Thủ Đức ngập do đâu?

20 năm sống ở quận Thủ Đức, bà Mỹ vẫn không hiểu vì sao nơi cao nhất thành phố lại ngập chỉ sau một trận mưa.

14h30. Mây đen bắt đầu kéo đến, trời âm u. Bà Mỹ rời chiếc võng, thấp thỏm bước lên bậc cửa, nhìn lên trời.

"Vái trời mưa nhỏ thôi", bà đặt một bàn tay trước ngực như đang cầu nguyện, miệng lẩm nhẩm.

Bà Mỹ bảo mỗi lần trời chuyển mưa là muốn đau tim. Người phụ nữ 64 tuổi phải đứng ra bậu cửa ngóng mực nước để còn kịp bê hai bao cát chèn trước nhà, ngăn nước tràn vào.

20 năm sống ở đường số 14, phường Linh Đông, quận Thủ Đức, bà Trần Thị Ngọc Mỹ chứng kiến những căn nhà lầu mọc lên theo sự phát triển của khu phố, thay thế ruộng vườn, mương rạch. Bà cũng vui, chỉ có điều song song với sự thay đổi đó, mực nước ngập trong nhà bà Mỹ cũng cao dần lên theo năm tháng.

Nơi cao nhất vẫn ngập

15h. Trời đổ mưa. Ban đầu, mưa chỉ lất phất, sau đó lớn dần thành trận mưa nặng hạt. Bà Mỹ áng chừng nếu cứ mưa thế này, 30 phút là ngập. Hai ngày mưa liên tiếp trước đó, bà đều gặp may. Mực nước dừng lại ngay bậu cửa.

Thế nhưng hôm nay, vận may không tới nữa. Nhà bà ngập tới đầu gối. Bà chỉ biết ngồi yên trên chiếc ghế cao ở góc nhà, nơi nước không chảy xiết. Chờ đến khi tạnh mưa, bà mới dùng máy bơm để đẩy nước ra ngoài.

Nhà bà bị ngập 7 tấc - bằng đúng độ cao mà con đường vừa được nâng lên. Bà bảo mưa lớn liên tục mà vào đúng hôm thủy triều lên thì “ngập khỏi chê”. Nước từ ngoài đường tràn vào như con thác nhỏ trong nhà, nước từ dưới cống cũng trào lên. Hôm đỉnh điểm, nhà bà Mỹ bị ngập tới ngang hông của người lớn.

 Bà Trần Thị Ngọc Mỹ (64 tuổi) đứng canh trời mưa. Ảnh: Thu Hằng.

Bà Trần Thị Ngọc Mỹ (64 tuổi) đứng canh trời mưa. Ảnh: Thu Hằng.

Bà Mỹ nói nhà bị ngập vào buổi chiều "vẫn còn hên". Có đêm đang ngủ, bà giật mình vì tiếng rên của lũ chó ở sân nhà. Nhìn xuống sàn, bà thấy đồ đạc lềnh bềnh xung quanh. Đêm đó, vợ chồng bà không ngủ được thêm phút nào nữa.

Sau đêm ấy, bà không dám ngủ khi trời mưa. Nghe tiếng lộp độp trên mái nhà, bà tỉnh ngay lập tức, thức canh đến khi mưa ngớt hẳn bà mới an tâm đi ngủ. Mỗi trận mưa lớn dài 1 giờ có thể kéo theo cả cuộc dọn dẹp tới nửa ngày.

“Đẩy nước ra muốn khờ người luôn”, bà kể.

Hai thập kỷ ở đây, đến giờ, bà vẫn không hiểu vì sao Thủ Đức và các quận ở phía đông - nơi cao nhất thành phố - lại ngập.

 Sau khi nâng đường, nhà bà Mỹ thấp hơn hẳn so với trước đây. Ảnh: Thu Hằng.

Sau khi nâng đường, nhà bà Mỹ thấp hơn hẳn so với trước đây. Ảnh: Thu Hằng.

Lý giải điều này, ông Vũ Văn Điệp, Giám đốc Trung tâm Quản lý Hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (Sở Xây dựng), cho biết khu vực phía bắc quận Thủ Đức và quận 9 tuy cao nhưng có dạng gò đồi, cao độ địa hình có xu hướng giảm dần từ phía bắc về phía nam, đông nam.

Đặc biệt, mức độ chuyển tiếp giữa khu vực có địa hình cao đến khu vực có địa hình trũng thấp biến thiên rất lớn, tạo thành những khu vực có độ dốc hơn 10% như tuyến đường Võ Văn Ngân, Lê Văn Việt, Tô Ngọc Vân, khu vực chợ Thủ Đức...

Bên cạnh đó, địa hình khu vực chỉ đạt cao độ từ 0,8 m đến 1,3 m thì thường xuyên bị ảnh hưởng khi triều cường đạt mức từ 1 m trở lên.

Đó là những nguyên nhân khiến nhà bà Mỹ và nhiều hộ ở quận Thủ Đức liên tục thấy nước chảy xiết như dòng thác nhỏ giữa phố khi mưa xuống, đặc biệt trong ngày triều cường lên cao.

Tháng 8 vừa rồi, phường Linh Đông thông báo nâng đường, hứa hẹn không còn cảnh ngập, bà Mỹ phấn khởi. Nào ngờ, đường nâng lên gần cả mét thì căn nhà 120 m2 của bà trông như bị lọt thỏm xuống đất.

May mắn là đường bớt ngập thật, nhiều nhà thoát cảnh nước lênh láng khi trời mưa. Nhà bà cũng được nhờ, những trận mưa mà trước đây khiến nhà bị ngập đến hông người lớn, giờ chỉ ngập đến đầu gối.

Thế nhưng, niềm vui của người dân trên đường số 14 lại là nỗi buồn của những hộ dân khu phố đối diện - đường Lý Tế Xuyên (cùng thuộc phường Linh Đông).

Sửa cống, đường lại ngập hơn

Từ khi đường số 14 được nâng lên, căn nhà cấp 4 của anh Lê Hoàng Hải (32 tuổi) ngập sâu thêm 15 cm, có hôm nước lên cả mét. Ngôi nhà nằm ngay dưới con dốc ở ngã tư Linh Đông - Lý Tế Xuyên vốn mong manh với 2 trụ gỗ nâng đỡ cả gian lửng của căn nhà, nay phải hứng thêm dòng nước xiết của trận mưa đầu tháng 9.

“Ngập dữ dằn. Giờ cứ mưa là sợ. Nhiều khi chưa mưa đã dọn đồ”, anh Hải tâm sự.

 Anh Hải phải dựng cột sắt và giăng bạt che chắn để thay thế phần nhà đã bị đổ sập. Ảnh: Thu Hằng.

Anh Hải phải dựng cột sắt và giăng bạt che chắn để thay thế phần nhà đã bị đổ sập. Ảnh: Thu Hằng.

Nhà của anh Hải nằm cạnh con suối Linh Tây nên khi trời mưa lớn, nhà anh ngập đầu tiên. Nước chảy vào nhà như thác. Cuốn sổ hộ khẩu là minh chứng cho sự truân chuyên của gia đình sau những lần ngập. Chỉ trong 3-4 năm, nhà anh phải làm lại sổ hộ khẩu tới 2 lần vì bị nước cuốn.

Anh kể những buổi họp khu phố, buổi nào cũng nói về chuyện ngập. Hết nhiệm kỳ chủ tịch này đến nhiệm kỳ lãnh đạo khác, câu hỏi “bao giờ hết ngập” lặp đi lặp lại. 32 năm sống ở con đường này, anh Hải cho rằng hệ thống thoát nước không đồng bộ giữa các khu phố là vấn đề cần được giải quyết.

“Hệ thống cống ở đây vừa được nâng cấp cùng lúc với đường số 14. Thế nhưng, sửa xong lại thấy ngập nặng hơn”, anh nói, giọng chán nản.

 Người dân sống ven suối Linh Tây trông mực nước mỗi khi mưa xuống. Ảnh: Thu Hằng.

Người dân sống ven suối Linh Tây trông mực nước mỗi khi mưa xuống. Ảnh: Thu Hằng.

Có cùng suy nghĩ với anh Hải, Giám đốc Trung tâm Quản lý Hạ tầng kỹ thuật TP.HCM Vũ Văn Điệp cho rằng một số tuyến đường mới được đầu tư xây dựng nhưng việc kết nối hệ thống thoát nước từ cống ra kênh rạch chưa được hoàn thiện cũng là nguyên nhân gây ngập.

Theo ông Điệp, hạ tầng hệ thống thoát nước khu vực quận Thủ Đức và quận 9 không đáp ứng kịp nhu cầu khi lưu vực thoát nước liên tục tăng lên do tốc độ đô thị hóa.

Nguyên nhân là các trục tiêu thoát nước chính của khu vực như Võ Văn Ngân, Tô Ngọc Vân, chợ Thủ Đức, quốc lộ 1, Lê Văn Việt (đoạn từ xa lộ Hà Nội đến Man Thiện), Lã Xuân Oai, Nguyễn Duy Trinh... được xây dựng từ lâu hiện đã cũ, kích thước nhỏ và đang xuống cấp.

Bên cạnh đó, một số con hẻm, đường nhánh, khu dân cư mới (trước kia là những khu vực đất trống, mảng xanh, khu vực điều hòa nước…) cũng thoát nước vào các đường trục chính dẫn đến ngập.

“Hệ thống thoát nước được đầu tư từ lâu, chủ yếu để thoát nước mặt của các tuyến đường trên địa bàn các quận. Những khu vực chưa được đô thị hóa, các mảng xanh, đất vườn… nước mưa sẽ tự thấm xuống lòng đất. Tuy nhiên, nhiều khu dân cư mới hình thành trên đất trống tự nhiên đã làm mất khả năng thấm này”, ông Điệp phân tích.

Cụ thể, những khu vực trước đây là nơi điều hòa, trữ nước khi có mưa, triều cường thì nay mặt đất đã bị bê tông hóa, làm giảm khả năng thấm. Tốc độ dòng chảy trên mặt đường tăng cũng làm cho thời gian nước dồn về các khu vực trũng thấp nhanh gây nên hiện tượng ngập khi có mưa, đặc biệt là mưa kết hợp với triều cường.

Theo ông Điệp, để giải bài toán thoát nước, chống ngập ở khu vực này, việc nên làm trước hết là đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án nâng cấp, cải tạo hệ thống thoát nước để giảm tình trạng ngập.

Trong đó, các trục tiêu thoát nước chính cần sớm được triển khai như dự án xây dựng hệ thống thoát nước đường Võ Văn Ngân; dự án xây dựng hệ thống thoát nước dọc mương đường sắt đoạn qua phường Linh Đông...

"Bên cạnh đó, giải pháp về quy hoạch phát triển đô thị hợp lý như sử dụng không gian chưa bị đô thị hóa để xây dựng các công viên có khả năng chứa nước; giải tỏa các vị trí lấn chiếm kênh rạch nhằm gia tăng diện tích bề mặt tự nhiên; xây dựng các điểm trữ nước tạm thời khi có mưa lớn... cũng sẽ góp phần giải quyết ngập cho khu vực này", ông Điệp nhận định.

Thu Hằng

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/thu-duc-ngap-do-dau-post1134844.html