Thu hoạch vụ lúa chất lượng cao, giảm phát thải đầu tiên cả nước

Lần đầu tiên ngành nông nghiệp thu hoạch lúa canh tác hưởng ứng Đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao, giảm phát thải ở Cần Thơ. Đông đảo nông dân, doanh nghiệp trong và người nước đến tham quan, học hỏi.

Cánh đồng lúa chất lượng cao, giảm phát thải ở Cần Thơ - Ảnh: X.H

Cánh đồng lúa chất lượng cao, giảm phát thải ở Cần Thơ - Ảnh: X.H

Ngày 8.7, là một ngày rất đặc biệt của ngành nông nghiệp Việt Nam, rất đông người dân, doanh nghiệp, ngành nông nghiệp trong nước và Philippines đã đến Hợp tác xã Tiến Thuận (xã Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh, TP.Cần Thơ) tìm hiểu về kết quả thí điểm đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao, giảm phát thải.

Theo Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, NN-PTNT), sau lễ công bố và phát động và đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao, giảm phát thải ở ĐBSCL cuối năm 2023, đến tháng 5 năm nay vùng này đã có 5 tỉnh đăng ký với diện tích 640ha lúa chất lượng cao, giảm phát thải theo đề án.

Cánh đồng lúa chất lượng cao đẹp như tranh - Ảnh: X.H

Cánh đồng lúa chất lượng cao đẹp như tranh - Ảnh: X.H

TP.Cần Thơ đăng ký tham gia 50ha, do Hợp tác xã Thuận Tiến (xã Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh) triển khai thực hiện trong vụ hè thu năm 2024, đông xuân năm 2024-2025, hè thu năm 2025.

Tỉnh Kiên Giang đăng ký tham gia 340ha, do Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Thanh niên Phú Hòa (xã Tân Hội, huyện Tân Hiệp) và Hợp tác xã tôm-cua-lúa Thạnh An (xã Đông Thạnh, huyện An Minh) triển khai thực hiện trong vụ hè thu năm 2024, đông xuân năm 2024-2025, hè thu năm 2025.

Tỉnh Sóc Trăng đăng ký tham gia 50ha, do Hợp tác xã Nông nghiệp Hưng Lợi (xã Long Đức, huyện Long Phú) triển khai thực hiện vụ hè thu năm 2024, đông xuân năm 2024-2025, hè thu năm 2025.

Tỉnh Trà Vinh đăng ký tham gia 50ha, do Hợp tác xã Nông nghiệp Phước Hảo (ấp Hòa Hảo, xã Phước Hảo, huyện Châu Thành) triển khai thực hiện vụ hè thu năm 2024, đông xuân năm 2024-2025, hè thu năm 2025.

Đông đảo khách tham quan trong và ngoài nước - Ảnh: X.H

Đông đảo khách tham quan trong và ngoài nước - Ảnh: X.H

Tỉnh Đồng Tháp đăng ký tham gia 50ha, do Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Phú Thọ (ấp Phú Lợi, xã An Long, huyện Tam Nông) triển khai thực hiện vụ hè thu năm 2024, đông xuân năm 2024-2025, hè thu năm 2025.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam nhấn mạnh nông dân tham gia thực hiện thí điểm đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao, phát thải thấp sẽ "không phải bỏ ra đồng nào" trong 3 vụ liên tiếp.

Phần lớn sở NN-PTNT các địa phương cho biết đã tổ chức họp dân, thống nhất một số nội dung cơ bản về việc triển khai thí điểm đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao.

Trước đó, mô hình trồng lúa giảm phát thải được tổ chức thực hiện ngày 5.4. Mô hình sử dụng giống lúa xác nhận từ Viện Lúa ĐBSCL, với lượng giống 60kg/ha (ngoài mô hình thì 140 kg/ha), bón phân 2 lần/vụ (ngoài mô hình từ 3 - 4 lần/vụ), giảm đáng kể lượng nước tưới...

Thu hoạch lúa chất lượng cao, giảm phát thải - Ảnh: X.H

Thu hoạch lúa chất lượng cao, giảm phát thải - Ảnh: X.H

TS Nguyễn Văn Hùng - chuyên gia cao cấp của Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI) cho biết kỹ thuật canh tác nói trên giúp nông dân giảm 1,2 triệu đồng/ha đối với chi phí giống, giảm 0,7 triệu đồng/ha chi phí phân bón.

"Mô hình áp dụng kỹ thuật sạ hàng cắm hạt giống vào đất, do đó tránh trôi giống. Còn phân được vùi sâu 3 - 4cm giúp hạn chế thất thoát. Cách bón phân vùi kết hợp với cách tưới ngập khô xen kẽ làm rễ cây lúa ăn sâu, giảm đổ ngã khi cây lớn, đặc biệt là vào giai đoạn hạt" - TS Hùng nói.

Thống kê sơ bộ, năng suất lúa hè thu trong mô hình đạt từ 6,3 - 6,5 tấn/ha, trong khi cách thức sạ lan và sạ hàng không vùi phân chỉ đạt từ 5,8 - 6,1 tấn/ha.

Chưa dừng lại ở đó, TS Hùng còn cho hay, mô hình còn giúp giảm phát thải khí nhà kính từ 2-6 tấn CO2e/ha so với ruộng đối chứng.

Phát biểu tại sự kiện, ông Nguyễn Ngọc Hè - Phó chủ tịch UBND TP.Cần Thơ cho biết: "Mô hình trồng lúa giảm phát thải sử dụng giống xác nhận, sạ hàng bằng máy kết hợp vùi phân, áp dụng quản lý nước ướt khô xen kẽ (AWD), bón phân theo vùng chuyên biệt (SSNM), quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp, thu gom rơm ra khỏi đồng làm nấm rơm hoặc làm phân bón hữu cơ.

"Kết quả mô hình là nền tảng để ngành nông nghiệp nhân rộng đến toàn bộ các vùng tham gia thực hiện đề án 1 triệu hecta như đã cam kết" - ông Hè nói.

Ông Phan Văn Tâm - Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Phân bón Bình Điền cho biết: "Tham gia mô hình, công ty chúng tôi cung cấp gói kỹ thuật về phân bón, sao cho tránh thất thoát phân và đạt hiệu quả cao nhất dựa trên căn cứ từ chương trình canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu mà công ty phối hợp Trung tâm Khuyến nông quốc gia triển khai ở ĐBSCL trong 6 năm qua".

Ông Tâm nhấn mạnh, mô hình sử dụng chi phí đầu vào rất thấp, lợi nhuận tăng thêm từ 1,3 - 6 triệu đồng/ha. Đặc biệt, giảm phát thải khí nhà kính rất lớn, từ việc đem rơm ra khỏi ruộng, vùi phân kết hợp tưới ngập khô xen kẽ. Đây là thành công lớn trong chủ trương của đề án, cũng là điều kiện tốt để nhân rộng trong thời gian tới.

Để nhân rộng với quy mô lớn như kỳ vọng của Bộ NN-PTNT, ông Tâm mong muốn cơ quan truyền thông đẩy mạnh thông tin để bà con được biết thông tin chuẩn, để từ đó nông dân ủng hộ, đồng lòng làm theo.

"Hiện nay, kỹ thuật canh tác đã cơ bản hoàn chỉnh, chỉ cần nông dân đồng lòng thì mô hình sẽ triển khai được thuận tiện hơn. Kế tiếp là sự tham gia mạnh mẽ của khối doanh nghiệp đủ sức đủ lớn để đề án đi nhanh và bền vững" - ông Tâm nói thêm.

Ông Lê Thanh Tùng – Phó cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) cho rằng mô hình thí điểm có sự liên kết rất chặt chẽ giữa các doanh nghiệp đầu vào và các doanh nghiệp thu mua gạo cho nông dân, thực hiện đúng cam kết của hai bên.

Đây là những yếu tố thành công của mô hình ban đầu mà ngành nông nghiệp thấy rằng có thể lan tỏa cho địa bàn TP.Cần Thơ và các tỉnh khác khi triển khai kế hoạch thực hiện đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao của địa phương.

Mô hình canh tác này sẽ được nhân rộng ra ĐBSCL - Ảnh: X.H

Mô hình canh tác này sẽ được nhân rộng ra ĐBSCL - Ảnh: X.H

Theo ông Cao Đức Phát – Chủ tịch HĐQT Viện IRRI, nguyên Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, với kết quả thực hiện thí điểm hôm nay, kỳ vọng mô hình trồng lúa giảm phát thải ở Cần Thơ được lan tỏa ra khắp vùng ĐBSCL. Điều này giúp bà con nông dân có thu nhập và cuộc sống tốt hơn, đồng thời thực hiện cam kết của Việt Nam với quốc tế trong giảm phát thải khí nhà kính, góp phần cùng với thế giới trong chống biến đổi khí hậu…

Văn Kim Khanh

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/thu-hoach-vu-lua-chat-luong-cao-giam-phat-thai-dau-tien-ca-nuoc-219349.html