Thu hồi hơn 10ha đất rừng để tiếp tục thực hiện dự án trang trại điện gió lớn nhất nước
Dự kiến, sau một năm cụm trang trại điện gió (BT1 và BT2) chính thức vận hành, hòa lưới điện quốc gia, doanh thu đạt khoảng 1.000 tỷ đồng. Hàng năm, công ty sẽ nộp hơn 100 tỷ đồng VAT cho tỉnh Quảng Bình...
Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình vừa ban hành hàng loạt quyết định thu hồi đất để giải phóng mặt bằng thực hiện dự án trang trại Điện gió BT2 - Giai đoạn 2 tại xã Hưng Thủy, huyện Lệ Thủy.
Cụ thể, theo Quyết định số 1711/QĐ-UBND, sẽ thu hồi 57.948,5 m² đất rừng sản xuất do Ban Quản lý Khu Dự trữ thiên nhiên Động Châu - Khe Nước Trong tỉnh Quảng Bình quản lý tại xã Hưng Thủy, huyện Lệ Thủy. Với quyết định số 1712, tỉnh sẽ thu hồi 20.060,1 m² đất rừng sản xuất do cũng do đơn vị này quản lý tại xã Cam Thủy, huyện Lệ Thủy.
Theo Quyết định 1713 thì thu hồi 48.629,4 m² đất, bao gồm: 36.225,5 m² đất rừng phòng hộ và 12.403,9 m² đất rừng sản xuất do Ủy ban nhân dân xã Ngư Thủy Bắc quản lý tại xã Ngư Thủy Bắc, huyện Lệ Thủy để thực hiện dự án trang trại điện gió lớn nhất Việt Nam.
Trong tháng 12/ 2020, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình cũng đã có quyết định 4607 về việc chuyển mục đích sử dụng 220.945,2 m2 đất rừng sản xuất (rừng trồng sản xuất) đã được Ủy ban huyện Lệ Thủy thu hồi theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt; Cho công ty cổ phần Điện gió BT2 thuê 226.072,4 m2, bao gồm: 220.945,2 m2 đã chuyển mục đích nói trên và 5.127,2 m2 đất đồi núi chưa sử dụng do UBND xã Ngư Thủy Bắc quản lý để thực hiện dự án trang trại điện gió BT2. Thời hạn sử dụng đất đến ngày 18/8/2070. Hình thức thuê đất: Nhà nước cho thuê đất trả tiền một lần cho cả thời gian thuê.
Cụm trang trại Điện gió gồm 2 dự án là BT1 và BT2 có tổng công suất 210 MW đã được công ty Cổ phần Điện gió B&T (Công ty con của Công ty Cổ phần AMI AC Renewables – Philippin) tổ chức khởi công từ ngày 20/9/2020. Với tổng mức đầu tư gần 7.000 tỷ đồng, đây là công trình điện gió trên đất liền lớn nhất Việt Nam tính đến thời điểm hiện nay. Trong đó, trang trại Điện gió BT1 thuộc huyện Quảng Ninh, công suất 109,2 MW (26 tuốc bin), vốn đầu tư hơn 3.600 tỷ đồng; Trang trại Điện gió BT2 thuộc huyện Lệ Thủy, công suất 100,8 MW (24 tuốc bin), vốn đầu tư hơn 3.200 tỷ đồng.