Thu hồi đất tuyến đường U Minh - Khánh Hội: Cần tránh gây điểm nóng phức tạp

Tỉnh Cà Mau triển khai nâng cấp, mở rộng tuyến đường U Minh – Khánh Hội, đa số người dân đồng tình, tuy nhiên, còn 670 hộ dân chưa đồng ý nhận tiền hỗ trợ, bàn giao mặt bằng. Người dân cho rằng, đất của họ phải được bồi thường; còn cơ quan chức năng tỉnh Cà Mau khẳng định, đất của người dân không nằm trong quy định được bồi thường.

Lý lẽ của người dân

Năm 1997, Nhà nước có chủ trương mở tuyến đường U Minh - Khánh Hội. Người dân trên toàn tuyến đồng ý hiến đất làm đường rộng 3,5 mét. Không chỉ vậy, trước sự vận động của ông Lê Thanh Phong, Chủ tịch UBND huyện U Minh thời điểm đó, bà con còn thống nhất cho mượn phần đất ruộng cặp đường đã hiến, múc lên để làm nền đất đen.

Nhà nước đang nâng cấp, mở rộng tuyến đường U Minh - Khánh Hội ra 14,5m, với mặt đường rộng 8m.

Nhà nước đang nâng cấp, mở rộng tuyến đường U Minh - Khánh Hội ra 14,5m, với mặt đường rộng 8m.

“Người dân chỉ hiến 3,5 mét, phần kênh xáng Lộ Xe thời điểm đó mượn đất của bà con. Tôi có hứa với nhân dân, khi có điều kiện sẽ bơm đất từ kênh xáng bên ngoài vào lấp lại trả cho bà con”, ông Phong nêu rõ.

Đến năm 2017, khi nhà nước mở rộng đường ra 8m, với mặt đường 5,5 m như hiện hữu, một bộ phận người dân không đồng ý. Khi đó, ông Ngô Thanh Điền, Phó Chủ tịch UBND huyện U Minh cùng đoàn công tác xuống làm việc với nhân dân và ký biên bản, có nội dung: “Chỉ làm trong phạm vi lộ 5,5m; Nếu sau này có nới rộng thêm thì vườn cây cối, hoa màu và đất của bà con thì bồi thường cho bà con nhân dân”.

Về nguồn gốc, đất của người dân trên toàn toàn tuyến đường U Minh – Khánh Hội được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) từ năm 1995, thời hạn 20 năm. Còn UBND tỉnh Cà Mau xác định, thời hạn sử dụng đất của bà con đến năm 2021 sẽ hết hạn.

Nhiều hộ dân trên tuyến chưa đồng ý nhận tiền hỗ trợ vì họ cho rằng phải được bồi thường.

Nhiều hộ dân trên tuyến chưa đồng ý nhận tiền hỗ trợ vì họ cho rằng phải được bồi thường.

Vào năm 2021, UBND tỉnh Cà Mau phê duyệt Dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng tuyến đường U Minh - Khánh Hội, với tổng mức đầu tư 760,2 tỷ đồng. Tuyến đường sẽ được mở rộng ra 14,5 mét, mặt đường 8m, còn lại là lề đường 2 bên, tiến độ thực hiện đến năm 2025.

Khi triển khai thu hồi đất để thực hiện dự án, cơ quan chức năng công bố theo quy hoạch, từ tim đường ra mỗi bên 22,5m là đất giao thông, thủy lợi. Khi đó, nhiều hộ dân mới biết tới, phần đất kênh xáng Lộ Xe trước đây họ cho mượn để đắp nền đường, không còn thuộc quản lý của bà con.

Ông Nguyễn Ngọc Hai (ở ấp 1, xã Khánh Lâm) đại diện đa số hộ dân chưa đồng thuận bàn giao mặt bằng ở ấp 1, cho biết: “Bà con nhân dân ở đây không hay biết gì về quy hoạch, đến khi mở rộng đường thì công bố đất người dân cho mượn thành đất nhà nước quản lý và còn bị mất thêm rất nhiều đất. Trước nay, chưa cấp thẩm quyền nào có quyết định về việc thu hồi đất của người dân”.

Trước đó, nhiều hộ dân có đơn gửi đến Đài Tiếng nói Việt Nam phản ánh vấn đề thu hồi đất làm tuyến đường U Minh - Khánh Hội.

Trước đó, nhiều hộ dân có đơn gửi đến Đài Tiếng nói Việt Nam phản ánh vấn đề thu hồi đất làm tuyến đường U Minh - Khánh Hội.

Toàn tuyến đường U Minh – Khánh Hội dài hơn 18km, ảnh hưởng đến 1.983 hộ gia đình, cá nhân. UBND huyện U Minh đã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ 1.889 hộ; còn 670 hộ dân đã được phê duyệt phương án nhưng chưa đồng ý nhận tiền, bàn giao mặt bằng.

Lý lẽ người dân đưa ra đều dựa vào nguồn gốc đất như đã nêu trên. “Đất này của ông cha tôi khai phá, được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Trước đây chúng tôi đã 2 lần hiến đất rồi, bây giờ không hiến nữa. Tôi yêu cầu phải được bồi thường chứ không phải chỉ hỗ trợ về đất”, bà Nguyễn Thị Thiểu, người dân khóm 3, thị trấn U Minh bày tỏ.

Căn cứ của chính quyền

Theo Sở TN-MT Cà Mau, năm 2003, thực hiện Dự án tổng thể xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính tỉnh Cà Mau, cơ quan chức năng tổ chức đo đạc, thành lập bản đồ địa chính, chỉnh lý biến động đất đai trên địa bàn huyện U Minh. Đối với tuyến đường U Minh - Khánh Hội, bản đồ thể hiện: phần đường giao thông rộng 8m; phần kênh xáng dọc theo tuyến lộ là đất thủy lợi, rộng từ 12,5m đến 20m do Nhà nước quản lý.

Ông Lâm Văn Bi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau phát biểu trong buổi đối thoại với người dân ngày 20/3.

Ông Lâm Văn Bi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau phát biểu trong buổi đối thoại với người dân ngày 20/3.

Năm 2009, thực hiện chỉ đạo của trung ương về quản lý đất đai, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Quyết định phê duyệt Dự án tổng thể xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai tỉnh Cà Mau giai đoạn 2008 – 2015. Bản đồ địa chính vẫn thể hiện, tuyến đường U Minh - Khánh Hội và kênh xáng dọc theo tuyến lộ là đất giao thông, thủy lợi.

Năm 2013, UBND tỉnh Cà Mau ban hành Quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải tỉnh Cà Mau đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, tuyến đường U Minh - Khánh Hội là 45m, tính từ tim đường qua mỗi bên 22,5m, phần kênh xáng lộ xe U Minh - Khánh Hội nằm trong quy hoạch hành lang lộ giới.

Trên cơ sở các quy hoạch, khi người dân có nhu cầu lập hồ sơ cấp mới GCNQSDĐ thì để lại phần kênh xáng do Nhà nước quản lý. Hiện có 358 GCNQSDĐ đã được chỉnh lý theo quy hoạch; còn 114 GCNQSDĐ được cấp năm 1995, còn giữ nguyên hiện trạng thửa đất.

Còn nhiều người dân khiếu nại về bồi thường phần đất kênh xáng Lộ Xe được thu hồi để làm đường.

Còn nhiều người dân khiếu nại về bồi thường phần đất kênh xáng Lộ Xe được thu hồi để làm đường.

Trong buổi đối thoại, giải quyết vụ việc vào ngày 20/3 vừa qua, ông Lâm Văn Bi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, cho biết không phải nhà nước không có tiền để bồi thường đất của nhân dân. Tinh thần của tỉnh trong giải quyết vụ việc là đảm bảo quyền lợi của bà con ở mức cao nhất có thể, theo quy định của pháp luật.

Cơ quan chức năng đã rà soát nhưng theo các quy định pháp luật, không thể thực hiện bồi thường nên mới hỗ trợ bà con ở mức cao. Chưa có dự án nào trên địa bàn tỉnh Cà Mau mà mức hỗ trợ công bồi đắp là 109,5 ngàn đồng/m2 đất như bà con được hưởng.

Ông Lâm Văn Bi dẫn chứng trường hợp: “Người dân ở TP. Cà Mau đào con kênh thủy lợi qua đất nhà mình để sử dụng chung. Hộ dân này không hiến đất, nhưng kênh thủy lợi thì nhà nước quy hoạch là đất giao thông - thủy lợi. Khi tiến hành thu hồi đất, tỉnh thực hiện bồi thường về đất nhưng Thanh tra, Kiểm toán vào cuộc, bắt buộc phải thu hồi tiền vì không thuộc trường hợp được bồi thường”, để mong nhận được sự thông cảm của người dân.

Nguy cơ gây điểm nóng

Tuyến đường U Minh – Khánh Hội giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của huyện U Minh, cũng vì vậy, thời gian qua, Huyện ủy, UBND huyện U Minh đã rất quyết tâm thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ dự án. Ban Thường vụ Huyện ủy U Minh đã phân công từng thành viên, phụ trách công tác tuyên truyền, vận động nhân dân và đã nhận được sự đồng thuận của khoảng 2/3 hộ dân trên toàn tuyến. Tuy nhiên, cũng còn nhiều hộ dân chưa đồng thuận.

Hiện vẫn còn hàng trăm hộ dân chưa đồng ý nhận tiền hỗ trợ, bàn giao mặt bằng để làm đường.

Hiện vẫn còn hàng trăm hộ dân chưa đồng ý nhận tiền hỗ trợ, bàn giao mặt bằng để làm đường.

Cũng trong buổi đối thoại được tổ chức tại Huyện ủy U Minh vào ngày 20/3, khi 1 người dân đồng thuận đứng lên phát biểu và bày tỏ mong muốn bà con nhận hỗ trợ để tuyến đường nhanh chóng đi vào sử dụng, toàn bộ người dân tham gia buổi đối thoại đã bỏ về. Tình trạng này cũng đã gây ra cảnh mất an ninh, trật tự ngay tại cổng Huyện ủy U Minh.

Trước đó, khi cơ quan chức năng huyện U Minh thực hiện bảo vệ thi công dự án trên phần đất Kênh xáng Lộ xe, đoạn đi qua địa bàn thị trấn U Minh, đã có một số hộ dân ngăn cản, gây mất an ninh trật tự.

Trong tổng số 670 hộ dân chưa đồng thuận nhận hỗ trợ, bàn giao mặt bằng thi công dự án, còn 254/599 hộ dân liên quan phần đất Kênh xáng Lộ Xe đã được phê duyệt phương án nhưng chưa đồng ý nhận hỗ trợ. Cũng chính vì vậy, khi thực hiện thu hồi đất, có nguy cơ sẽ tái diễn tình trạng ngăn cản, gây mất an ninh trật tự.

Góp ý giải quyết vụ việc này, ông Lê Thanh Phong, nguyên Chủ tịch UBND huyện U Minh cho biết: “Người dân hiện nay phiền hà nhất là việc quy hoạch nhưng bà con không được biết về quy hoạch. Mình quy hoạch trên giấy, không công bố đến dân nếu thời điểm đó công bố thì bà con đã đồng thuận rồi. Bây giờ chuyện đã lỡ, về phần nhà nước, chúng ta có thiếu sót nào thì chúng ta cần thừa nhận.

Còn người dân cũng cần mở lòng, ủng hộ. Thực tế, khi tuyến đường được mở năm 1997, bộ mặt nông thôn thay đổi, kinh tế người dân phát triển. Nhà nước giờ mở rộng thêm đường thì vẫn là để phát triển kinh tế - xã hội, người dân được hưởng lợi đầu tiên. Bà con mới là người ngày ngày đi trên tuyến đường này chứ không phải cán bộ”.

Vào ngày 26/3 vừa qua, UBND tỉnh Cà Mau có công văn về việc giải quyết vướng mắc, tồn đọng trong thu hồi, bồi thường giải phóng mặt bằng Dự án đầu tư mở rộng, nâng cấp đường U Minh – Khánh Hội. Nội dung công văn nêu, phần đất 1,25 mét hai bên lề đường hiện hữu và đất kênh xáng lộ xe thuộc diện “Thu hồi không bồi thường về đất” theo điều 82, Luật Đất đai 2013.

UBND tỉnh Cà Mau cũng chỉ đạo cơ quan chức năng liên quan, phối hợp rà soát, xử lý dứt điểm những yêu cầu khác người dân còn đặt ra. Ngoài ra, đề nghị MTTQ Việt Nam tỉnh Cà Mau, Ban Dân vận tỉnh và các tổ chức đoàn thể, các cơ quan, đơn vị có liên quan định hướng, hỗ trợ chuyên môn, nghiệp vụ cho huyện U Minh trong việc thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng tuyến đường U Minh – Khánh Hội.

Trần Hiếu/VOV-ĐBSCL

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/thu-hoi-dat-tuyen-duong-u-minh-khanh-hoi-can-tranh-gay-diem-nong-phuc-tap-post1086952.vov