Thủ đoạn tuồn lô xăng lậu trị giá 2.800 tỷ đồng qua đường biển
Nhóm buôn lậu sử dụng 6 tàu thủy chuyên dụng để lập đường dây đưa xăng lậu từ Singapore về Việt Nam. Các bị can mua chuộc cán bộ hải quan để việc buôn lậu được trót lọt.
Kết thúc điều tra vụ buôn lậu hơn 204 triệu lít xăng RON 95 từ Singapore về Việt Nam, Công an tỉnh Đồng Nai đã đề nghị truy tố ông Phan Thanh Hữu (Giám đốc Công ty Phan Lê Hoàng Anh); Nguyễn Hữu Tứ (quê Vĩnh Long); Đào Ngọc Viễn (Giám đốc Công ty Đại Dương Hải Phòng) và 71 bị can khác về các tội Buôn lậu, Nhận hối lộ.
Theo kết luận điều tra, qua công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, Công an tỉnh Đồng Nai thấy một số nơi có tình trạng pha chế xăng giả, buôn bán xăng nhập lậu, ảnh hưởng đến việc đảm bảo an toàn trong giao thông và hoạt động kinh doanh.
Sau khi Bộ Công an chỉ đạo xác lập chuyên án 920G, ngày 6/2/2021, Công an Đồng Nai bắt quả tang Phạm Đức (tài xế Công ty Xăng dầu 55555) lái xe bồn vận chuyển xăng không có nguồn gốc, chứng từ, về trạm xăng dầu do Nguyễn Thăng Long làm chủ tại huyện Trảng Bom, Đồng Nai, để tiêu thụ.
Tối 6/2/2021, công an đồng loạt khám xét các cửa hàng bán lẻ do Nguyễn Thăng Long làm chủ ở Đồng Nai và các kho chứa, cây xăng, trụ sở làm việc và nơi ở của những người liên quan đường dây buôn lậu ở Long An, Vĩnh Long, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP Cần Thơ, TP.HCM. Đồng thời, cơ quan điều tra khám xét 2 tàu thủy Nhật Minh trên sông Hậu tại xã Mỹ Hòa, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long, đang bơm xăng qua các tàu Huỳnh Ngân 2, Tây Nam, Sơn Tiền.
Từ đây, chân tướng nhóm tổ chức buôn lậu hơn 204 triệu lít xăng RON 95 từ Singapore về Việt Nam bị lộ. Hàng loạt đại gia ngành xăng dầu ở khu vực phía nam bị khởi tố do liên quan đường dây phạm tội này. Trong đó, Viễn là người giới thiệu chủ hàng ở Singapore cho Hữu liên lạc để mua xăng.
Theo cơ quan điều tra, Hữu, Tứ, Viễn và 2 người khác góp hơn 53,4 tỷ đồng để thiết lập đường dây buôn lậu xăng. Các bị can thỏa thuận Viễn dùng 2 tàu chuyên dụng của Công ty Đại Dương Hải Phòng nhận xăng tại cảng Vopak (Singapore) rồi neo đậu tại vùng biển tự do giáp ranh giữa các nước.
Sau đó, Hữu điều 4 tàu thủy Nhật Minh tiếp nhận xăng từ 2 tàu trên, đưa về sông Hậu tại xã Mỹ Hòa và 2 tàu Khánh Hòa 01, 03 để chở xăng vào cảng Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) tiêu thụ. Để hợp thức hóa việc chở xăng, Hữu thuê Đinh Văn Đoàn (Giám đốc Công ty Hải Minh Nhật) đứng tên sở hữu 4 tàu Nhật Minh.
Các bị can giao kèo giá mỗi chuyến chở xăng từ cảng Vopak ra vùng biển tự do là từ 1,6 tỷ đến 2,6 tỷ đồng. Còn chi phí cho các tàu Nhật Minh đưa hàng lậu về Việt Nam là từ 1 tỷ đến 1,8 tỷ đồng. Ngoài ra, Hữu còn chi thêm cho Viễn 2.000 USD để trả công cho A Truân (người môi giới mua xăng lậu, chưa rõ lai lịch).
Trước mỗi lần mua xăng, Hữu hẹn một người Trung Quốc tên là A Hùng (đại diện của chủ hàng Singapore ở Việt Nam, chưa rõ lai lịch) tại TP.HCM để giao tiền mua xăng, mỗi lần đưa từ 400.000 USD đến 1,2 triệu USD. Sau khi tiếp nhận thông tin, Viễn thực hiện giao dịch với chủ hàng. Nhóm buôn lậu vận chuyển 3-6 chuyến hàng mỗi tháng, mỗi chuyến chở từ 3,8 triệu đến 5 triệu lít xăng.
Quá trình vận chuyển xăng, Phan Thanh Hữu biết Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) đang tìm cách bắt giữ các tàu Nhật Minh nên Hữu đề nghị bị can Tứ tìm mọi cách gặp gỡ Ngô Văn Thụy. Sau đó, Hữu cùng Tứ nhiều lần đưa tổng số tiền hơn 830 triệu đồng cho ông Thụy để xin không xử lý các tàu chở xăng.
Số xăng lậu tuồn về Việt Nam có màu trắng, trong khi sản phẩm do Tập đoàn Petrolimex tiêu thụ trong nước có màu vàng nhạt. Do đó, nhóm của Hữu đã mua thêm phụ gia xăng dầu màu vàng trên thị trường để pha chế cho giống với xăng chính hãng.
Theo cơ quan điều tra, từ tháng 3/2020 đến tháng 2/2021, nhóm của Hữu vận chuyển 48 chuyến với tổng cộng hơn 204 triệu lít xăng lậu (trị giá gần 2.800 tỷ đồng). Trong đó, hơn 196 triệu lít xăng đã được tiêu thụ.