguyễn Minh Tú về hành vi mua bán trái phép hóa đơn.
Cáo trạng thể hiện, khoảng đầu năm 2021, thông qua mạng xã hội, Tú liên hệ với Huế để thuê Huế làm thủ tục mua, bán, chuyển nhượng, thay đổi người đại diện pháp luật; Đăng ký doanh nghiệp; Đăng ký chữ ký số; Mua phần mềm dịch vụ hóa đơn điện tử; Mở tài khoản ngân hàng và Làm con dấu, rồi chuyển Doanh nghiệp cho Tú sử dụng để bán trái phép hóa đơn.
Từ tháng 4/2021 đến tháng 10/2022, Huế liên hệ mua 303 doanh nghiệp và làm các thủ tục theo yêu cầu của Tú rồi bán cho Tú với chi phí từ 50 triệu đến 60 triệu đồng/01 doanh nghiệp bao gồm: các chi phí chuyển nhượng, sang tên công ty; phí thuê trụ sở treo biển công ty; phí đăng ký chữ ký số; Phí mua phần mềm dịch vụ hóa đơn điện tử; Phí mở tài khoản ngân hàng; Phí làm dấu mới.
Đồng thời Tú cũng thuê Huế làm thủ tục đăng ký hoạt động cho khoảng 200 doanh nghiệp do Tú mua trước đó của 02 cá nhân tên “Kiên” và “Vân” (chưa xác định được danh tính) nhưng đang ở tình trạng ngừng hoạt động hoặc chưa đầy đủ thủ tục để hoạt động.
Hoàn tất các thủ tục trên, Huế đã chuyển lại các công ty cho Tú để Tú sử dụng bán trái phép hóa đơn.
Để tránh sự phát hiện của các cơ quan quản lý Nhà nước, Tú trao đổi và thống nhất với Huế về việc kê khai thuế cho các Công ty “ma” của Tú.
Với mục đích giảm số thuế phải nộp, Tú đã thống nhất với Huế kê khai giảm doanh số bán ra so với thực tế tổng doanh số hóa đơn giá trị gia tăng khống đã phát hành, tự kê khai khống doanh số mua vào (thực tế không phát sinh doanh số mua vào) sao cho số thuế GTGT phải nộp dưới 10 triệu đồng.
Ngoài ra, khi thấy các Công ty của Tú có dấu hiệu rủi ro, Huế đã thực hiện thủ tục chuyển địa chỉ kinh doanh, ngừng hoạt động, đóng mã số thuế.
Theo thỏa thuận, Tú đã trả cho Huế số tiền hơn 31 tỷ đồng.
Cáo buộc thể hiện, mặc dù là người có kiến thức, am hiểu các quy định của pháp luật và nhận thức rõ các công ty của Tú không có bất kỳ hoạt động kinh doanh gì nhưng Huế vẫn thực hiện kê khai giảm doanh số bán ra và tự kê khai số liệu đầu vào (thực tế không có hóa đơn đầu vào) theo yêu cầu của Tú để Tú sử dụng bán trái phép hóa đơn.
Cơ quan tố tụng xác định Huế đã tích cực giúp sức cho Tú thực hiện hành vi mua bán trái phép hóa đơn, hưởng lợi bất chính hơn 31 tỷ đồng.
Ngoài ra, Huế còn chỉ đạo các nhân viên Nguyễn Thùy Nhật Anh, Tài Thị Kim Liên, Nguyễn Văn Đức (Nhân viên Công ty Luật TNHH Việt Phú do Huế làm Giám đốc) ký giả chữ ký của người đại diện theo pháp luật để làm thủ tục thay đổi người đại diện theo pháp luật; hồ sơ mở tài khoản ngân hàng…
Cơ quan Điều tra sẽ tiếp tục xác minh làm rõ hành vi của các đối tượng liên quan sau khi tách vụ án.
Căn cứ dữ liệu hóa đơn điện tử thu thập được xác định, trong tổng số F1 đã giúp sức cho Tú bán hóa đơn giá trị gia tăng, Tú theo dõi “Mã khách hàng” của 73 cá nhân trung gian (F1) đã bán 593.610/1.025.712 hóa đơn với tổng doanh số là 47.871 nghìn đồng. Còn lại một số cá nhân trung gian khác (doanh số thấp, Tú không nhớ tên và không theo dõi “Mã khách hàng”) đã bán 432.102/1.025.712 hóa đơn với doanh số là 15.891 tỷ đồng.