Thu hồi dự án sai phạm: 'Nghịch lý và buông lỏng'

Thực trạng quy hoạch, dự án treo, chậm tiến độ đang diễn ra tràn lan tại các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh -Thanh Hóa. Không chỉ hành dân, những dự án này còn kéo lùi sự phát triển kinh tế địa phương, làm nghèo đất nước.

Theo quy định, các dự án này sẽ phải thu hồi, để tránh gây lãng phí đất đai, ảnh hưởng đến đời sống và sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Thế nhưng, mặc dù cơ quan chức năng rốt ráo vào cuộc rà soát, xử lý, nhưng số dự án thu hồi được chỉ đếm trên đầu ngón tay, so với hàng trăm, hàng nghìn dự án sai phạm, chậm tiến độ.

Các dự án chậm tiến độ trên địa bàn ảnh hưởng rất lớn đến tốc độ đô thị hóa, lãng phí tài nguyên đất đai, gây cản trở thu hút đầu tư, nhiều nhà đầu tư muốn đầu tư vào nhưng giờ nguồn đất đai không còn nữa

Người dân tại các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh -Thanh Hóa đều bức xúc về sự lãng phí khi các dự án bỏ hoang, muốn “đưa ra ánh sáng” những dự án treo, chậm tiến độ. Không phải ngẫu nhiên mà tại các kỳ họp hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Tĩnh vừa qua, nội dung này đã được đưa ra chất vấn và làm nóng nghị trường, thu hút sự quan tâm đặc biệt của cử tri.

Dự án Nhà máy xi măng Thanh Sơn chậm tiến độ, bỏ hoang 13 năm qua. (Ảnh: Thanh Niên)

Dự án Nhà máy xi măng Thanh Sơn chậm tiến độ, bỏ hoang 13 năm qua. (Ảnh: Thanh Niên)

Đáng chú ý là ông Đỗ Ngọc Duy, Phó Trưởng Ban Kinh tế ngân sách HĐND tỉnh Thanh Hóa đi thẳng vào vấn đề, đặt đặt câu hỏi đối với Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Lê Đức Giang (Tổ trưởng tổ rà soát dự án chậm tiến độ của tỉnh): “Theo báo cáo, có 164 dự án chậm tiến độ 24 tháng trở lên, trong đó 104 dự án chậm tiến độ, vi phạm việc giao đất, cho thuê đất trước khi Luật đất đai 2013 có hiệu lực, 60 dự án giao đất, cho thuê đất sau khi Luật đất đai 2013 có hiệu lực, nhưng đến nay mới thu hồi được 21 dự án, đề nghị đồng chí cho biết lý do gì đến nay 163 dự án vi phạm chưa bị thu hồi’.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Lê Đức Giang (Tổ trưởng tổ rà soát dự án chậm tiến độ của tỉnh) cho biết một phần nguyên nhân của tình trạng quy hoạch dự án treo: “Theo quy định Luật đất đai, nếu chậm 24 tháng mà nhà đầu tư có nguyện vọng tiếp tục gia hạn thì nhà nước phải cho gia hạn. Nếu không gia hạn 24 tháng thì không đủ điều kiện thu hồi, nếu trong 24 tháng gia hạn chủ đầu tư không thực hiện cam kết, thì thu hồi không đền bù. Hỏi sao có dự án kéo dài 4-5 năm, giờ kéo dài 10 năm nhưng không thu hồi, thì Luật quy định từ khi phát hiện gia hạn 24 tháng”.

Một trong những cơ sở pháp lý quan trọng để thu hồi dự án là dự án đó chậm tiến độ và đã được gia hạn 24 tháng (Theo Điểm 1, Khoản 1, Điều 64 của Luật Đất đai 2013) quá 24 tháng gia hạn, vẫn chậm tiến độ thì Nhà nước thu hồi đất mà không bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất (trừ trường hợp do bất khả kháng).

Tuy nhiên, tại các địa phương, dù hàng loạt dự án chậm tiến độ kéo dài, nhưng chưa được ngành chức năng kiểm tra, xử lý, kịp thời đưa dự án vào danh mục gia hạn 24 tháng để làm cơ sở thu hồi. Vì vậy mới có chuyện, có dự án chậm 60-80 tháng vẫn không đủ cơ sở để thể thu hồi vì chủ đầu tư chưa gia hạn –trách nhiệm này thuộc về cơ quan quản lý nhà nước, lực lượng thực thi công vụ.

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó trưởng ban Ngân sách HĐND tỉnh Nghệ An phân tích: “Trách nhiệm là các ngành, các cấp. Tuy nhiên, ở đây trách nhiệm trong đó có trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước là chưa đẩy mạnh kỷ luật, kỷ cương trong vấn đề giám sát để thực hiện thu hồi. Đề nghị UBND tỉnh tập trung chỉ đạo và nhất là chỉ đạo các địa phương, đơn vị, ngoài chủ động ra là phải có sự quan tâm hơn, nhất là người đứng đầu”.

Rõ ràng, việc chấp thuận chủ trương đầu tư, giao đất, cho thuê đất đối với 1 dự án đều được các ngành tham mưu, cho ý kiến; quá trình triển khai, thực hiện dự án cũng được các ngành theo dõi, giám sát chặt chẽ theo chức năng nhiệm vụ; dự án cả nghìn mét vuông, những công trình to đùng, án ngữ ngay giữa phố phường, thì không thể nói chuyện “con voi chui lọt lỗ kim”. Thế mới có chuyện, dự án bị thanh kiểm tra liên tiếp, sai phạm xử phạt nhiều lần nhưng vẫn tồn tại.

Ông Võ Hữu Hào, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Hà Tĩnh cho rằng: “Để đất lâu dài, chiếm dụng, không đưa đất vào sử dụng, giải thích, tuyên truyền làm rõ, kiểm tra, nghiêm túc xử lý những vi phạm, không để kéo dài, nếu quá hạn đề xuất tỉnh xử lý theo quy định pháp luật”.

Trách nhiệm này một phần thuộc về lực lượng chức năng, buông lỏng trong giám sát, thực thi pháp luật, nếu không muốn nói là lợi ích nhóm, tiếp tay cho chủ đầu tư “câu giờ”, "ôm đất", chuyển nhượng trái quy định, đặc biệt với những khu đất “vàng” tại các địa phương. Điển hình trong số đó phải kể đến mà 5 dự án lớn ở khu vực nút giao đại lộ Võ Nguyên Giáp và đường CSEDP, thành phố Thanh Hóa.

Thế nhưng, theo một vị trưởng ngành ở Thanh Hóa, việc xử lý, thu hồi dự án không đơn giản, mặc dù sai phạm đã được chỉ ra: “Muốn tố tụng phải chứng minh được hành vi tội phạm, nếu không sẽ không thể khởi tố được vụ án. Cho nên kết luận thanh tra, công khai toàn thể, là anh em ở tỉnh, chúng tôi có trích kết luận thanh tra gửi cả. Vi phạm đấu giá hay không đấu giá là rõ, nhưng việc có chứng minh được hành vi tội phạm hay không là câu chuyện, phải chứng minh được mới khởi tố được”.

Qua theo dõi vấn đề thu hồi dự án sai phạm, chậm tiến độ thời gian qua, có thể thấy, một vấn đề nghiêm trọng là, chính cái sai của chính quyền, cơ quan chức năng đã “dẫn dắt” cái sai của nhà đầu tư – điều này dẫn đến nhiều vướng mắc khi thực thi pháp luật, xử lý sai phạm./.

Sỹ Đức/VOV1

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/thu-hoi-du-an-sai-pham-nghich-ly-va-buong-long-post988148.vov