Thư gửi con trai!
Hôm nay lúc con đang ngồi bên ánh đèn bàn, cặm cụi làm chồng bài tập chất cao như núi của năm cuối cấp. Bố thấy thật đau lòng trước thân hình lọt thỏm trong đống giấy, giống như một con người mắc kẹt trong những bức tường bùa chú dài vô tận.
Có lẽ con sẽ ngạc nhiên, vì bình thường, bố sẽ tự hào về cậu con trai chăm chỉ, giỏi giang đã thỏa mãn khát vọng của bố - người chưa một lần được nhận giấy báo trúng tuyển hệ đại học chính quy trong đời.
Nhưng hôm nay, khi nghe câu chuyện của người sếp, kể về người vợ tần tảo nghỉ việc để săn sóc gia đình nay rơi vào trầm cảm, về ba đứa con lần lượt ra đi vì những lần say xỉn, sốc thuốc và tai nạn. Ba cậu trai đó đều từng là những đứa trẻ thông minh, ngoan ngoãn. Bố bỗng nghĩ về con.
Con trai à! Suốt mười bốn năm nay, con luôn là niềm tự hào của bố. Con chăm chỉ, ngoan ngoãn, giỏi giang. Con được tuyên dương trong mỗi kỳ họp phụ huynh, bằng khen con đạt được trong các cuộc thi, được bố mẹ treo đầy trong phòng khách. Nhưng đến hôm nay, bố tự hỏi, đã bao lâu rồi con chưa nhìn bầu trời. Đã bao lâu rồi, con chưa ngồi ăn cơm cùng bố mẹ?
Con bận rộn chạy đến các lớp học thêm bắt đầu từ năm mười hai tuổi cho đến giờ. Khi đó, con chỉ là một cậu bé, con làm sao đưa ra được quyết định này? Tất cả do bố mẹ đã định hướng cho con. Bố mẹ đã biến con từ một đứa trẻ hiếu động, thích bơi lội, đá bóng, yêu cây cối, động vật và giàu lòng trắc ẩn với mọi người trở thành một thiếu niên có tâm hồn đóng kín, thờ ơ và tự mãn với thành tích bản thân đạt được.
Hôm nay, bố mới nhớ ra mình đã vô tình đồng thuận với sự thay đổi này của con. Khi bố tình cờ nhìn thấy con sẵn sàng đóng cánh cửa nặng trịch, để tránh phải nghe tiếng con Milu đang rên rỉ vì bị nhốt ngoài cổng lúc trời đang chuyển gió mùa. Bố đã lẳng lặng quay đi và nghĩ: “Chắc con mình đang bận học”. Rồi lúc con từ chối không đi sinh hoạt với những người bạn cùng tổ dân phố với lý do: “Tớ bận ôn tập để chuẩn bị thi vào trường chuyên”.
Cánh cửa lại đóng sầm một lần nữa. Khi đó, bố mẹ đã từng tự hào vì con là một đứa trẻ có chí tiến thủ, không sa đọa vào thú tiêu khiển của những thiếu niên mới lớn. Nhưng, bạn bè của con ngày càng thưa thớt, phần lớn thời gian con ở cùng sách vở. Ngay cả lúc người bạn thân nhất từ bé của con đau buồn vì mất đi mối tình đầu, con cũng không biết an ủi thế nào. Bố ngạc nhiên hỏi: “Tại sao?”. Con đáp: “Hơn một năm nay, con chẳng biết chuyện gì của bạn ấy. Và con không hiểu về cảm xúc của bạn lúc này”.
Bố từng tự ti về bản thân mình - một cậu thanh niên phải đi làm công nhân, để có tiền đóng học phí tại trường trung cấp. Bố nhớ những ngày cùng nằm với những người chân tay lấm đầy vôi vữa, giường chiếu tạm bợ, làn gió lạnh khi mưa giông luồn qua tấm bạt đầy bụi được giăng xung quanh nơi nằm của bọn bố ngủ. Bố nhớ từng múi mít, từng chiếc bánh bố và những người ấy đã ăn ngấu nghiến khi được chủ nhà cho.
Cái quá khứ tưởng chừng đáng quên ấy, đã khiến cho anh kỹ sư thi công – người mà sau khi trải qua hàng loạt đợt thi liên thông để thăng tiến đã biết yêu mến người công nhân, đối xử với họ giống như những con người chứ không phải một cỗ máy biết nói. Từng có người công nhân nói với bố: “Anh không phải là người nghiêm khắc nhất, giữ chức vụ cao nhất hay giỏi nhất. Nhưng anh em chúng tôi sẵn sàng làm việc cùng anh. Đơn giản, vì anh luôn tôn trọng chúng tôi”. Lúc đó bố mới hiểu, có những bài học, không sách vở nào dạy ta, mà chính cuộc đời, chính trải nghiệm đã đem lại cho bố những món quà vô giá về chữ “nhân” - về tình yêu thương, sự cảm thông với mọi người.
Còn một câu hỏi cứ loanh quanh trong đầu bố suốt đêm nay. Đã bao lâu rồi, con chưa ngắm những vì sao mà con đã từng thích? Đến những bảo tàng lịch sử mà con từng đòi bố đưa đến mỗi tuần? Bố chẳng thể nhớ nữa, bởi giờ đây, đối với con, tất cả điều ấy đều được quy hết về những thành tích, chứng chỉ. Con biết không, bố từng rất thích bộ phim “Ba chàng ngốc” chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết cùng tên của Chetan Bhagat. Bố nhớ câu nói của nhân vật Rancho khi giải thích cho những người bạn tại sao cùng đi chơi nhưng anh vẫn học giỏi: “Cậu biết tại sao tớ đứng đầu không? Bởi vì tớ yêu máy móc. Cơ khí là niềm đam mê của tớ”.
Bố hiểu, vì bố đã từng như thế, một anh kỹ sư đi lên từ hình hài của một người công nhân. Có những năm tháng, đôi lúc, bố tưởng mình có thể nói chuyện được với những chiếc máy cắt đá, cần cẩu hay những mối hàn. Bố đã tiếp xúc với máy móc mỗi ngày và bằng một cách thần kì, từ khi nào bố hiểu rõ mạch điện chằng chịt như mạch máu trong cơ thể dưới những lớp bê tông của mỗi ngôi nhà. Chúng như những sinh thể đang sống và bố trở thành vị anh hùng góp công khai thiên lập địa ra chúng. Cảm giác ấy, khiến bố hào hứng thức dậy từ sáng sớm để làm việc, bởi bố luôn có sự tự tin rằng: “Tôi hiểu việc mình đang làm”.
Quay lại một chút, con trai ạ, hôm nay bố đã nghe người sếp đáng kính kể về ba đứa con của ông ấy. Về làn sóng ngầm cuộn chảy trong những người trẻ tuổi, về sự thiếu tình yêu thương, thiếu sự đồng cảm. Về những hoang mang trước thực tế cuộc sống và sách vở. Về những tan vỡ và rạn nứt mãi mãi không thể vãn hồi.
Bố lặng lẽ đi vào phòng con lúc hai giờ sáng. Bố nhìn con và tự hứa rằng, ngày mai thôi, bố sẽ thức dậy cùng con xem kênh truyền hình ca nhạc con yêu thích. Bố sẽ không cau mày nhắc nhở khi con muốn nghỉ bớt lớp học thêm nữa. Bố sẽ dành thời gian nhiều hơn, để nghe con kể về những câu chuyện, về cuộc sống của con, điều mà đã lâu rồi bố chẳng còn làm…
Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/thu-gui-con-trai!-post458343.html