Thu hẹp khoảng cách chênh lệch lương hưu

Một trong những điểm mới được bổ sung tại Luật Bảo hiểm xã hội 2024, là quy định thêm việc điều chỉnh mức tăng lương hưu thỏa đáng, đối với đối tượng có mức lương hưu thấp và nghỉ hưu trước năm 1995.

Chi trả lương hưu cho người hưởng. Ảnh: Ngọc Yến.

Chi trả lương hưu cho người hưởng. Ảnh: Ngọc Yến.

Tin vui với người có lương hưu thấp

Quy định trên là một trong những nội dung đáng chú ý của Luật Bảo hiểm xã hội 2024, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025. Đây được đánh giá là tin vui với nhiều người hưu trí đang có mức lương thấp.

Theo ông Nguyễn Duy Cường - Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội), Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) hiện hành và Luật mới đều quy định, lương hưu được điều chỉnh trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng (CPI), phù hợp với khả năng của ngân sách Nhà nước và Quỹ BHXH.

Ngoài quy định nguyên tắc điều chỉnh lương hưu như trên, một trong những điểm mới được bổ sung tại Luật Bảo hiểm xã hội 2024 là quy định thêm việc điều chỉnh mức tăng lương hưu thỏa đáng, đối với đối tượng có mức lương hưu thấp, và nghỉ hưu trước năm 1995.

Theo ông Cường, đây là quy định nhằm thể chế hóa nội dung đã được nêu trong Nghị quyết 28/NQ-TW về cải cách chính sách BHXH. “Việc điều chỉnh lương hưu là tương đối độc lập trong mối tương quan giữa tăng lương của những người đang đi làm”, ông Cường nói.

Thời gian qua, khi triển khai thực hiện Nghị quyết số 28, Chính phủ đã giao Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với các bộ, ngành xây dựng đề án đổi mới cách thức, phương thức tính lương hưu. Theo đó, có những năm, lương hưu của công chức, viên chức không điều chỉnh, nhưng lương hưu và trợ cấp BHXH hàng tháng vẫn được điều chỉnh thường xuyên.

Gần đây nhất, khi thực hiện Nghị định 75 về điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hằng tháng, ngoài thực hiện điều chỉnh tăng 15% theo mức chung, từ ngày 1/7/2024, những người có lương hưu thấp, và nghỉ hưu trước ngày 1/1/1995, sau khi điều chỉnh mà có mức hưởng dưới 3,5 triệu đồng/tháng, đã được tăng lần nữa để đạt được mức này.

Thay đổi mức hưởng trợ cấp một lần khi nghỉ hưu

Cùng với điều chỉnh lương hưu, Luật BHXH 2024 đã thay đổi điều kiện hưởng trợ cấp một lần khi nghỉ hưu. Theo đó, từ ngày 1/7/2025, điều kiện hưởng trợ cấp một lần khi nghỉ hưu như sau: Đối với lao động nam, có thời gian đóng BHXH cao hơn 35 năm. Đối với lao động nữ, có thời gian đóng BHXH cao hơn 30 năm.

Mức hưởng trợ cấp một lần cho mỗi năm đóng cao hơn thời gian nêu trên bằng 0,5 lần của mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH, cho mỗi năm đóng cao hơn đến tuổi nghỉ hưu.

Trường hợp người lao động đã đủ điều kiện hưởng lương hưu, mà tiếp tục đóng BHXH, thì mức trợ cấp bằng 2 lần, của mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH, cho mỗi năm đóng cao hơn số năm quy định, kể từ sau thời điểm đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định của pháp luật, đến thời điểm nghỉ hưu.

Đáng chú ý, theo Luật BHXH mới người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định, có toàn bộ thời gian đóng BHXH theo chế độ tiền lương này, thì tính bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của số năm đóng BHXH trước khi nghỉ hưu như sau: Bắt đầu tham gia BHXH trước ngày 1/1/1995, thì tính bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của 5 năm cuối trước khi nghỉ hưu. Bắt đầu tham gia BHXH từ ngày 1/1/1995, đến ngày 31/12/2000, thì tính bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của 6 năm cuối trước khi nghỉ hưu. Bắt đầu tham gia BHXH từ ngày 1/1/2001, đến ngày 31/12/2006, thì tính bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của 8 năm cuối trước khi nghỉ hưu. Bắt đầu tham gia BHXH từ ngày 1/1/2007, đến ngày 31/12/2015, thì tính bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của 10 năm cuối trước khi nghỉ hưu.

Bắt đầu tham gia BHXH từ ngày 1/1/2016, đến ngày 31/12/2019, thì tính bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của 15 năm cuối trước khi nghỉ hưu. Bắt đầu tham gia BHXH từ ngày 1/1/2020, đến ngày 31/12/2024, thì tính bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của 20 năm cuối trước khi nghỉ hưu. Bắt đầu tham gia BHXH từ ngày 1/1/2025 trở đi, thì tính bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH, của toàn bộ thời gian đóng BHXH.

Chính phủ cũng sẽ quy định mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH đối với người lao động thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định trong một số trường hợp đặc biệt.

Thời gian qua, khi triển khai thực hiện Nghị quyết số 28, Chính phủ đã giao Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với các bộ, ngành xây dựng đề án đổi mới cách thức, phương thức tính lương hưu. Theo đó, có những năm, lương hưu của công chức, viên chức không điều chỉnh, nhưng lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng vẫn được điều chỉnh thường xuyên.

Lê Bảo

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/thu-hep-khoang-cach-chenh-lech-luong-huu-10287268.html