Thu hẹp khoảng cách giới là ưu tiên hàng đầu để đảm bảo sự tiến bộ bền vững

Bà Nguyễn Thị Minh Hương, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, khẳng định rằng việc thu hẹp khoảng cách giới trong các lĩnh vực, đặc biệt là kinh tế và chính trị, là ưu tiên hàng đầu để đảm bảo sự tiến bộ bền vững cho phụ nữ trong bối cảnh hiện nay. Đây không chỉ là mục tiêu, mà còn là thách thức lớn mà Việt Nam cần tập trung giải quyết trong tương lai.

Bà Nguyễn Thị Minh Hương, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.

Bà Nguyễn Thị Minh Hương, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.

- Thưa bà, bà đánh giá như thế nào về những tiến bộ của Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết về quyền phụ nữ theo Tuyên bố Bắc Kinh trong 30 năm qua?

Bà Nguyễn Thị Minh Hương: Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ đáng kể trong 30 năm thực hiện Tuyên bố Bắc Kinh. Điều này được thể hiện rõ qua việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về quyền phụ nữ, tiêu biểu là Luật Bình đẳng giới năm 2006 và các văn bản hướng dẫn thi hành sau đó. Những quy định này yêu cầu phải lồng ghép vấn đề bình đẳng giới vào quá trình xây dựng và sửa đổi luật pháp, tạo nên một khung pháp lý vững chắc, góp phần thu hẹp khoảng cách giới.

Việt Nam đã nghiêm túc triển khai tất cả 12 nội dung của Cương lĩnh Bắc Kinh và đạt được nhiều kết quả tích cực trong các lĩnh vực như “phụ nữ và đói nghèo”, “phụ nữ và sức khỏe”, “phụ nữ và kinh tế”, “phụ nữ và môi trường”, “trẻ em gái”. Đặc biệt, bình đẳng giới được lồng ghép vào nhiều chương trình mục tiêu quốc gia như Giảm nghèo, Chương trình nông thôn mới và Chương trình Dân tộc thiểu số.

Chỉ số phát triển giới (GDI) của Việt Nam năm 2022 đứng thứ 91/193 quốc gia, cao hơn cả chỉ số phát triển con người. Điều này cho thấy Việt Nam đã đạt được sự tiến bộ đáng kể trong việc thu hẹp khoảng cách giới và thúc đẩy bình đẳng giữa nam và nữ.

- Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã có những nỗ lực gì để thúc đẩy bình đẳng giới và bảo vệ quyền của phụ nữ, thưa bà?

Bà Nguyễn Thị Minh Hương: Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã và đang thực hiện rất nhiều hoạt động để thúc đẩy bình đẳng giới và bảo vệ quyền lợi của phụ nữ thông qua công tác giám sát và phản biện xã hội. Từ nhiệm kỳ XIII, chúng tôi đã xem giám sát và phản biện là nhiệm vụ trọng tâm. Hội đã đầu tư mạnh mẽ vào việc xây dựng chính sách, xác định các chỉ tiêu cho các cấp Hội để tham gia giám sát và phản biện các dự thảo văn bản pháp luật, đồng thời yêu cầu các tỉnh phải chủ trì phản biện ít nhất một dự thảo mỗi năm.

Chúng tôi cũng đã đề xuất nhiều chính sách hỗ trợ phụ nữ, như Nghị định 39/2015 về hỗ trợ phụ nữ thuộc hộ nghèo là người dân tộc thiểu số khi sinh con đúng chính sách dân số. Ngoài ra, Hội còn tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền nhằm nâng cao kiến thức pháp luật cho phụ nữ, giúp họ hiểu rõ quyền của mình và tự bảo vệ.

Hội cũng hỗ trợ phụ nữ thực hiện quyền lợi của họ trong các lĩnh vực kinh tế và gia đình, đồng thời giải quyết nhiều vụ việc xâm hại quyền phụ nữ và trẻ em, đảm bảo quyền lợi của họ được bảo vệ một cách công bằng.

- Theo bà, đâu là những ưu tiên quan trọng nhất mà Việt Nam cần tập trung để đảm bảo sự tiến bộ bền vững cho phụ nữ trong bối cảnh hiện tại và tương lai?

Bà Nguyễn Thị Minh Hương: Ưu tiên hàng đầu là thu hẹp khoảng cách giới trong mọi lĩnh vực.

Về kinh tế, sự chênh lệch thu nhập giữa nam và nữ vẫn còn khá lớn. Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, thu nhập bình quân của lao động nữ chỉ bằng 74% so với nam giới trong quý 2 năm 2024. (thu nhập bình quân của nam là 8,5 triệu đồng/tháng trong khi lao động nữ là 6,3 triệu đồng/tháng). Điều này cho thấy cần có thêm các biện pháp hỗ trợ để phụ nữ có thể tiếp cận được với các cơ hội nghề nghiệp có chuyên môn cao, đặc biệt là trong các lĩnh vực công nghệ và trí tuệ nhân tạo.

Về chính trị, mặc dù Việt Nam đứng thứ 53/146 quốc gia về tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội, nhưng tỷ lệ phụ nữ giữ các vị trí lãnh đạo cấp cao vẫn còn thấp. Phụ nữ chủ yếu đảm nhiệm các chức vụ phó và phụ trách các lĩnh vực như y tế, giáo dục. Để đạt được bình đẳng giới thực sự, cần phải tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí lãnh đạo cấp cao trong cơ quan nhà nước.

Về mặt gia đình, thời gian phụ nữ dành cho công việc nội trợ vẫn cao hơn nam giới 1,8 lần (năm 2022). Điều này cần phải được thay đổi để phụ nữ có thêm thời gian phát triển bản thân và tham gia nhiều hơn vào các lĩnh vực khác của đời sống xã hội.

Bên cạnh đó, theo Báo cáo “Phụ nữ, Kinh doanh và Luật pháp” năm 2023 của Ngân hàng Thế giới cho thấy chỉ có 14 quốc gia đạt được bình đẳng giới hoàn toàn trong luật pháp. Phụ nữ trên toàn cầu chỉ hưởng 77% quyền lợi theo luật pháp so với nam giới, nghĩa là có đến 2,4 triệu phụ nữ trong độ tuổi lao động vẫn đang sống trong những nền kinh tế không đảm bảo quyền lợi pháp lý như nam giới.

Tại Việt Nam, tỷ lệ này là 88,1%, đứng thứ 55/190 nền kinh tế. Điều này cho thấy, mặc dù chúng ta đã đạt được những tiến bộ đáng kể, nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm để thu hẹp khoảng cách giới và đảm bảo quyền lợi pháp lý cho phụ nữ.

- Vậy thưa bà đâu là những ưu thế của Việt Nam trong việc xây dựng và điều chỉnh các chính sách liên quan đến phụ nữ cũng như việc thực hiện công ước quốc tế về bình đẳng giới?

Bà Nguyễn Thị Minh Hương: Ưu thế lớn nhất của Việt Nam so với nhiều quốc gia khác chính là cấu trúc hệ thống chính trị và nền tảng pháp luật đã lồng ghép vấn đề bình đẳng giới ngay từ giai đoạn xây dựng văn bản pháp luật. Việc này giúp bình đẳng giới không chỉ được đưa vào các quy phạm pháp luật mà còn được thực hiện nghiêm túc trong quá trình xây dựng chính sách.

Thứ hai, trong hệ thống chính trị của chúng ta, có sự lãnh đạo của Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội. Các tổ chức này không chỉ giám sát việc thực hiện chính sách mà còn đóng vai trò phản biện xã hội, mang tiếng nói của nhân dân, trong đó có phụ nữ, để phản ánh, phản biện lại các dự thảo, các quy phạm pháp luật. Điều này đảm bảo rằng chính sách khi ban hành sẽ phù hợp hơn, đáp ứng nguyện vọng của người dân, và mang lại sự bình đẳng cho tất cả mọi người, bao gồm cả phụ nữ.

Bên cạnh đó là Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam có mặt ở tất cả các cấp, từ trung ương đến địa phương, bao phủ tận các thôn bản với khoảng 19 triệu hội viên. Điều này giúp việc triển khai chính sách ở cơ sở trở nên hiệu quả và sâu rộng hơn.

Để nâng cao nhận thức về quyền bình đẳng cho phụ nữ, chúng ta cần khẳng định rằng phụ nữ có quyền bình đẳng mà không ai có thể xâm phạm. Khi phụ nữ nhận thức được điều đó, họ sẽ hành động mạnh mẽ hơn. Phụ nữ Việt Nam với truyền thống “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” đã chứng minh rằng họ hoàn toàn có thể làm được những công việc mà nam giới làm. Tôi tin rằng trong tương lai, bất cứ công việc gì phụ nữ làm được trừ cho con bú thì nam giới cũng làm được.

- Xin Cảm ơn bà về những chia sẻ hữu ích trên!

Bài viết được thực hiện dưới sự hợp tác giữa Cơ quan Liên Hợp Quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) với Báo Pháp luật Việt Nam nhằm thảo luận thành tựu của Việt Nam trong việc thực hiện Cương lĩnh hành động Bắc Kinh, một trong những văn kiện quan trọng nhất của thế giới về quyền của phụ nữ được thông qua tại Hội nghị phụ nữ thế giới lần thứ 4 năm 1995.

Thanh Hà

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/thu-hep-khoang-cach-gioi-la-uu-tien-hang-dau-de-dam-bao-su-tien-bo-ben-vung-post525826.html