Thu hồi tài sản phạm tội trong các vụ án kinh tế: Ưu tiên trả lại cho các nhà đầu tư
Ngày 02/10/2023, tại Hà Nội, Bộ Công an tổ chức Họp báo thông tin về tình hình, kết quả các mặt công tác công an Quý III năm 2023. Trung tướng Tô Ân Xô, Người phát ngôn Bộ Công an chủ trì họp báo.
Dự buổi họp báo có đại diện lãnh đạo một số đơn vị chức năng thuộc Bộ Công an và Công an TP Hà Nội cùng đông đảo phóng viên các cơ quan báo chí trong và ngoài lực lượng Công an nhân dân (CAND).
Tại buổi họp báo, Trung tướng Tô Ân Xô cho biết: Ngày 28/9 vừa qua, Bộ Công an đã tổ chức Hội nghị sơ kết công tác công an Quý III/2023 và 9 tháng đầu năm 2023.
Theo đó, Bộ Công an đã chủ động, tích cực triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các Nghị quyết, Chỉ thị, nhiệm vụ, kế hoạch công tác trọng tâm, trong đó nhiều mặt công tác đạt và vượt chỉ tiêu đề ra. Tập trung tham mưu với lãnh đạo Đảng, Nhà nước nhiều chủ trương, giải pháp bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, phục hồi, phát triển kinh tế và mở rộng, tăng cường vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Chủ động xây dựng và triển khai phương án bảo đảm tuyệt đối an ninh, an toàn các hoạt động của lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, sự kiện chính trị, kinh tế - xã hội, đối ngoại quan trọng, nhất là chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden. Tổ chức nhiều hoạt động chính trị, đối ngoại, hợp tác quốc tế của lực lượng Công an nhân dân mang đậm ý nghĩa, thiết thực, hiệu quả, tạo thế chủ động trong bảo đảm an ninh quốc gia, phòng chống tội phạm.
Đã tập trung đấu tranh, xử lý các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo, được dư luận nhân dân đồng tình, ủng hộ. Nhiều đường dây tội phạm về hình sự, ma túy, mua bán người, tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm có tổ chức, tội phạm sử dụng vũ khí, vật liệu nổ gây án, tội phạm “tín dụng đen”, tội phạm đường phố được triệt phá...
Đã điều tra khám phá hơn 10.000 vụ phạm tội về trật tự xã hội; bắt, xử lý hơn 19.600 đối tượng; triệt phá 23 băng, nhóm tội phạm; bắt, vận động đầu thú, thanh loại hơn 1.100 đối tượng truy nã; bắt, xử lý hơn 1.100 vụ với hơn 5.000 đối tượng đánh bạc. Phát hiện gần 7.400 vụ, hơn 11.500 đối tượng phạm tội về ma túy, thu giữ hơn 95kg heroin, hơn 396kg và trên 310.000 viên ma túy tổng hợp, hơn 190kg cần sa...
Kết quả thực hiện Đề án 06/CP, cung cấp dịch vụ công trực tuyến đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận, tỉ lệ tiếp nhận hồ sơ trực tuyến trên Cổng dịch vụ công Bộ Công an trong 9 tháng đầu năm đạt 78,17%, riêng Quý III/2023 đạt hơn 88%.
Trên lĩnh vực trật tự an toàn xã hội, công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đạt nhiều kết quả tích cực, nhất là việc duy trì xử lý nghiêm vi phạm về nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông. Đồng thời Bộ Công an đã chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương đã tăng cường các giải pháp đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho “chung cư mini” và nhà trọ có mật độ người ở cao...
Trong quý III/2023, đã có nhiều tấm gương tập thể cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân dũng cảm, hy sinh, không quản ngại hiểm nguy tích cực đấu tranh, phòng chống tội phạm, phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, làm nhiều việc tốt, được các cấp lãnh đạo và nhân dân ngợi khen, góp phần xây dựng hình ảnh đẹp người Công an nhân dân...
Thay mặt Bộ Công an, Trung tướng Tô Ân Xô trân trọng cảm ơn sự phối hợp chặt chẽ, tâm huyết của các cơ quan báo chí và các đồng chí phóng viên đối với lực lượng CAND trong suốt thời gian qua; bày tỏ mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, chia sẻ và đồng hành của các đồng chí phóng viên và các cơ quan báo chí nhiều hơn nữa trong thời gian tới.
Tại họp báo, dưới sự chủ trì của Người phát ngôn Bộ Công an, đại diện lãnh đạo các đơn vị nghiệp vụ đã thông tin đến các cơ quan phóng viên báo chí những vấn đề liên quan đến an ninh, trật tự mà dư luận xã hội quan tâm.
Việc triển khai, thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TW của Bộ Chính trị
Về kết quả triển khai, thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TW, ngày 16/3/2022 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh xây dựng lực lượng CAND thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới; Đại tá Lê Minh Thảo, Phó Cục trưởng Cục Tổ chức cán bộ và Đại tá Mai Xuân Thảo, Phó Chánh Văn phòng Bộ Công an khẳng định:
Nghị quyết số 12 là Nghị quyết rất quan trọng, được triển khai xuyên suốt trong 04 cấp công an. Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết này, Đảng ủy Công an Trung ương đã tham mưu với Đảng, Quốc hội ban hành kế hoạch để triển khai thực hiện. Bộ Công an cũng tham mưu cho Ban cán sự đảng, Chính phủ ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 12; Đảng ủy Công an Trung ương cũng đã ban hành Kế hoạch 118 để triển khai Nghị quyết số 12 trong toàn quốc; đặc biệt lực lượng Công an đã tham mưu với Tỉnh ủy, Thành ủy ban hành Nghị quyết, chương trình, kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 12; phê duyệt đề án của 63 Công an địa phương để thực hiện Nghị quyết. Bộ Công an cũng đã xây dựng 28 đề án thành phần để triển khai.
Có thể khẳng định, đến nay, Nghị quyết số 12 đã được triển khai rất toàn diện, khẩn trương, tích cực; toàn lực lượng CAND phấn đấu quyết tâm đến năm 2025 có 06 lực lượng tiến thẳng lên hiện đại và tiến đến năm 2030 là toàn lực lượng CAND tiến thẳng lên hiện đại theo mục tiêu của Nghị quyết số 12 đã đề ra. Các đồng chí mong muốn, các cơ quan báo chí, truyền thông tiếp tục đồng hành, tích cực phối hợp với Đảng bộ Công an Trung ương, Bộ Công an, Văn phòng Đảng ủy Công an Trung ương, Văn phòng Bộ Công an, Cục Truyền thông CAND để đưa Nghị quyết vào cuộc sống.
Việc thu hồi tài sản phạm tội trong các vụ án kinh tế
Liên quan đến vụ án Tập đoàn Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát, Công ty Nhật Nam đã lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của nhiều bị hại, việc thu hồi tài sản phạm tội trong các vụ án kinh tế có được trả lại cho người bị hại không, là vấn đề dư luận quan tâm.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Thành, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát kinh tế Bộ Công an cho biết: Trên tinh thần triệt để thu hồi tài sản phạm tội trong các vụ án kinh tế để góp phần đảm bảo quyền lợi tối đa nhất cho nhà đầu tư, Cơ quan Cảnh sát điều tra các cấp đã nỗ lực kiểm kê, thu hồi triệt để tài sản phạm tội, theo đúng chỉ đạo là ưu tiên trả lại tài sản cho các nhà đầu tư.
Tuy nhiên, việc điều tra vụ án liên quan đến nhiều bị hại tại nhiều địa phương trong cả nước, số lượng nhà đầu tư rất nhiều, nên công tác điều tra, xác minh phải theo đúng trình tự, thủ tục, quy định của pháp luật, tốn nhiều thời gian. Qua đó, đề nghị các nhà đầu tư, các bị hại nên theo dõi chặt chẽ quá trình xét xử vụ án tại tòa án để đảm bảo quyền lợi. Đồng thời, đề nghị các nhà đầu tư, bị hại sớm trình báo với cơ quan Công an về những vấn đề liên quan đến các vụ án, để góp phần đảm bảo quyền lợi của mình.
Đối với vụ án Công ty bất động sản Nhật Nam, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng, Phó Giám đốc Công an Thành phố Hà Nội thông tin: Từ năm 2020 đến 2022, Công ty Nhật Nam đã thu tổng số tiền hơn 8.900 tỷ đồng của khoảng 20.000 bị hại, thông qua 45.525 hợp đồng hợp tác kinh doanh. Công ty sử dụng chi trả tiền gốc, lãi cho các cá nhân số tiền khoảng hơn 4.291 tỷ đồng. Chi phí cho hoạt động công ty qua tài khoản ngân hàng hơn 520 tỷ đồng. Chi trả tiền hoa hồng cho các cá nhân giới thiệu huy động vốn khoảng hơn 2.272 tỷ đồng.
Cơ quan Cảnh sát điều tra đã làm rõ 111 bị hại, bước đầu xác định số tiền bị chiếm đoạt khoảng 138 tỷ đồng; đã phong tỏa 88 tài khoản có liên quan đến vụ án, trong đó xác định 20 tài khoản đã hết hoặc còn rất ít số dư (dưới 10 triệu đồng). Hiện Công an thành phố Hà Nội đang tiếp tục điều tra, mở rộng vụ án, xác định đồng phạm để truy bắt, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật; đồng thời kê biên triệt để tài sản phạm tội để đảm bảo quyền lợi cho các nhà đầu tư, bị hại có liên quan.
Định danh biển số và đấu giá biển số xe
Trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan đến việc định danh biển số và đấu giá biển số xe, tại các phiên đấu giá vừa qua, đã có nhiều biển số được trả giá rất cao. Tuy nhiên trong trường hợp nếu người mua bỏ cọc, không nộp tiền thắng đấu giá thì cơ quan chức năng có biện pháp gì để xử lý những trường hợp trên?
Về vấn đề này, Thiếu tướng Lê Xuân Đức, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an khẳng định, công tác đấu giá biển số xe đến nay bước đầu đã thành công. Hiện nay, hệ thống đã dần đi vào ổn định, hạn chế tối đa về tình trạng nghẽn mạng, đường truyền, công tác đăng ký cấp biển số xe cơ bản đáp ứng được yêu cầu nghiệp vụ và nhu cầu của người dân. Từ ngày 15/9 đến 30/9, 493 biển số đã được đấu giá, dự thu hơn 214 tỷ đồng. Đến nay, có 76 người đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính, nộp 16,8 tỷ đồng; 03 khách hàng đã đăng ký biển số.
Liên quan phiên đấu giá đầu tiên ngày 15/9, có 11 biển số được đấu giá thành công, trong đó có biển số 51K-888.88 trúng đấu giá hơn 32 tỷ đồng, Thiếu tướng Lê Xuân Đức thông tin, 05 người trong phiên đấu giá trên đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính; 06 cá nhân còn lại, trong đó có vị khách trúng đấu giá biển ngũ quý 8, đang liên hệ Cục Cảnh sát giao thông để tìm hiểu thông tin tiến hành các bước tiếp theo.
Trong trường hợp khách hàng bỏ cọc, pháp lý đã quy định rõ về nghĩa vụ và trách nghiệm tại Nghị quyết 73 của Quốc hội; Nghị định 39 của Chính phủ và trong Biên bản trúng đấu giá mà khách hàng đã ký. Đồng thời người tham gia đấu giá và trúng đấu giá phải có ý thức thượng tôn pháp luật, có trách nhiệm với xã hội về việc này... Thiếu tướng Lê Xuân Đức nhấn mạnh.
Công tác phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm
Liên quan đến tình hình tội phạm trật tự xã hội nổi lên trong Quý III/2023; kết quả đấu tranh phòng, chống tội phạm, triệt phá các băng, ổ nhóm tội phạm và phòng, chống tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đặc biệt là trên môi trường mạng, Trung tướng Trần Ngọc Hà, Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự Bộ Công an cho biết:
Trong Quý III/2023, lực lượng Công an đã tập trung làm tốt công tác phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm; tình hình tội phạm có diễn biến phức tạp nhưng nằm trong dự báo, đánh giá của Bộ Công an. Trong đó có 03 loại tội phạm phức tạp nổi lên, đó là: Tội phạm cướp tài sản, nhất là cướp tài sản tại các ngân hàng, hầu hết các vụ án này đều đã được lực lượng Công an trong cả nước tập trung làm rõ; Tội phạm chiếm đoạt, cưỡng đoạt tài sản thông qua các hành vi phạm tội như đòi nợ, bắt cóc tống tiền và tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đặc biệt là tội phạm lợi dụng công nghệ cao để chiếm đoạt tài sản.
Trung tướng Trần Ngọc Hà thông tin, đối với 23 băng ổ nhóm tội phạm đã bị lực lượng Công an trong cả nước triệt phá, các băng nhóm này đã nằm trong kế hoạch, diện quản lý rà soát của lực lượng chức năng; 23 băng, ổ nhóm này chủ yếu là tội phạm tổ chức đánh bạc và đánh bạc trên không gian mạng; cho vay lãi nặng, tín dụng đen thông qua các App điện tử; vận chuyển, mua bán, tàng trữ, sử dụng vũ khí chế tác như vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ…
Liên quan đến các vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng nổi lên trong thời gian qua, Thiếu tướng Lê Minh Mạnh, Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an cho biết thêm:
Tội phạm lừa đảo chiếm đoạt trên không gian mạng đang lan rộng ra nhiều quốc gia. Bộ Công an đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng cảnh báo các thủ đoạn lừa đảo trên không gian mạng. Đã xuất hiện nhiều ổ nhóm tội phạm hình thành, di chuyển từ quốc gia này sang quốc gia khác để phạm tội; tuyển lựa, cưỡng bức, lôi kéo người ở quốc gia này sang quốc gia khác để phạm tội, gây rất nhiều khó khăn cho công tác phát hiện, đấu tranh, triệt phá.
Một trong những nguyên nhân xảy ra tình trạng lừa đảo chiếm đoạt tài sản là do tình trạng lộ lọt thông tin và mất dữ liệu thông tin cá nhân diễn ra phổ biến, đáng báo động; đây chính là nguồn dữ liệu đầu tiên để các ổ nhóm tội phạm xuyên quốc gia trên không gian mạng phạm tội.
Giải pháp để ngăn chặn tình trạng này là nâng cao công tác quản lý nhà nước, Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Nghị định quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân. Đồng thời, công tác định danh, xác minh tài khoản mạng đang được lực lượng An ninh mạng triển khai sẽ các biện pháp góp phần ngăn chặn tình trạng lộ lọt, dữ liệu cá nhân, đấu tranh mạnh với các loại tội phạm lừa đảo trên không gian mạng thời gian tới. Bên cạnh đó, đề nghị người dân cần nâng cao cảnh giác, nâng cao kỹ năng sử dụng internet, bảo vệ thông tin cá nhân của mình…
Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy
Trả lời câu hỏi của phóng viên về công tác điều tra vụ cháy tại chung cư mini trên địa bàn quận Thanh Xuân (Hà Nội) làm 56 người chết và các giải pháp góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy thời gian tới, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng, Phó Giám đốc Công an Thành phố Hà Nội thông tin:
Ngay sau khi vụ cháy xảy ra, lực lượng chức năng đã tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố bị can, tạm giam 4 tháng đối với Nghiêm Quang Minh, chủ chung cư mini liên quan đến vụ cháy.
Qua quá trình điều tra vụ án, ngoài công trình xảy ra cháy ở quận Thanh Xuân, Công an thành phố Hà Nội bước đầu xác định đối tượng Nghiêm Quang Minh còn là chủ đầu tư xây dựng đối với 08 “chung cư mini” trên địa bàn Thành phố Hà Nội, các công trình này chủ yếu vi phạm: Xây không đúng với Giấy phép xây dựng, vượt tầng, không đảm bảo các yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy theo quy chuẩn, tiêu chuẩn... Các cơ quan chức năng đã ban hành quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động đối với các công trình loại hình này của bị can Nghiêm Quang Minh theo thẩm quyền.
Trên tinh thần “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”, Công an Thành phố Hà Nội đã báo cáo đề xuất Thành ủy bổ sung vụ án vào diện theo dõi, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Thành ủy về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Kết quả điều tra, xử lý đối với vụ án trên sẽ kịp thời thông tin để dư luận biết.
Đại tá Nguyễn Minh Khương, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Bộ Công an cho biết: Ngay sau khi vụ cháy xảy ra, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công an đã chỉ đạo Công an địa phương tiến hành rà soát tổng thể các công trình tương tự, quản lý chặt chẽ công tác phòng cháy, chữa cháy tại các chung cư mini, giảm thiểu các nguy cơ xảy ra cháy, làm chết người. Công an các đơn vị, địa phương cũng đã tham mưu thành lập đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra, giám sát công tác phòng cháy, chữa cháy.
Đặc biệt rà soát chặt chẽ việc cấp phép xây dựng, đảm bảo điều kiện an toàn phòng cháy, chữa cháy, không để sót lọt, phòng ngừa tình trạng “lách luật” từ nhà ở riêng lẻ sang nhà ở nhiều căn hộ. Đề nghị các cơ quan truyền thông, báo chí tiếp tục đồng hành cùng lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy, đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân nâng cao kỹ năng công tác phòng cháy, chữa cháy, trang bị cho mình các kiến thức, kỹ năng thoát nạn, kịp thời phát hiện, cung cấp thông tin cho các cơ quan chức năng về các cơ sở còn nhiều thiếu sót trong công tác phòng cháy, chữa cháy để nhắc nhở, xử lý kịp thời…