Thủ Đức chuyển động cùng đô thị sáng tạo

Cùng với quá trình phát triển của TPHCM, quận Thủ Đức đã chuyển mình rõ nét, phát huy lợi thế là cửa ngõ Đông Bắc của thành phố với nhiều tiềm năng về kinh tế, văn hóa, giáo dục và khoa học.

Phát triển đô thị đồng bộ, hiện đại

Những năm đầu chuyển nhà về khu phố 8, phường Trường Thọ (quận Thủ Đức) sinh sống, bà Đỗ Cẩm Nhung thất vọng khi đường sá xuống cấp, bụi và ngập nước. Gần 3 năm nay, khu phố 8 đã thay da đổi thịt, thông thoáng và khang trang nên điều kiện sinh hoạt của người dân được cải thiện nhiều. Đó là kết quả của công tác nâng cấp, mở rộng đường số 2, phường Trường Thọ của quận Thủ Đức.

Ca mổ tim ít xâm lấn đầu tiên được thực hiện tại Bệnh viện quận Thủ Đức

Bí thư Quận ủy quận Thủ Đức Nguyễn Mạnh Cường cho biết, trước đây, khu vực đường số 2 là đất nông nghiệp. Sau khi được nâng cấp, mở rộng với đầy đủ hệ thống thoát nước, vỉa hè, cây xanh, hệ thống chiếu sáng đồng bộ, trở thành tuyến đường điểm nằm trong quy hoạch Khu đô thị tương lai (phường Trường Thọ). Ngoài ý nghĩa góp phần phát triển dịch vụ bất động sản, hình thành các khu dân cư kiểu mẫu, đường số 2 còn kết nối các công trình trọng điểm của quận như Xa lộ Hà Nội với Vành đai 2, kết nối các cảng Phú Hữu (quận 2), cảng Cát Lái (quận 9) với các vùng lân cận, góp phần phát triển dịch vụ logistics.

Là địa bàn tập trung nhiều công nhân, quận Thủ Đức cũng đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính để đáp ứng nhu cầu của người dân. Nhiệm kỳ 2015-2020, quận đã triển khai 37 phần mềm ứng dụng quản lý văn bản, hồ sơ công việc; mô hình một cửa điện tử; hệ thống thư điện tử công vụ cho 100% cán bộ, công chức; quản lý đơn thư hành chính và khiếu nại, tố cáo. Cùng với đó, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; triển khai ứng dụng "Đô thị Thủ Đức", "Thủ Đức trực tuyến"; tiếp tục nâng cấp hoàn thiện cổng thông tin điện tử quận với giao diện đơn giản, thân thiện, kết nối hệ thống một cửa điện tử của thành phố để phục vụ người dân và tổ chức.

Phát huy nội lực của địa phương

Về định hướng phát triển, đồng chí Nguyễn Mạnh Cường phân tích, TPHCM đã và đang triển khai nhiều đề án mang tính đột phá; tập trung xây dựng thành phố thông minh, năng động, hiện đại, gắn với quy hoạch xây dựng Khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông TPHCM tại 3 quận (quận 2, 9 và Thủ Đức). Trong đó, quận Thủ Đức được chọn với 2 trọng điểm sáng tạo, gồm Trung tâm Công nghệ giáo dục Đại học Quốc gia TPHCM và Khu đô thị tương lai (thuộc phường Trường Thọ). Lợi thế của quận Thủ Đức là các tuyến giao thông chính với các trục xuyên tâm đã và đang được hình thành như: tuyến Phạm Văn Đồng, Xa lộ Hà Nội, Vành đai 2, tuyến Metro số 1… sẽ là đòn bẩy thúc đẩy sự thay đổi về cấu trúc đô thị, thu hút người dân đến học tập, sinh sống và làm việc.

Với vị trí đó, nhiệm kỳ tới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân quận Thủ Đức xác định khai thác có hiệu quả các lợi thế riêng của địa phương, phát huy tốt nguồn nội lực và phát triển phù hợp với sự phát triển chung của TPHCM. Rà soát và điều chỉnh quy hoạch, phù hợp với quy hoạch tổng thể, với định hướng phát triển của quận và thành phố. Song song đó, tăng cường các giải pháp đầu tư, phát triển kinh tế, chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng ngành thương mại, dịch vụ có giá trị gia tăng cao. Trong đó, tập trung vào các loại hình dịch vụ tài chính, tín dụng, giáo dục, bất động sản logistics.

THU HƯỜNG

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/thu-duc-chuyen-dong-cung-do-thi-sang-tao-681257.html