THU HỒI ĐẤT ĐỂ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI, VÌ LỢI ÍCH QUỐC GIA, CÔNG CỘNG: CẦN HÀI HÒA LỢI ÍCH, RÕ RÀNG VÀ MINH BẠCH
Tham gia đóng góp ý kiến tại phiên thảo luận về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 5, các đại biểu Quốc hội nhấn mạnh, việc thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội, vì lợi ích quốc gia, công cộng cần có tiêu chí cụ thể, đảm bảo rõ ràng, minh bạch, hài hòa lợi ích giữa người sử dụng đất, nhà đầu tư và nhà quản lý.
Hài hòa lợi ích trong thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội, vì lợi ích quốc gia, công cộng
Đóng góp ý kiến tại phiên thảo luận về dự án Luật Đất đai (sửa đổi), đại biểu Lê Thị Thanh Lam – Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang bày tỏ đồng tình với quy định tại Điều 75 về thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội, vì lợi ích quốc gia, công cộng. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng cần xem xét, đảm bảo hài hòa về lợi ích, đồng thuận về tinh thần giữa người sử dụng đất, nhà đầu tư và nhà quản lý trong việc thu hồi đất, có sự tách bạch rõ ràng từ mục đích sử dụng đất.
Cụ thể, đại biểu cho rằng, nếu dự án nào thực hiện vì mục đích công cộng, vì quốc phòng, an ninh, nhà nước phải thu hồi bằng cơ chế chính sách. Còn đối với các dự án nhà ở xã hội, các doanh nghiệp, các nhà đầu tư và ngay cả các đơn vị sự nghiệp công lập đã thực hiện tự chủ về mặt tài chính thì cần thỏa thuận với người sử dụng đất bị thu hồi theo cơ chế của thị trường.
Cùng tham gia thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh cho biết, đối với nội dung về thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng tại Điều 79, quy định của dự thảo luật đã có chỉnh sửa cơ bản so với dự thảo trước đây, theo đó đã đưa ra 11 trường hợp thu hồi đất. Tuy nhiên, không có trường hợp thu hồi đất trong khu kinh tế mà pháp luật hiện hành đang quy định.
Đại biểu đề nghị bổ sung trường hợp thu hồi đất để phát triển các dự án thực hiện các khu chức năng trong khu kinh tế. Theo đại biểu, khu kinh tế là chế định được quy định trong pháp luật về đầu tư, do vậy, Luật Đất đai cần có quy định về phát triển khu kinh tế từ khâu thu hồi đất phục vụ để phát triển và các ưu đãi được đầu tư trong khu kinh tế, góp phần tháo gỡ khó khăn trong việc thu hồi đất trong khu kinh tế để phát triển các khu chức năng.
Quan tâm đến nội dung này, đại biểu Lê Hữu Trí – Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa đề nghị cần quy định cụ thể, rõ ràng hơn về thẩm quyền, mục đích, phạm vi thu hồi đất, điều kiện, tiêu chí cụ thể của việc Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng cũng như cơ chế tự thỏa thuận giữa doanh nghiệp và người sử dụng đất trong chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện các dự án xây dựng các khu đô thị, nhà ở thương mại theo đúng tinh thần Nghị quyết số 18.
Theo đại biểu, quy định như trong dự thảo luật đối với việc nhà nước thu hồi đất hoặc chủ đầu tư thỏa thuận với người sử dụng đất để thực hiện các dự án nhà ở thương mại, dự án xây dựng các khu đô thị sẽ gây nhiều cách hiểu khác nhau khi thực hiện trong thực tiễn.
Đồng tình với đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà, đại biểu Lê Hữu Trí đề nghị cần bổ sung thiết chế đất sử dụng cho khu kinh tế vào dự thảo luật. Việc bỏ thiết chế đất sử dụng cho khu kinh tế sẽ gây khó khăn cho quá trình thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất cho các dự án đầu tư vào khu kinh tế, cho việc xây dựng kết cấu hạ tầng trong khu kinh tế và sẽ không thu hút được các dự án đầu tư vào phát triển các khu kinh tế.
“Cần hết sức minh bạch, sòng phẳng với người dân”
Tham gia đóng góp ý kiến tại phiên họp, đại biểu Tô Văn Tám – Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum cho rằng, về vấn đề thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội, vì lợi ích quốc gia, công cộng, cần hết sức minh bạch, sòng phẳng với người dân. Nghị quyết 18 của Đảng về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng đất có quan điểm rất quan trọng là tiếp tục thực hiện cơ chế tự thỏa thuận giữa người dân và doanh nghiệp trong chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện các dự án đô thị, nhà ở thương mại.
Đại biểu cho rằng, các quy định về thu hồi đất, bồi thường hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất tại Chương VI, Chương VII chưa có quy định nào thể hiện rõ tinh thần này và Điều 127 cũng có nhiều nội dung chưa thuận lợi cho người dân. Vì vậy, đại biểu đề nghị cần phân định rõ thu hồi đất hoàn toàn vì mục đích quốc gia, công cộng và thu hồi đất cho mục đích dịch vụ thương mại, dịch vụ thương mại đơn thuần lợi nhuận.
Trường hợp hoàn toàn vì lợi ích quốc gia công cộng thì Nhà nước thu hồi và bồi thường, hỗ trợ theo các nguyên tắc tại Điều 90 của dự thảo, đồng thời có chính sách khuyến khích, động viên để nhân dân tham gia. Trên thực tế đã có rất nhiều người dân tự nguyện ủng hộ đất đai để làm đường, làm cầu, làm trường học v.v.. mà không đòi hỏi bồi thường hay hỗ trợ gì. Đại biểu cho rằng, Nhà nước cần có thêm chính sách này để khuyến khích họ.
Trường hợp thu hồi đất cho mục đích thương mại, dịch vụ thương mại đơn thuần lợi nhuận thì cần thực hiện theo cơ chế thỏa thuận như quan điểm của Nghị quyết 18. Theo đại biểu, dự thảo luật cần quy định theo hướng cụ thể hóa Nghị quyết 18, theo đó khi người dân góp vốn bằng đất hoặc khi định giá đất thì người có đất thu hồi là một bên trong quá trình định giá, trường hợp không thỏa thuận được thì người bị thu hồi đất hoặc các bên có thể yêu cầu cơ quan tổ chức định giá độc lập, nếu vẫn không thỏa thuận được thì nên yêu cầu tòa án giải quyết.
Thảo luận về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Hữu Thông – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận cho rằng cần bổ sung vào Điều 3 của dự thảo Luật nội dung giải thích thuật ngữ “dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng”, vì pháp luật hiện hành chưa quy định giải thích tường minh khái niệm này, chưa xây dựng được hệ tiêu chí cụ thể để xác định như thế nào là dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Đại biểu nêu rõ, điều này vừa gây lúng túng, khó khăn cho các cơ quan thực thi trong việc áp dụng pháp luật về thu hồi đất, vừa tạo kẽ hở để cho việc thu hồi đất không đúng quy định. Thu hồi đất là kém hiệu quả và gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất.
Theo đại biểu, dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng phải đáp ứng 3 tiêu chí cụ thể gồm: phải mang lại lợi ích chung cho nhân dân của một xã, của một huyện, của một tỉnh hoặc của một vùng; do ngân sách nhà nước đầu tư thực hiện hoặc đầu tư theo phương thức đối tác công tư; thực hiện nhằm mục đích công cộng.
Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=77274