Thủ Đức House (TDH) còn bao nhiêu tiền để nộp thuế?
Cục thuế TP. Hồ Chí Minh vừa có quyết định cưỡng chế bằng biện pháp trích tiền từ 'đích danh' tài khoản đối với CTCP Phát triển nhà Thủ Đức (ThuDuchouse - mã chứng khoán TDH) là 451,3 tỷ đồng tại số tài khoản mở tại ngân hàng Vietbank - Chi nhánh TP.HCM (nếu có). Đáng nói, TDH liệu còn bao nhiều tiền để nộp thuế?
Lý do bị cưỡng chế là người nộp thuế có tiền nợ thuế quá 90 ngày kể từ ngày hết thời hạn nộp theo quy định.
Theo thông báo, Cục thuế TP. Hồ Chí Minh yêu cầu ngân hàng Vietbank - Chi nhánh TP.Hồ Chí Minh trích số tiền hơn 450 tỷ đồng từ tài khoản của ThuDucHouse, đồng thời phong tỏa các tài khoản của người nộp thuế tương ứng với số tiền bị cưỡng chế.
Trong trường hợp số dư trong tài khoản của người nộp thuế nhỏ hơn số tiền trên Quyết định cưỡng chế thì Ngân hàng Vietbank vẫn phải trích số tiền còn lại sau khi trừ đi số dư tối thiểu để duy trì tài khoản và tiếp tục theo dõi, trích tiếp số tiền phát sinh có trên tài khoản của đơn vị trong thời gian quyết định có hiệu lực.
Tuy nhiên, điểm cần lưu ý là theo báo cáo tài chính hợp nhất của TDH, tại thời điểm 31/12/2020, tiền và tương đương tiền là 231,1 tỷ đồng, tăng 2,54 lần so với đầu năm, chủ yếu đến từ việc tất toán các khoản tiền gửi có kỳ hạn và trái phiếu.
Nhưng, hầu như toàn bộ số tiền của TDH đều đang nằm tại các công ty con bởi trên báo cáo tài chính riêng, số dư tiền và tiền gửi các loại đến cuối năm 2020 của TDH chỉ vỏn vẹn 1,6 tỷ đồng, trong khi đó, con số này tại thời điểm đầu năm là 81 tỷ đồng.
Như vậy, câu hỏi đặt ra là liệu cục Thuế có cần phong tỏa và cưỡng chế tài khoản cả ở các công ty con của TDH?
Đặt giả định TDH có thể huy động toàn bộ số tiền và tiền gửi từ cả các công ty con tại thời điểm cuối năm 2020 để nộp thuế cũng mới đáp ứng được 58% số tiền phải nộp.
Dĩ nhiên, các con số trên chỉ là ở thời điểm cuối năm 2020, đến nay đã có thể thay đổi rất nhiều, bởi chỉ riêng số dư tiền và tương đương tiền các loại cũng sẽ được dùng làm nguồn vốn lưu động và có biến động lớn theo thời gian.
Ngoài ra, TDH cũng đang có khoản mục giá trị chứng khoán kinh doanh trị giá 41,7 tỷ đồng, tập trung tại công ty mẹ. Tuy nhiên, các khoản đầu tư này đang thua lỗ và phải trích lập dự phòng 30,1 tỷ đồng. Trong số giá trị còn lại vào khoảng 11,6 tỷ đồng, có 7,2 tỷ đồng đầu tư cổ phiếu chưa niêm yết - khó thoái vốn hơn do chưa được giao dịch trên sàn chứng khoán.
Các khoản mục chiếm tỷ trọng lớn khác trong tổng tài sản của TDH là khoản phải thu 2.295,3 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 41,5% - bao gồm 1.909 tỷ đồng phải thu ngắn hạn và 386 tỷ đồng phải thu dài hạn. Tương ứng nếu thu hồi được khoản mục đáng kể trong số này, sẽ là lời giải quan trọng cho bài toán dòng tiền.
Khoản mục hàng tồn kho 996 tỷ đồng, giảm 367 tỷ đồng so với cuối quý III/2020 và giảm hơn 40 tỷ đồng so với đầu năm, chủ yếu do ghi giảm giá trị tại dự án Khu Phức hợp Centum Wealth (Tp.Hồ Chí Minh) và dự án Aster Garden Towers (Bình Dương).
So sánh thuần về mặt con số, thì hơn 451 tỷ đồng tiền thuế bị truy thu và xử phạt không quá lớn so với tổng tài sản, tương đương khoảng hơn 8% tổng tài sản. Tuy nhiên, do đặc tính doanh nghiệp bất động sản là tài sản lớn nhưng lại nằm chủ yếu ở các khoản mục tồn kho, phải thu, dở dang - là những tài khoản kém thanh khoản hơn. Do vậy, việc phải ngay lập tức phải nộp số tiền này gây rủi ro lớn lên áp lực dòng tiền trong hoạt động của TDH.