Thứ gây nghiện nguy hại hơn cả cocaine

Khí nitơ oxit được bán trong bóng cười được cho là 'nguy hiểm hơn cocaine' trong bối cảnh số lượng người trẻ sử dụng chất này tăng mạnh.

 Bình khí N2O bơm vào bóng bay sử dụng trong một lần. Ảnh: Khương Nguyễn.

Bình khí N2O bơm vào bóng bay sử dụng trong một lần. Ảnh: Khương Nguyễn.

Nitơ oxit (N2O), thường được gọi là “khí cười”, được bơm vào bóng bay và hít vào để tạo cảm giác thư giãn và hưng phấn tạm thời.

Tại nhiều quốc gia, chất này từ lâu đã được pháp luật cho phép sử dụng cho mục đích giải trí. Tuy nhiên, tỷ lệ sử dụng ở những người 16-24 tuổi đã tăng vọt sau đại dịch Covid-19. Theo đánh giá của nhà thần kinh học David Nicholl, giảng viên cao cấp Đại học Birmingham (Anh), nhiều người vẫn lầm tưởng về tác hại của khí cười. Thực chất, loại khí tưởng chừng chỉ mang lại cảm giác vui vẻ này có hại hơn cả cocaine.

"Cứ vài năm, tôi có một bệnh nhân tâm thần vì dùng cocaine. Tuy nhiên, mỗi tuần, tôi đều gặp bệnh nhân sử dụng bóng cười nhập viện", ông so sánh.

Liệt nửa người vì hút bóng

Một thanh niên người Mỹ 32 tuổi từng bị liệt nửa người sau khi hút bóng đều đặn mỗi ngày trong suốt 2 tháng. Khi đã không thể đi lại trong suốt 2 tuần, nam thanh niên mới đến viện cấp cứu. Một tháng trước đó, anh cũng xuất hiện những triệu chứng đầu tiên là ngứa ngáy ở tay, chân.

Tại bệnh viện, các bác sĩ phát hiện thanh niên gặp khó khăn trong việc giữ thăng bằng và mất cảm giác rung. Đây cũng là dấu hiệu cho thấy hệ thần kinh của người này có vấn đề. Anh cũng được phát hiện thiếu vitamin B12 do hít nhiều bóng cười, khiến tủy sống thoái hóa dẫn đến cột sống bất thường. Ngoài ra, dưới tác dụng phụ của khí cười, vấn đề cảm giác cũng như nhận thức của nam thanh niên cũng bị ảnh hưởng. Nam thanh niên chỉ có thể hồi phục và đi lại bình thường sau 4 tuần hít bóng cười và điều trị tích cực.

Trước đó, truyền thông Anh cũng đưa tin một phụ nữa bị tổn thương tủy sống sau khi hít bóng cười. Tai nạn đã khiến cô bị liệt hoàn toàn và phải được cha chăm sóc 24/24.

Ngôi sao phim "Jackass" Stephen Gilchrist Glover cũng từng chia sẻ anh đã nghiện hút bóng cười và lo lắng về sự lan truyền có nó của mạng xã hội.

 N2O gây ức chế thần kinh trung ương gây ra nhiều cảm giác "phê", hoang tưởng. Nếu sử dụng số lượng lớn, trong thời gian dài ngày, người dùng có thể gây nhiễm độc hệ thần kinh, tổn thương thần kinh từ não xuống tủy sống, đặc biệt tủy sống cổ và ngực. Ảnh: Freepik.

N2O gây ức chế thần kinh trung ương gây ra nhiều cảm giác "phê", hoang tưởng. Nếu sử dụng số lượng lớn, trong thời gian dài ngày, người dùng có thể gây nhiễm độc hệ thần kinh, tổn thương thần kinh từ não xuống tủy sống, đặc biệt tủy sống cổ và ngực. Ảnh: Freepik.

Lan truyền nhờ mạng xã hội

Chia sẻ với South West News Service, tiến sĩ David Nicholl, giảng viên cao cấp Đại học Birmingham (Anh), cho biết với quan sát sau 21 năm hành nghề, ông nhận ra thế giới có sự thay đổi rõ rệt trong việc sử dụng bóng cười từ sau khi đại dịch.

"So với trước đây, lượng N2O được gen Z tiêu thụ hàng ngày tăng khủng khiếp, lên tới 150 bình/ngày", ông thông tin.

Theo tiến sĩ Nicholl, việc một người gặp nguy hiểm tính mạng, thậm chí không qua khỏi do hít phải khí N2O trực tiếp rất hiếm. Tuy nhiên, chất này có thể gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng lâu dài, như tổn thương thần kinh, mất trí nhớ và liệt người.

"Mọi người vẫn hay gọi nó là 'khí cười' và lầm tưởng về tác hại của nó, nhưng sự thật là nó còn nguy hiểm hơn cả cocaine", ông nói.

Nhiều người trẻ Anh đang bị thuyết phục hút bóng cười thông qua các nội dung trên mạng xã hội. Trước đó, năm 2021, giới trẻ Mỹ cũng khiến nhiều người lo lắng khi liên tục đăng tải những nội dung về sử dụng bóng cười lên mạng.

Thậm chí, trên nền tảng TikTok, những video đăng tải những nội dung trên, gắn thẻ “Whiptok”, một từ ghép giữa “Whippit” (khí cười) và “TikTok”, đã thu hút hàng trăm triệu lượt xem và tạo nên xu hướng.

Ở Mỹ, khí cười được bán hợp pháp nhưng bất hợp pháp nếu sử dụng với mục đích giải trí. Vào tháng 11/2021, New York đã ban hành luật cấm người dưới 21 tuổi mua khí cười nhằm mục đích "hạn chế tình trạng thanh thiếu niên có thể lạm dụng khí N2O".

Theo tiến sĩ Nicholl, rất khó để cấm hoàn toàn khí N2O. Tuy nhiên, chất này vẫn cần được hạn chế phân phối đối với một số nhóm người. Ngoài ra, đối với những sản phẩm được bán hợp pháp, nhà sản xuất cũng nên dán thêm cảnh báo bên ngoài sản phẩm.

Linh Thùy

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/thu-gay-nghien-nguy-hai-hon-ca-cocaine-post1493038.html