Thu hồi phù hiệu hơn 11.000 phương tiện kinh doanh vận tải vi phạm tốc độ

Theo Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, tính đến hết ngày 30/5, cả nước có gần 938,8 nghìn phương tiện thuộc đối tượng phải lắp thiết bị giám sát hành trình truyền dữ liệu về Hệ thống xử lý và khai thác sử dụng dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình.

Trong 4 tháng đầu năm, có tổng số 7,36 triệu lần vi phạm tốc độ, tỷ lệ số lần vi phạm tốc độ tính trên 1.000 km xe chạy là 0,71 lần, giảm 9,8 % so với cùng kỳ năm 2022.

Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế vận hành Hệ thống giám sát, xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ góp phần hỗ trợ cán bộ, chiến sĩ trong tuần tra, xử phạt vi phạm tại chỗ hoặc “phạt nguội”. Ảnh minh họa: Đỗ Trưởng/TTXVN

Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế vận hành Hệ thống giám sát, xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ góp phần hỗ trợ cán bộ, chiến sĩ trong tuần tra, xử phạt vi phạm tại chỗ hoặc “phạt nguội”. Ảnh minh họa: Đỗ Trưởng/TTXVN

30 trung tâm đăng kiểm đang dừng hoạt động

Trong 6 tháng đầu năm, các Sở Giao thông vận tải đã xử lý thu hồi phù hiệu đối với 11.679 phương tiện (đối với các trường hợp vi phạm tốc độ từ 5 lần/1000 km trở lên), chấn chỉnh, nhắc nhở đối với trên 135 nghìn người điều khiển phương tiện có vi phạm quá tốc độ, vi phạm quá thời gian lái xe, vi phạm không truyền dữ liệu. Bên cạnh đó, các Sở Giao thông vận tải tiếp tục thực hiện tra cứu, cung cấp dữ liệu của các phương tiện theo yêu cầu của các cơ quan Công an để phục vụ công tác điều tra và đảm bảo an toàn giao thông trên cả nước.

Thực hiện quy định tại Nghị định 10/2020/NĐ-CP (quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô), theo thống kê của các Sở Giao thông vận tải, có khoảng 200.000 xe kinh doanh vận tải thuộc đối tượng phải lắp camera trên xe. Đến nay, các đơn vị kinh doanh vận tải đã thực hiện xong việc lắp đặt đối với toàn bộ các phương tiện có tham gia hoạt động kinh doanh vận tải theo đúng quy định.

Liên quan đến công tác đăng ký, đăng kiểm phương tiện, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho biết, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải đã chỉ đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam thực hiện nhiều giải pháp để khôi phục hoạt động của các trung tâm đăng kiểm. Cục phối hợp với các đơn vị của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng tiếp nhận lực lượng kiểm định viên hỗ trợ công tác kiểm định xe cơ giới tại một số trung tâm đăng kiểm ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Tiền Giang, qua đó đã góp phần quan trọng giải tỏa, giảm tình trạng ùn tắc tại các trung tâm đăng kiểm trong thời gian qua.

Hiện cả nước có 251/281 trung tâm đăng kiểm xe cơ giới đang hoạt động với 407/489 dây chuyền kiểm định, chiếm khoảng 83,2% năng lực kiểm định toàn hệ thống. Trong số 30 trung tâm đăng kiểm đang phải dừng hoạt động, có 24 trung tâm dừng hoạt động phục vụ công tác điều tra của cơ quan chức năng, 6 trung tâm dừng hoạt động do không đủ điều kiện theo Nghị định 139/2018/NĐ-CP hoặc tự đóng cửa.

Ngày 2/6 vừa qua Bộ Giao thông vận tải đã ban hành Thông tư số 08/2023/TT-BGTVT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 16/2021/TT-BGTVT quy định về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ. Thông tư được ban hành có tác động lớn với khoảng 1,4 triệu xe ô tô chở người đến 9 chỗ không kinh doanh vận tải, được tự động gia hạn chu kỳ kiểm định, tạo điều kiện để các đơn vị kiểm định tập trung kiểm định cho các phương tiện vận tải hành khách, hàng hóa trong thời gian tới.

Lĩnh vực đường sắt, đã kiểm tra, cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường 1.567 phương tiện, trong đó có 1.437 toa xe và 130 đầu máy, phương tiện chuyên dùng. Lĩnh vực đường thủy nội địa, đã kiểm tra giám sát kỹ thuật 11.975 phương tiện. Lĩnh vực hàng hải, kiểm tra 532 lượt tàu biển.

Cũng trong 6 tháng đầu năm, toàn quốc có gần 200 nghìn xe ô tô, hơn 1,28 triệu xe mô tô, 59,6 nghìn xe máy điện đăng ký mới; nâng tổng số xe đã đăng ký tính đến ngày 14/6/2023 là trên 6 triệu ô tô, gần 73 triệu mô tô và 1,8 triệu xe máy điện.

Xử lý cơ sở đào tạo lái xe có hiện tượng vi phạm

Về công tác đào tạo, cấp giấy phép lái xe, báo cáo của Bộ Giao thông vận tải cho biết, cả nước hiện có 289 cơ sở đào tạo lái xe mô tô, 361 cơ sở đào tạo lái xe ô tô. Hệ thống phòng học, trang thiết bị giảng dạy, đội ngũ giáo viên, xe tập lái, sân tập lái của cơ sở đào tạo lái xe được đầu tư, củng cố, tăng cường, đáp ứng yêu cầu giảng dạy, phù hợp thực tiễn.

Cả nước có 57/63 tỉnh, thành phố có trung tâm sát hạch lái xe ô tô (Vĩnh Long, Bắc Kạn, Lai Châu, Tiền Giang, Trà Vinh và Bạc Liêu chưa có trung tâm sát hạch), với tổng cộng 148 trung tâm, bao gồm 50 trung tâm loại 1 (sát hạch lái xe từ hạng A1 đến các hạng F) và 98 trung tâm loại 2 (sát hạch lái xe từ hạng A1 đến hạng C). Tổng số đã cấp trên 10,7 triệu giấy phép lái xe ô tô và 50,87 triệu giấy phép lái xe mô tô.

Giấy phép lái xe quốc tế đã áp dụng dịch vụ công mức độ 4 trong việc cấp giấy phép lái xe quốc tế: Người dân đăng ký, gửi các thông tin về giấy phép lái xe qua mạng internet, trả phí bằng thẻ thanh toán điện tử; cơ quan quản lý kiểm tra, xác minh, in giấy phép lái xe quốc tế và gửi trả đến người dân thông qua hệ thống chuyển phát của bưu điện.

Về kiểm tra công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ, đến nay, các đoàn kiểm tra đã chuyển thông tin cho cơ quan Công an của 5 địa phương để xem xét, xử lý theo thẩm quyền đối với 6 cơ sở đào tạo lái xe có hiện tượng số phiên học trùng xe tập lái, trùng học viên cao bất thường, tiềm ẩn nguy cơ can thiệp vào dữ liệu, thiết bị DAT để gian lận trong dạy thực hành lái xe ô tô.

Các Sở Giao thông vận tải qua thanh tra, kiểm tra đã thu hồi 1 giấy phép đào tạo lái xe ô tô; xử phạt vi phạm hành chính 177 cơ sở đào tạo (trong đó đình chỉ tuyển sinh 85 đơn vị), 19 trung tâm sát hạch lái xe (trong đó tước quyền sử dụng giấy chứng nhận trung tâm sát hạch lái xe đủ điều kiện hoạt động 15 đơn vị).

Cơ quan chức năng đã thực hiện cấp, cấp lại, chuyển đổi Giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn theo quy định. Về lĩnh vực đường sắt, thực hiện cấp, cấp lại, thu hồi, xóa 73 giấy chứng nhận đăng ký phương tiện; cấp mới, cấp lại 3 giấy phép; tổng số giấy phép lái tàu hiện đang lưu hành là 1.513 giấy phép.

6 tháng đầu năm 2023, Cục Hàng không Việt Nam đã tổ chức sát hạch cấp, gia hạn giấy phép cho 1.640 người lái và nhân viên kỹ thuật bảo dưỡng tàu bay. Tính đến ngày 15/6/2023, số lượng máy bay đăng ký quốc tịch Việt Nam là 251 tàu bay; số lượng trực thăng đăng ký quốc tịch Việt Nam là 31 chiếc.

Lĩnh vực hàng hải, tính đến ngày 14/6/2023, tổng số thuyền viên có giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn còn hiệu lực là trên 60,2 nghìn.

Lĩnh vực đường thủy tính đến 31/5/2023, trên toàn quốc có 22 cơ sở đào tạo thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa, với tổng số giấy chứng nhận, chứng chỉ được cấp là 476.400 chiếc.

Chu Thanh Vân (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/an-ninh-trat-tu/thu-hoi-phu-hieu-hon-11000-phuong-tien-kinh-doanh-van-tai-vi-pham-toc-do-20230711193821189.htm