Thư gửi bố ở Trường Sa
Trong chuyến hải trình ra quần đảo Trường Sa thân yêu của Tổ quốc những ngày cuối năm 2019 có rất nhiều cán bộ chiến sĩ làm nhiệm vụ thay, thu quân. Mỗi người đều mang theo bên mình ít nhất một vài kỷ vật. Ấn tượng nhất với tôi là bức thư của cô bé học sinh lớp 5 gửi cho bố trước giờ anh xuống tàu KN 491 ra đảo Đá Tây C làm nhiệm vụ nơi vùng đất thiêng liêng của Tổ quốc.
Báu vật trong túi áo ngực
Khuôn viên chùa Trường Sa có những tán cây bàng vuông và cây tra khá lớn. Ở ngay góc phải phía sau chùa dưới tán cây bàng vuông được trụ trì chùa Trường Sa khéo léo kê đặt những bộ bàn ghế. Đây là nơi mọi người thường dừng bước ngồi uống chén nước vối, đàm đạo những câu chuyện thường nhật sau khi vãn cảnh chùa. Cũng tại đây, tôi gặp Thượng úy Nguyễn Văn Nam khi anh đang ngồi trò chuyện cùng thầy trụ trì của chùa.
Thượng úy Nguyễn Văn Nam cũng cùng đi với chúng tôi trên con tàu KN 491. Trong chuyến đi này, anh cùng đồng đội ra làm nhiệm vụ thay quân trên đảo Đá Tây C. Là người dễ xúc động, cứ mỗi lần nhắc đến gia đình, nhất là hai con nhỏ, Thượng úy Nam dù cố gắng nhưng vẫn không giấu được sự bồi hồi.
Anh tâm sự, con gái lớn của hai vợ chồng là cháu Nguyễn Mai Phương Anh năm nay học lớp 5, còn cháu thứ 2 mới sinh được mấy tháng. Ngày lên đường làm nhiệm vụ, Thượng úy Nam ôm, hôn nhẹ lên vầng trán hai con nhỏ với mái tóc còn non tơ thơm mùi sữa. Đứa con gái lớn đôi mắt ngấn lệ “con yêu và tự hào về bố lắm”, rồi mở cúc áo của bố dúi vào trong đó tờ giấy học trò và không quên dặn: “Phải khi nào ra đến đảo thì bố mới được mở nhé”.
Giữ đúng lời hứa, khi ra đến đảo Trường Sa, anh mới lấy ra xem tờ giấy của đứa con gái đầu lòng viết gì trong đó. Một cảm giác xúc động trào dâng khi đó là bài thơ của con gái anh gửi bố. Bài thơ với tựa đề “Ba tôi”, được con gái anh viết ngày 19-12-2019. Ngày anh mở bức thư cũng đúng là ngày 22-12-2019, nó là món quà vô cùng ý nghĩa khi đúng dịp kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập quân đội Nhân dân Việt Nam và 30 năm ngày hội quốc phòng toàn dân.
Trên tờ giấy học trò, những câu thơ đầy xúc động của cháu Phương Anh gửi bố:
“Ba tôi là bộ đội
Đóng quân đảo xa xôi
Nơi gió biển ào thổi
Sóng cuồn cuộn dữ dội
Ba và các đồng đội
Trông lũ giặc không rời
Mưu đồ chiếm biển thôi
Dù mưa bão nắng nôi
Hai tư giờ mọi buổi
Ba và các đồng đội
Canh gác tuần mọi nơi
Tàu lạ đến, “Quyết đuổi!”
Giữ biển xanh muôn đời”
Cuối thư, cháu Nguyễn Mai Phương Anh tự hứa với bố: “Bố là niềm tự hào của con. Con hứa với bố sẽ có giấy khen và con sẽ học giỏi. Yêu bố!” Cầm trên tay lá thư của con gái giữa đảo Trường Sa, Thượng úy Nguyễn Văn Nam rơi nước mắt xúc động. Anh trải lòng với chúng tôi, đây là món quà quý giá nhất mà mình mang theo trong suốt hải trình ra làm nhiệm vụ bảo vệ biển, đảo. Mỗi khi nhớ gia đình, vợ con, anh lại mang bức thư của con gái ra đọc, như tự hứa với bản thân hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước, nhân dân và cả người con gái bé nhỏ giao phó, bảo vệ tuyệt đối bình yên biển đảo quê hương.
Nước mắt của người lính đảo
Cũng giống như nhiều đồng đội, Thượng úy Nam đã có thâm niên đi đảo. Đảo đầu tiên anh đến nhận nhiệm vụ là đảo Sơn Ca. Ngày anh khoác ba lô lên đường ra làm nhiệm vụ bảo vệ đảo Sơn Ca, vợ anh là chị Mai Thị Phương đang mang bầu cháu Nguyễn Mai Phương Anh. Hai anh chị lấy nhau vào năm 2008 với hai bàn tay trắng. May mắn nhất là vợ cùng quê, nên mỗi lần tết nhất về thăm nhà, chuyện đi lại một nơi cũng giúp hai vợ chồng tiết kiệm được một khoản nho nhỏ để lo bỉm, sữa cho con.
Chỉ mấy tháng ra đảo, trong một buổi sáng hoàng hôn rực rỡ trên biển, anh nhận được tin vợ mình hạ sinh con gái. “Cảm xúc đặc biệt lắm nhà báo ạ. Cái tên Nguyễn Mai Phương Anh là ghép cả tên đệm của mẹ và con, để mỗi lần nhớ, gọi lên tên cả hai mẹ con trong yêu thương. Còn cháu thứ 2 thì lại được Phương Anh đặt tên cho em là Nguyễn Ngọc Kim Ngân”- Thượng úy Nguyễn Văn Nam tâm sự.
Sau 17 tháng làm nhiệm vụ ở đảo Sơn Ca, anh được nghỉ phép về nhà thăm gia đình, vợ, con. Trong chiếc ba lô của người lính đảo có những vỏ ốc biển đủ màu sắc, hình thù rất đẹp để làm quà cho con gái yêu, lúc này cũng đã được gần 15 tháng tuổi. Khi tàu cập bến, đứng ở trên đón anh là người vợ hiền bế trên tay đứa con gái nhỏ.
Anh dang tay định đón, bế con gái yêu vào lòng nhưng cháu bé từ khi sinh ra chưa từng được gặp mặt cha, nhìn thấy chú bộ đội lạ trong quân phục người lính hải quân, cứ bám chặt vào mẹ mà khóc, không theo. Về đến nhà, dù đã mang đủ thứ quà biển ra để “dụ” con nhưng cũng phải mất cả tuần, con gái anh mới bắt đầu quen với bố. Những câu nói đầu tiên của con gái gọi “bố, bố’ dâng trào lên trong anh niềm vui sướng mãnh liệt. Đó cũng là lần đầu tiên người lính Trường Sa can trường rơi lệ, những giọt nước mắt của hạnh phúc ngập tràn.
Khi con đã quen với bố thì anh lại xuống tàu lên đường làm nhiệm vụ tại đảo Sinh Tồn. Ngày anh lên đường, cháu Phương Anh khóc lóc, ôm chầm lấy bố không cho bố đi. Lại 18 tháng tiếp theo anh sống xa vợ con, đón thêm một cái tết cùng đồng đội trên biển đảo quê hương. Thượng úy Nam nói với tôi, trong năm có một ngày vui nhất nhưng cũng là ngày nhớ nhà nhất, đó là thời khắc đêm giao thừa.
Giao thừa ở Trường Sa cũng đặc biệt lắm. Sau khi nghe Chủ tịch nước đọc thư chúc Tết, anh và đồng đội cùng hân hoan chúc mừng nhau một năm mới thêm chắc tay súng, vững ý chí, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Mọi người cùng lì xì mừng tuổi cho nhau để lấy may. Cả đảo anh em đều chung tâm trạng ấy nên việc đồng cảm, chia sẻ với nhau ở bất cứ thời khắc nào cũng đều hết sức tự nhiên, giúp nhau vượt qua nỗi nhớ nhà.
Trên tàu KN 491, theo lịch trình đảo Đá Tây C là đảo thứ 3 Thượng úy Nam và đồng đội lên thay, thu quân. Tuy nhiên do thời tiết trên biển diễn biến thất thường, sóng to gió lớn, và để tránh bão đang đến gần, đảo An Bang được ưu tiên vào trước. Chính vì lẽ đó, đảo Đá Tây C lại là điểm đảo cuối cùng chúng tôi đến. Trong suốt gần 20 ngày lênh đênh trên biển đảo quê hương, tôi và Thượng úy Nam thường rủ nhau lên boong tàu ngồi uống trà và tâm sự đủ thứ chuyện.
Chuyện đông, chuyện tây, chuyện gì rồi chúng tôi cũng quay trở lại câu chuyện gia đình, vợ con, nhiệm vụ. Anh khoe với chúng tôi, con gái lớn đam mê đọc sách lắm. Chả thế mà cháu Nguyễn Mai Phương Anh được cô giáo chọn vào đội tuyển đi thi học sinh giỏi văn của Trường Tiểu học Cam Lộc 1. Cũng giống bố, cháu Phương Anh mang tâm hồn rất nhạy cảm. Khi anh đi ra đảo làm nhiệm vụ, cứ mỗi tối trước khi đi ngủ, con gái anh lại lấy chiếc áo của bố mang xuống ôm tưởng tượng như đang có bố ở nhà, thủ thỉ kể những câu chuyện về chú cua, con ốc biển cho mình.
Giờ cháu Phương Anh đã học lớp 5, biết làm những công việc vặt trong nhà như cắm nồi cơm, rán trứng, trông em giúp mẹ. Anh Nam còn khoe cháu học ngoại ngữ rất giỏi, sau này khi con lớn lên, anh mong muốn cháu một là sẽ trở thành cô giáo hoặc làm công việc ngoại giao. Nếu làm cô giáo thì sẽ truyền cảm hứng cho các em học sinh yêu quê hương biển đảo Tổ quốc mình. Còn làm ngoại giao thì sẽ mang tình yêu quê hương, đất nước, biển đảo đến bạn bè thế giới. “Cả cuộc đời của mình gắn bó với sóng biển, với hải đảo quê hương. Con gái mình và những thế hệ sau cũng vậy, sẽ vẫn mãi yêu biển, yêu đảo, bảo vệ nó bằng tất cả lý trí và con tim”- Thượng úy Nam tâm sự.
Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/chinh-tri-xa-hoi/thu-gui-bo-o-truong-sa/839157.antd