Thủ đoạn 'tung hỏa mù' trước và sau đối thoại về nhân quyền
Từ ngày 7 đến 8/7/2025, tại Geneva (Thụy Sĩ), đoàn Việt Nam đã tham gia phiên đối thoại lần thứ tư với Ủy ban Nhân quyền Liên hợp quốc về Báo cáo quốc gia thực hiện Công ước quốc tế các quyền dân sự và chính trị (ICCPR).
Tại phiên đối thoại, nhiều nước đã ghi nhận, đánh giá cao chính sách, nỗ lực và thành tựu của Việt Nam về phát triển kinh tế, bảo đảm công bằng xã hội, đẩy mạnh giáo dục, nâng cao nhận thức về quyền con người. Tuy nhiên, một số cá nhân, tổ chức quốc tế cố tình đưa ra những quan điểm, đánh giá sai trái, phiến diện nhằm phủ nhận thành tựu trong bảo đảm nhân quyền ở Việt Nam.
Những luận điệu xuyên tạc về tình hình nhân quyền tại Việt Nam
Mặc dù những thành tựu về nhân quyền ở Việt Nam là không thể phủ nhận, song với âm mưu chống phá công cuộc đổi mới của Đảng và Nhà nước ta, các thế lực thù địch, tổ chức phản động lưu vong, số đối tượng cơ hội chính trị vẫn không ngừng xuyên tạc, tung ra những thông tin sai lệch, phiến diện, bóp méo sự thật về tình hình nhân quyền ở nước ta. Cùng với đó là sự tiếp tay của một số cá nhân, tổ chức quốc tế, cơ quan truyền thông có định kiến với Việt Nam.

Phiên đối thoại về Báo cáo quốc gia của Việt Nam theo Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc.
Thời gian qua, trước khi các cuộc đối thoại về nhân quyền diễn ra, trên các trang mạng xã hội như Việt Tân, Chân trời mới Media, RFI, RFA… đã triệt để lợi dụng những bức xúc của người dân trong một số vụ việc cụ thể để lôi kéo, kích động khiếu kiện, biểu tình đòi bảo vệ quyền lợi, đòi tự do, dân chủ; đẩy từ vụ việc cá nhân trở thành vấn đề phức tạp, tụ tập đông người. Thông qua chiêu bài “phản biện xã hội”, chúng lợi dụng các diễn đàn để xuyên tạc giá trị của quyền con người, tuyệt đối hóa tính phổ biến của quyền con người, phủ nhận quyền con người gắn với chủ quyền quốc gia hòng áp đặt hoặc sao chép máy móc các tiêu chuẩn liên quan đến quyền con người của các quốc gia khác vào Việt Nam.
Những chiêu trò có thể kể đến là việc các đối tượng liên tục đăng tải nội dung liên quan những người mà chúng gắn mác “tù nhân lương tâm” như Trịnh Bá Tư, Trịnh Bá Phương, vu cáo “đang bị chính quyền đàn áp, ngược đãi trong tù”. Một mặt, chúng tô vẽ các “tù nhân lương tâm” là những “công dân yêu nước”, “cấp tiến”, tìm cách đánh bóng, tôn vinh, trao các loại giải thưởng nhân quyền… Đồng thời, các tổ chức trên đăng tải các tin bài vu cáo Việt Nam “né tránh các vấn đề về nhân quyền trong khi đối thoại”, “Việt Nam che giấu các hoạt động đàn áp nhân quyền”, kêu gọi thả các “tù nhân lương tâm”…
Ngoài ra, trong thời gian diễn ra các hoạt động đối thoại về nhân quyền của Việt Nam tại Liên hợp quốc, các thế lực thù địch, các tổ chức phản động lưu vong cùng số đối tượng chống đối ở trong nước tiếp tục lợi dụng vấn đề về tôn giáo, dân tộc đưa ra các quan điểm sai trái, xuyên tạc Đảng, Nhà nước Việt Nam “phân biệt đối xử” với đồng bào dân tộc thiểu số, vu cáo “chính sách ngược đãi các dân tộc thiểu số” đang diễn ra ở Việt Nam. Chúng rêu rao Việt Nam “đàn áp tôn giáo”, lợi dụng các vấn đề chính trị-xã hội phức tạp trong nước để kích động ly khai, biểu tình ngay trong cộng đồng các tôn giáo; lợi dụng sự thiếu hiểu biết, cả tin của một bộ phận dân chúng để thành lập các tà đạo, các tổ chức núp dưới danh nghĩa tôn giáo nhưng mang màu sắc chính trị, truyền đạo trái phép; tìm cách lồng ghép những tư tưởng phản động, xuyên tạc bản chất chế độ chính trị, chống đối chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước nhằm tạo ra mâu thuẫn giữa tôn giáo với chính quyền, gieo rắc định kiến, ác cảm đối với chính quyền. Kích động, chia rẽ khối đại đoàn kết, hình thành lực lượng chống đối là người dân tộc thiểu số, các địa bàn có đông giáo dân để thúc đẩy xu hướng ly khai, tự trị dân tộc, gây ra các vụ xung đột, bạo loạn, khủng bố để “quốc tế hóa” vấn đề dân tộc, tôn giáo, tạo cớ cho các thế lực thù địch can thiệp vào công việc nội bộ, phá hoại nền độc lập, thống nhất và sự phát triển theo định hướng XHCN của Việt Nam.
Trước thềm Đại hội XIV của Đảng, các thế lực thù địch, các tổ chức phản động lưu vong triệt để khai thác, thổi phồng khuyết điểm, tồn tại của Việt Nam, bôi đen hiện thực, gieo rắc hoài nghi trong nhân dân, quy chụp nguyên nhân tồn tại là do đường lối sai, sự lãnh đạo, quản lý yếu kém của Đảng và Nhà nước. Từ đó, chúng kích động chia rẽ nội bộ, tung ra những luận điệu nói rằng trong Đảng, trong Trung ương, Bộ Chính trị có phe này, phái kia “triệt hạ lẫn nhau”; xuyên tạc lịch sử; bôi nhọ lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước. Những luận điệu trên đánh vào tâm lý người sử dụng mạng xã hội, nhất là những người dễ tin, dễ bị kích động, từ đó gieo rắc sự hoang mang, nghi ngờ, bức xúc trong dân chúng, tác động hòng làm đội ngũ cán bộ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Các lực lượng thù địch còn sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi như lồng ghép những nội dung sai lệch vào các bài viết, bài phát biểu của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các video được cắt ghép, dùng kỹ xảo máy tính.
Mục đích của chúng nhằm gây nhiễu loạn, tạo ra sự ngờ vực để từ đó hướng lái, làm lệch lạc nhận thức, lòng tin của quốc tế đối với Việt Nam về nhân quyền. Quyền con người luôn có xu hướng bị chính trị hóa, bị lợi dụng để xuyên tạc, vu khống nhằm can thiệp vào công việc nội bộ, hòng chi phối hoặc làm suy yếu quốc gia khác. Nhiều năm qua, vấn đề quyền con người được các thế lực thù địch sử dụng như một thứ vũ khí để xuyên tạc, gây sức ép làm suy yếu vai trò, vị trí nước ta, tạo cớ phá vỡ sự ổn định chính trị, xã hội ở Việt Nam.
Những minh chứng khẳng định thành tựu và vai trò của Việt Nam trong bảo đảm nhân quyền
Nhân quyền, hay quyền con người là những nhu cầu, lợi ích tự nhiên, vốn có của con người được ghi nhận và được pháp luật bảo vệ. Quyền con người như một lẽ tự nhiên tất yếu sinh ra mà con người vốn được hưởng thụ, trong đó có những quyền phổ quát như quyền sống, quyền được tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc, quyền được bình đẳng... Tuy nhiên, tùy theo đặc điểm lịch sử và văn hóa, quyền con người được cụ thể hóa để phù hợp với mỗi quốc gia, dân tộc.
Ở Việt Nam, các quyền con người về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ. Hiến pháp 2013 lần đầu tiên chỉ rõ trách nhiệm của Nhà nước là "công nhận, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân", trách nhiệm của Chính phủ là “bảo vệ quyền con người, quyền công dân; bảo đảm trật tự, an toàn xã hội”. Hoạt động tư pháp phải có trọng trách bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ… Từ Hiến pháp 2013, hàng loạt luật chuyên ngành đã được ban hành, tạo cơ sở pháp lý toàn diện bảo đảm quyền con người về dân sự, chính trị; quyền kinh tế, xã hội và văn hóa; quyền của các nhóm xã hội dễ bị tổn thương trong xã hội.
Đặc biệt, trong 5 năm trở lại đây, trước khi phiên đối thoại lần thứ tư với Ủy ban Nhân quyền Liên hợp quốc về Báo cáo quốc gia thực hiện Công ước quốc tế các quyền dân sự và chính trị (ICCPR) diễn ra, Việt Nam đã thông qua hoặc sửa đổi 45 luật cùng hàng loạt văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến vấn đề quyền con người, trong đó có nhiều văn bản luật quan trọng như Bộ luật Lao động, Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Phòng chống ma túy, Luật Phòng chống bạo lực gia đình... Bên cạnh đó, nhiều quy định khác trong luật đã được xây dựng nhằm bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất.
Văn kiện Đại hội XIII của Đảng khẳng định “coi con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực quan trọng nhất và mục tiêu của sự phát triển”; “lấy nhân dân làm trung tâm”. Vì vậy, đối thoại để giải quyết tốt những vấn đề về quyền con người luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm. Có thể khẳng định, Việt Nam không hề né tránh mà trái lại luôn sẵn sàng lắng nghe, đối thoại thẳng thắn, cởi mở cầu thị trên cơ sở cùng tôn trọng lẫn nhau và mang tính xây dựng về quyền con người. Trong đó, tham gia vào các công ước quốc tế về quyền con người là một chủ trương thường xuyên và nhất quán của Việt Nam, thể hiện cam kết cũng như quyết tâm chính trị mạnh mẽ của Việt Nam trong việc bảo đảm và thực thi các tiêu chuẩn pháp lý quốc tế về quyền con người.
Thực tiễn những năm qua, công tác đối thoại về quyền con người ở Việt Nam đã được thực hiện một cách có hiệu quả, góp phần truyền tải thành tựu to lớn trong bảo đảm nhân quyền ra bè bạn quốc tế. Qua đó, để quốc tế thấy được từ một đất nước bị tàn phá nặng nề bởi chiến tranh, bị bao vây cấm vận, nghèo đói giờ đây Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 194 trong 200 quốc gia; xây dựng được các mối quan hệ đối tác, hợp tác chiến lược với tất cả các nước trên thế giới và khu vực. Việt Nam đã nỗ lực mạnh mẽ trong việc thực hiện các cam kết và hợp tác quốc tế, hoàn thiện pháp luật, cơ chế bảo đảm quyền con người, quyền công dân.
Việt Nam đã tham gia 7/9 công ước quốc tế cơ bản, cốt lõi về quyền con người của Liên hợp quốc, 25 công ước về lao động của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), trong đó có 7/8 công ước cơ bản. Nội dung của các công ước đã được nội luật hóa kịp thời trong Hiến pháp và pháp luật Việt Nam, tạo cơ sở pháp lý tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người theo hướng ngày càng hoàn thiện hơn. Cho đến nay, Việt Nam là ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc trong các nhiệm kỳ 2008 – 2009 và 2020 – 2021; là thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc nhiệm kỳ 2014 – 2016 và 2023 – 2025. Đã tham gia gìn giữ hòa bình của Liên hiệp quốc, từ đó cho thấy vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được khẳng định.
Tuy nhiên, với cách nhìn cực đoan, phiến diện, trước và sau khi phiên đối thoại lần thứ tư diễn ra và được sự ghi nhận, đánh giá cao của quốc tế, một số tổ chức, cá nhân đã lập tức đưa ra những nhận định sai lệch về tình hình nhân quyền tại Việt Nam. Phải khẳng định rằng, ở Việt Nam không có cái gọi là “tù nhân lương tâm”, “nhà hoạt động nhân quyền”, “người bất đồng chính kiến”, không có cá nhân vì tự do bày tỏ chính kiến bị bắt giữ mà thực chất đó chỉ là những đối tượng vi phạm pháp luật bị cơ quan chức năng truy tố, xử lý theo đúng quy định. Việc những cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm an ninh quốc gia, gây nguy hiểm cho xã hội, cho cộng đồng bị bắt giữ và xét xử công khai, minh bạch theo các quy định của pháp luật là hết sức bình thường.
Cần nhận thức rằng, vấn đề nhân quyền mang tính phổ quát của toàn cầu song mỗi quốc gia, dân tộc, tùy theo đặc điểm văn hóa, lịch sử sẽ có những tiêu chuẩn, quy định riêng. Các nước có chế độ chính trị khác nhau, trình độ phát triển khác nhau, không thể lấy quan niệm, thực tiễn của nước này, của dân tộc này về dân chủ và quyền con người áp đặt cho dân tộc khác, nước khác. Bởi vậy việc áp đặt tiêu chí từ bên ngoài vào các quốc gia hay việc tìm cách can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác đều không đúng với quy định của Liên hợp quốc, do đó cần phải kiên quyết lên án và ngăn chặn.
Xây dựng và thúc đẩy đối thoại trên lĩnh vực dân chủ, quyền con người có ý nghĩa tích cực, góp phần nâng cao sự hiểu biết lẫn nhau, từng bước thu hẹp bất đồng với các đối tác quốc tế trong vấn đề quyền con người. Qua đối thoại cũng nhằm bác bỏ những thông tin sai lệch, luận điệu xuyên tạc, bịa đặt của các nhóm, cá nhân cực đoan trong và ngoài nước về tình hình quyền con người ở Việt Nam.