Thu hẹp khoảng cách giới trong biến đổi khí hậu

Dữ liệu từ Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc cho thấy, các hộ gia đình ở nông thôn do phụ nữ làm chủ mất thu nhập nhiều hơn khoảng 8% do căng thẳng nhiệt độ so với các gia đình có chủ hộ là nam giới.

Các nông dân dọn cỏ tại một trang trại trồng dưa lưới trong đợt nắng nóng ở ngoại ô Jacobabad, Pakistan. Nguồn: Reuters.

Các nông dân dọn cỏ tại một trang trại trồng dưa lưới trong đợt nắng nóng ở ngoại ô Jacobabad, Pakistan. Nguồn: Reuters.

Theo dữ liệu do Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) công bố hôm 5/3, các hộ gia đình do phụ nữ làm chủ ở khu vực nông thôn mất thu nhập do nắng nóng nhiều hơn khoảng 8% so với các hộ gia đình có chủ hộ là nam giới và mức giảm thu nhập của họ khi lũ lụt xảy ra lớn hơn khoảng 3% so với thiệt hại của nam giới. Sự khác biệt giữa các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình trên thế giới khiến phụ nữ thiệt hại thêm khoảng 37 tỷ USD do nắng nóng và thêm 16 tỷ USD do lũ lụt mỗi năm.

Các nhà nghiên cứu ước tính, nhiệt độ trung bình dài hạn tăng 1 độ C có liên quan đến việc giảm khoảng 1/3 thu nhập của các hộ gia đình có chủ hộ là nữ so với các hộ gia đình có chủ hộ là nam giới.

Trẻ em và phụ nữ cũng có xu hướng phải làm việc nhiều hơn khi nhiệt độ cực cao tấn công, trung bình trẻ em phải làm việc thêm gần một giờ mỗi tuần ở khu vực nông thôn.

Bà Lauren Phillips - Phó Giám đốc Chuyển đổi nông thôn toàn diện và bình đẳng giới tại FAO và là đồng tác giả của báo cáo cho biết, các chính phủ đã không tính đến các yếu tố gây bất lợi cho phụ nữ và viện trợ khí hậu không nhắm mục tiêu theo cách có thể giải quyết khoảng cách giới tính.

Chia sẻ với Guardian, bà Lauren cho biết: “Khoảng cách giới có thể có tác động rất lớn đến tăng trưởng GDP. Chúng ta có thể tăng GDP thêm 1% trên toàn cầu nếu giảm bớt tình trạng mất an ninh lương thực cho 45 triệu người, bằng cách tập trung vào phụ nữ”.

Ước tính chưa đến 2% tài chính khí hậu trên toàn cầu sẽ đến tay các nhà sản xuất thực phẩm quy mô nhỏ. Phụ nữ bị ảnh hưởng nặng nề hơn nam giới bởi cuộc khủng hoảng khí hậu một phần vì các tác động này làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng hiện có, chẳng hạn như bất bình đẳng trong quyền sở hữu đất đai và thiếu cơ hội kinh tế cho phụ nữ. Phụ nữ cũng có xu hướng chịu nhiều gánh nặng trong cung cấp nước, nhiên liệu và thực phẩm hơn. Theo bà Lauren, các chính phủ và nhà tài trợ có thể giải quyết những vấn đề này bằng cách nhắm mục tiêu hỗ trợ tốt hơn.

Tổng Thư ký Tổ chức Khí tượng thế giới WMO Celeste Saulo cho rằng, chúng ta có tiềm năng rất lớn chưa được khai thác, đó là về vai trò của phụ nữ với tư cách là những người lãnh đạo khí hậu, ủng hộ khả năng phục hồi khí hậu và phát triển bền vững.

Bà Celeste cho biết: “Phụ nữ đóng vai trò rất hiệu quả trong việc huy động cộng đồng trong trường hợp xảy ra thiên tai. Họ đang ở tuyến đầu trong quá trình phục hồi. Phụ nữ còn nắm giữ thêm những kiến thức quan trọng về quản lý tài nguyên thiên nhiên và là những nhân tố chính trong việc thích ứng và giảm thiểu biến đổi khí hậu”.

Các nhà nghiên cứu đã phân tích dữ liệu kinh tế xã hội từ hơn 100.000 hộ gia đình nông thôn, đại diện cho hơn 950 triệu người trên 24 quốc gia có thu nhập thấp và trung bình. Họ tham chiếu chéo dữ liệu này với dữ liệu về nhiệt độ và lượng mưa hàng ngày trong 70 năm để xây dựng một bức tranh chi tiết về những thay đổi của khí hậu và thời tiết khắc nghiệt ảnh hưởng đến thu nhập, lao động và cuộc sống của người dân như thế nào.

Nó bổ sung vào một nhóm nghiên cứu ngày càng tăng cho thấy, phụ nữ và những người dễ bị tổn thương phải chịu đựng một cách không cân xứng do tác động của khủng hoảng khí hậu. Báo cáo cũng cho thấy, người già có xu hướng bị ảnh hưởng nhiều hơn người trẻ - những người có nhiều cơ hội di chuyển để thoát khỏi tác động của thời tiết khắc nghiệt và những người vốn đã nghèo lại dễ bị tổn thương hơn những người có thu nhập cao hơn.

Ông Maximo Torero Cullen - Kinh tế trưởng của FAO viết trong lời nói đầu của báo cáo: “Biến đổi khí hậu đang làm gia tăng thêm khoảng cách thu nhập hiện có ở khu vực nông thôn, đẩy những người dễ bị tổn thương tới các chiến lược đối phó không thích hợp và cuối cùng khiến những nhóm này khó thoát khỏi vòng luẩn quẩn của nghèo đói”.

Báo cáo cho thấy, các hộ nghèo hơn bị thiệt hại trung bình lớn hơn khoảng 5% so với những người hàng xóm khá giả hơn khi lũ lụt hoặc nhiệt độ khắc nghiệt xảy ra. “Chúng tôi phát hiện ra rằng, biến đổi khí hậu đang khiến người nghèo ở nông thôn phụ thuộc nhiều hơn vào nông nghiệp. Nông nghiệp sẽ trở nên khó khăn hơn khi khí hậu ngày càng biến đổi” - bà Phillips cho biết.

Theo báo cáo của Diễn đàn Kinh tế thế giới về khoảng cách giới năm 2022, sẽ mất 132 năm để bình đẳng giới trở thành hiện thực và 151 năm để thu hẹp sự tham gia kinh tế và khoảng cách cơ hội về giới. Cuộc khủng hoảng khí hậu còn phải mất rất lâu mới đạt được trạng thái công bằng về giới tính. Theo WMO, phụ nữ và nam giới bị ảnh hưởng khác nhau bởi thời tiết và khí hậu, do đó cần những thông tin và dịch vụ cung cấp cho sự khác biệt về giới.

Hà Anh

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/thu-hep-khoang-cach-gioi-trong-bien-doi-khi-hau-10274695.html