'Thu, hát cho người'- Bản thánh ca tình yêu
Nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển, tên thật Võ Hợi, sinh năm 1947 vừa qua đời vào hồi 23h25' ngày 6 tháng 5 năm 2020 tại nhà riêng (TP Hồ Chí Minh) sau hai năm chống chọi với bệnh ung thư. Trong hơn 60 ca khúc của ông, 'Thu, hát cho người' được xem là nhạc phẩm lừng danh nhất, đã đi vào lòng công chúng mến mộ suốt hơn nửa thế kỷ qua (tính từ năm ra đời 1968).
Hàng chục danh ca sống ở trong và ngoài nước đã trình bày thanh công ca khúc này như: Lệ Thu, Tuấn Ngọc, Vũ Khanh, Bảo Yến, Cẩm Vân, Quang Dũng, Bằng Kiều… Và tôi bỗng nhận ra rằng, bên cạnh giai điệu mượt mà, ngọt ngào sâu lắng, phần ca từ của ca khúc lừng danh này có thể được thưởng thức như một bài thơ.
Trước tiên, ta hãy cùng chép lại phần ca từ của bài hát để thấy lời ca này chính là một thi phẩm tuyệt diệu: "Dòng sông nào đưa người tình đi biền biệt/ Mùa Thu nào đưa người về thăm bến xưa/ Hoàng hạc bay, bay mãi bỏ trời mơ/ Về đồi sim, ta nhớ người vô bờ/ Ta vẫn chờ em dưới gốc sim già đó/ Để hái dâng người, một đóa đẫm tương tư/ Đêm nguyệt cầm, ta gọi em trong gió/ Sáng linh lan hồn ta khóc bao giờ/ Ta vẫn chờ em trên bao la đồi nương/ Trong mênh mông chiều sương/ Giữa thu vàng bên đồi sim trái chín/ Một mình ta ngồi khóc tuổi thơ bay/ Thời gian nào trôi bồng bềnh trên phận người/ Biệt ly nào không muộn phiền trên dấu môi/ Mùa vàng lên biêng biếc bóng chiều rơi/ Nhạc hoài mong, ta hát vì xa người/ Thu hát cho người, thu hát cho người, người yêu ơi…".
Nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển đã từng tâm sự về hoàn cảnh ra đời của tác phẩm này, qua email gửi cho một người bạn: "Thu trong ca khúc nói trên là một nữ sinh xinh đẹp, học Trường Trần Quý Cáp (Hội An, Quảng Nam) từ năm 1961-1968. Người ấy học dưới tôi hai lớp, ở cùng làng, thường đi học chung trên con đường từ quê Duy Vinh (vùng đông Duy Xuyên) qua Cẩm Kim (Hội An). Cứ chiều thứ bảy, từ Hội An về lại làng, chiều chủ nhật lại từ làng qua Hội An.
Đường xa 5 cây số, qua hai lần đò, hai đứa cùng đi bộ với nhau 4 năm. "Thu" chỉ là tên hai chúng tôi gọi nhau, đó là tên ở nhà. Tên thật đi học của cô gái này là H.". Sau này, trong nhiều văn bản in, người ta đã vô tình bỏ đi dấu phẩy ở sau chữ "Thu", họ nghĩ rằng từ này chỉ một mùa trong năm mà quên mất rằng đó vốn là tên của một người con gái.
Ca từ "Thu, hát cho người" có thể xem như một bài thơ gồm 4 khổ, mỗi khổ 4 câu cùng một câu cuối cùng khép lại. Vô tình hay hữu ý, tên người con gái cũng là tên của thời gian nghệ thuật được nhắc đến trong bài: Mùa Thu. Cũng chính cảm hứng thời gian và hoài niệm mối tình là tinh thần chủ đạo, tạo nên một hồn cốt xuyên suốt tác phẩm này.
Ngay từ khổ đầu tiên, không gian và thời gian đã được mở ra mênh mang, một đi không trở lại: "Dòng sông nào đưa người tình đi biền biệt/ Mùa Thu nào cho người về thăm bến xưa/ Hoàng hạc bay, bay mãi bỏ trời mơ/ Về đồi sim, ta nhớ người vô bờ".
Bóng hình yêu thương thuở nào còn rất gần gũi bên chàng trai, nay thoắt đã trở thành xa vắng ngút ngàn, chỉ còn biết ngồi đây mà nhớ thương, mà mơ ước một tương phùng vô vọng. Dòng sông thời gian mải miết vô tình ấy, sau này ta còn gặp lại trong ca từ của nhiều bài hát nổi tiếng khác: "Ở chốn nào, dòng sông đã hòa cùng đại dương/ Cạn bến bờ, chiều nay thẫn thờ nhìn hoàng hôn/ Rồi chúng ta sẽ đôi lần nuối tiếc/ Để một dòng sông lơ đãng trôi qua" (Dòng sông lơ đãng - Nhạc và lời: Việt Anh).
Trước và sau Vũ Đức Sao Biển, đã có biết bao mối tình dở dang trong cõi trần thế này. Giấc mộng vàng đã mất ấy khiến con người dường như còn muốn nương tựa vào bao câu chuyện tình xưa. Cánh hạc vàng trong thơ Thôi Hiệu thuở nào như một biểu tượng về ước mơ hạnh phúc giờ đây quay lại trong lời ca của Sao Biển. Và đồi sim cũng nhắc ta nhớ đến bao câu chuyện, bao ân tình trong thơ Việt trước đó: "Những đồi hoa sim dài trong chiều không hết/ Màu tím hoa sim tím chiều hoang biền biệt" (Hữu Loan), "Anh lùa bò vào đồi sim trái chín/ Cho bò ăn cỏ giữa rừng sim" (Bùi Giáng).
Đồi sim trong lời ca của "Thu, hát cho người" không phải là một ước lệ, mà nó cũng là kỷ niệm có thật của tác giả với người bạn gái thuở nào. Kẻ mộng du Võ Hợi bây giờ một mình bên gốc sim già, rưng rưng ôm kỷ niệm xưa. Một câu thơ tuyệt đẹp, trong veo như được chưng cất từ nỗi nhớ đã vút lên: "Để hái dâng người, một đóa đẫm tương tư". Hai chữ "dâng người" ấy mang trong nó đầy đủ sự tôn thờ cho một tình cảm rất đỗi thiêng liêng, mà giờ đây nhòa mờ, mịt mù như sương khói.
Thi sĩ Đoàn Phú Tứ trước đó gần nửa thế kỷ cũng đã từng có một chữ "dâng" như vậy: "Ta lặng dâng nàng/ Trời mây phảng phất nhuốm thời gian" (Màu thời gian). Còn "đóa đẫm tương tư" thực sự là một thi ảnh kỳ ảo, ghi dấu ấn sáng tạo riêng của Vũ Đức Sao Biển. Vừa là đóa hoa của hoài niệm, vừa là giọt nước mắt vô hình chảy xuống cho một mối tình không trọn vẹn.
"Đêm nguyệt cầm" gợi nhớ về bài thơ của Xuân Diệu, cũng đồng thời là một diễn tả mang cảm xúc của ảo ảnh, của nỗi vô vọng. Trước Vũ Đức Sao Biển, có lẽ chưa từng ai đưa hoa Linh lan vào thơ và nhạc, một loài hoa được nhiều quốc gia châu Âu coi là biểu tượng của hạnh phúc. Thậm chí sau này, Linh lan còn được chọn là quốc hoa của Phần Lan (từ năm 1982).
Trong tiếng Anh, hoa Linh lan được gọi tên là "Our lady's tears" (nước mắt của Đức Mẹ) hoặc "Ladder to heaven" (nấc thang lên thiên đường). Loài hoa cánh trắng mong manh thơm ngát ấy trong câu hát của Vũ Đức Sao Biển lúc này, mãi mãi là một khát khao hạnh phúc không thành.
Khổ ca từ thứ ba, cũng đồng thời là cao trào của giai điệu ca khúc, không gian bỗng vút cao và như mở ra muôn trùng: "Ta vẫn chờ em trên bao la đồi nương/ Trong mênh mông chiều sương". Trong 14 âm tiết liền kề có tới 13 tiếng là thanh bằng, trong đó 5 tiếng đi liền nhau liên tiếp kết thúc bằng các phụ âm mũi ng/nh tạo ra độ ngân vang đặc biệt: "nương/trong/mênh/mông/sương". Thời gian (thu vàng), không gian (đồi sim) và những giọt nước mắt (mình ta ngồi khóc) được nhắc lại một lần nữa như những vòng xoáy trôn ốc xoay quanh một tiêu điểm nhưng càng lúc càng lên tới đỉnh của cao trào.
Cùng nói về sim nhưng có sự vận động của thời gian, từ khổ 2 sang khổ 3 là cũng là chuyển biến từ "đóa sim" sang "trái chín". Mối tình xưa ấy lung linh như pha lê, trong ngần như băng tuyết, không hề vướng chút nhục cảm thân xác. Bởi thế, nhớ về tính xưa mà cũng là nhớ tiếc một tuổi thơ đi qua của mình: "tuổi thơ bay".
Ta bất chợt nhớ tới tuổi thơ một đi không trở lại, cũng gắn với dòng sông, trong lời ca một ca khúc nổi tiếng của nhạc sĩ Hoàng Hiệp: "Sông cũng như người ấy/ Có khi vui buồn có khi hờn ghen, chỉ tình yêu tuổi thơ mới thấy/ Ôi những con thuyền giấy/ Tháng năm tuổi thơ đã đi về đâu, để mình tôi nhớ nhung bây giờ" (Trở về dòng sông tuổi thơ).
Khổ cuối cùng, thời gian lại trở về với nhịp điệu mênh mang của trời đất như lúc nó mở ra, nhưng gắn nhiều hơn với thân phận trong cõi vô thường: "Thời gian nào trôi bềnh bồng trên phận người". Dùng chữ "bềnh bồng", ta cảm giác thời gian cũng như một con thuyền, một con thuyền trôi lênh đênh trên dòng sông biền biệt đã được nhắc tới từ câu thứ nhất của bài hát.
Và nỗi biệt ly trên sông nước dường như đánh động vào tâm hồn mỗi chúng ta một cách mãnh liệt, bởi khung cảnh này đã từng in dấu trong bao trước tác kinh điển của thơ Đường và cả thi ca Việt sau này: "Biệt ly sóng trên dòng sông/ Ôi còi tàu như xé đôi lòng/ Và mây trôi, nước trôi ngày tháng trôi cùng lướt trôi" (Biệt ly - Nhạc và lời: Dzoãn Mẫn).
Nhà thơ Trần Mạnh Hảo đã gọi "Thu, hát cho người" là "một bản thánh ca về tình yêu, một vẻ đẹp hình như chỉ có trong mơ, trong thơ Đường xưa thấp thoáng cánh hạc vàng thiên giới". Từ lúc viết xong bản nhạc cho đến khi từ giã cõi đời, Vũ Đức Sao Biển không một lần được gặp lại người xưa, chỉ còn ca khúc của ông ở lại mãi cùng hậu thế. Và chắc chắn, một phần quan trọng để làm nên thành công của ca khúc chính là phần ca từ lộng lẫy như một thi phẩm đích thực.
Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/tu-lieu-van-hoa/thu-hat-cho-nguoi-ban-thanh-ca-tinh-yeu-595941/