Thu gom, xử lý rác thải: Cộng đồng cần chung tay, Kỳ cuối: Khuyến khích xã hội hóa
Công tác thu gom, xử lý rác thải trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã đạt được một số kết quả nhất định. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều bãi rác lộ thiên và công tác thu gom, xử lý gặp hạn chế cần sự chung tay tháo gỡ của các cấp, các ngành, chính quyền địa phương và toàn xã hội.
Còn đó khó khăn, vướng mắc
Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường, đến nay, việc triển khai phân loại rác thải tại nguồn chưa được triển khai thực hiện, công tác xử lý rác thải của một số nhà máy, khu xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua hoạt động chưa hiệu quả, không ổn định, chưa thể phân loại rác để tái sử dụng, tái chế.
Bên cạnh đó, hầu hết cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh đều thực hiện theo hình thức chôn lấp không hợp vệ sinh (chưa lót đáy chống thấm, chưa có hệ thống thu gom, xử lý nước rỉ rác, khí thải…). Ngoài ra, hầu hết địa phương đều gặp khó khăn về bố trí kinh phí cho hoạt động thu gom, phương tiện vận chuyển và xử lý rác thải.
Ông Phạm Thế Tâm-Trưởng phòng Quản lý đô thị TP. Pleiku-cho hay: Thành phố đang tiến hành thu gom rác thải sinh hoạt tại 209 tuyến đường chính có tên, 730 tuyến đường hẻm và 43 điểm rác công cộng. Tỷ lệ thu gom rác ở khu vực nội thị đạt 97%, ở ngoại thị đạt 76%. Công tác xử lý rác chủ yếu là chôn lấp hợp vệ sinh tại bãi chôn lấp xã Gào với lượng rác bình quân 170 tấn/ngày.
“Tốc độ đô thị hóa khá cao cùng sự gia tăng dân số ở khu vực nội thành đã gây khó khăn cho công tác thu gom rác. Đặc biệt, sự thiếu hụt về phương tiện, nhân công dẫn đến công tác thu gom rác không triệt để gây ra các điểm nóng về ô nhiễm môi trường và mất mỹ quan đô thị. Bên cạnh đó, sự thiếu ý thức của một bộ phận người dân, nhất là các tuyến đường vùng ven, các tuyến đường thưa dân cư, tình trạng người dân đem rác vứt thành đống gây mất mỹ quan và ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường xung quanh. Dù thành phố đã triển khai nhiều biện pháp như tổ chức cắm bảng cấm đổ rác, lắp camera theo dõi nhưng tình trạng vi phạm vẫn còn diễn ra”-Trưởng phòng Quản lý đô thị TP. Pleiku nói.
Ông Thái Anh Tuấn-Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Ia Grai-thông tin: Hiện nay, công tác xã hội hóa thu gom rác thải gặp rất nhiều khó khăn. Trong khi đó, ý thức của một bộ phận người dân còn hạn chế. Tại một số địa phương, người dân chưa có thói quen xử lý rác tập trung mà còn đổ tại vườn nhà, đường sá, mương suối gây ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, do khó khăn về kinh phí, việc xử lý rác thải mới chỉ thực hiện phun thuốc, chôn lấp theo hình thức cuốn chiếu chứ chưa phân loại, ủ phân từ rác và chưa thu gom được nước rỉ rác nên vẫn còn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
Ông Lương Thanh Bình-Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường: Tới đây, Sở tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền việc thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt. Đồng thời, triển khai xây dựng và nhân rộng các mô hình bảo vệ môi trường dựa vào cộng đồng; tham mưu UBND tỉnh trong việc kêu gọi xã hội hóa công tác thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt, tăng cường đầu tư nguồn lực cho công tác thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải; đề xuất Bộ Tài nguyên và Môi trường hỗ trợ tỉnh kinh phí để đầu tư, cải tạo các bãi chôn lấp rác lộ thiên. Đối với các địa phương, chúng tôi sẽ phối hợp với các sở, ngành liên quan hỗ trợ nhà đầu tư trong việc cung cấp thông tin cần thiết để lập dự án, đề xuất phương án xử lý rác thải theo hình thức cụm tập trung nhằm giảm việc phải đầu tư bãi rác nhỏ lẻ, phân tán.
Trao đổi với P.V, bà Lê Thị Hồng Quyên-Chi cục phó Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường) cho biết: “Nguyên nhân của những tồn tại trong công tác thu gom, xử lý rác thải là do ý thức của người dân vẫn còn hạn chế. Việc đổ rác thải sinh hoạt, chất thải rắn không đúng thời gian, địa điểm quy định dẫn đến công tác thu gom rác thải chưa được triệt để, còn tình trạng rác tồn ứ tại một số điểm dân cư. Bên cạnh đó, một số xã vùng sâu, vùng xa, địa bàn rộng nên việc thu gom, vận chuyển chất thải tại các điểm công cộng, khu vực dân cư chưa được thực hiện tốt. Việc xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường chưa có chính sách quan tâm, khích lệ nên chưa huy động được nhiều nguồn lực vào đầu tư, xử lý rác thải”.
Cần sự hỗ trợ của các cấp, các ngành
Là đô thị loại I trực thuộc tỉnh, TP. Pleiku đặc biệt quan tâm tới công tác chỉnh trang đô thị, đặc biệt là triển khai giải pháp thu gom, xử lý rác thải để đảm bảo mỹ quan đô thị. Ông Phạm Thế Tâm cho hay: Thời gian tới, thành phố sẽ mở rộng địa bàn thu gom lên 100% khu vực nội thị và nâng cao năng lực, chất lượng thu gom rác thải sinh hoạt đô thị. Đồng thời, xúc tiến kêu gọi đầu tư nhà máy xử lý rác với công nghệ hiện đại nhằm giải quyết triệt để rác thải đô thị. Bên cạnh đó, thành phố triển khai Đề án đô thị thông minh, trong đó có hạng mục rác thải đô thị thông minh; xây dựng, triển khai có hiệu quả Đề án phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn, chống rác thải nhựa giai đoạn 2020-2025; triển khai thực hiện Đề án nếp sống văn minh đô thị giai đoạn 2021-2025.
“Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tập kết rác thải đúng thời gian, đúng nơi quy định của Công ty cổ phần Công trình đô thị Gia Lai. Đặc biệt, thành phố sẽ xử lý nghiêm các trường hợp xả rác thải không đúng thời gian theo lịch thu gom, không đúng nơi quy định làm ô nhiễm môi trường và mất mỹ quan đô thị”-ông Tâm khẳng định.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Ngà-Phó Giám đốc Công ty cổ phần Công trình Đô thị Gia Lai thì cho rằng: Công tác chuyển đổi thu gom rác ban đêm hạn chế việc gây ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị và đời sống của người dân. Cùng với đó, góp phần hạn chế gây ùn tắc, mất an toàn giao thông khi vận chuyển vào đúng giờ cao điểm, giờ tan tầm của công sở, trường học. Đồng thời, các điểm trung chuyển rác được thực hiện vào ban đêm không gây ảnh hưởng đến tình hình sinh hoạt của người dân. Hạn chế việc gây bụi, mùi hôi phát sinh trong lúc người dân buôn bán. Ý thức người dân dần đi vào thói quen bỏ rác đúng giờ và đúng nơi quy định. Giảm thiểu các điểm rác công cộng phát sinh gây mất mỹ quan đô thị.
Tuy nhiên, UBND các xã, phường tại TP. Pleiku cần tiếp tục tuyên truyền để người dân giao rác đúng giờ, đúng nơi quy định theo lịch thu gom của Công ty. Đồng thời, bắt buộc hộ dân buôn bán trên vỉa hè và những nơi công cộng phải có phương tiện chứa rác, thu gom sạch sẽ nơi buôn bán. Ngoài ra, ngành chức năng cần tăng cường kiểm tra và xử phạt hành chính các trường hợp bỏ rác không đúng giờ, không đúng nơi quy định.
Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Hữu Quế-Chủ tịch UBND TP. Pleiku-cho biết: “Thành phố đã bố trí 6 ha nằm cạnh bãi rác ở xã Gào để xây dựng nhà máy xử lý rác. Đến nay, nhà thầu đang tiến hành lập quy hoạch xây dựng nhà máy xử lý rác thải. Thành phố đang trình bản thiết kế nhà máy để UBND tỉnh, Sở Xây dựng xem xét cho ý kiến trước khi trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy thông qua. Sau khi nhà máy được xây dựng thì toàn bộ rác thải của thành phố sẽ được xử lý tại đây mà không phải chôn lấp như hiện nay”.