Thu hồi, xử lý các dự án đã tồn tại nhiều năm không triển khai

Trong chương trình kỳ họp, các đại biểu đã thảo luận tại tổ về các nội dung được UBND thành phố trình. Trong đó, đáng chú ý, nhiều ý kiến đề nghị thành phố quan tâm gỡ vướng các dự án chậm triển khai, tập trung nâng cao chất lượng giáo dục, văn hóa.

Nghịch lý thiếu - thừa trong xây dựng trường chuẩn quốc gia

Phát biểu tại thảo luận tổ về kế hoạch đầu tư công lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa giai đoạn 2022 - 2025 và những năm tiếp theo, đại biểu Lê Ngọc Anh (huyện Phú Xuyên) cho biết, đây là nội dung quan trọng, không những cấp ủy, chính quyền các địa phương quan tâm, mà cử tri Thủ đô cũng rất ngóng chờ. Tuy nhiên, để triển khai có hiệu quả, thuận lợi sau khi ban hành nghị quyết, thành phố cần phân cấp mạnh cho cấp huyện.

“Huyện Phú Xuyên có 88 trường học công lập, nhưng mới có 66 trường đạt chuẩn quốc gia, trong khi huyện phấn đấu đến năm 2025 có 75 trường đạt chuẩn. Hiện tại, về đất đai, huyện đã sẵn sàng, nhưng nguồn kinh phí khó khăn, mong muốn thành phố hỗ trợ”, đại biểu Lê Ngọc Anh cho biết.

Còn đại biểu Nguyễn Thanh Xuân (quận Hà Đông) cũng bày tỏ đồng tình cao với việc ban hành Nghị quyết về kế hoạch đầu tư xây dựng, cải tạo trường học công lập đạt chuẩn quốc gia, nâng cấp hệ thống y tế và tu bổ, tôn tạo di tích trong giai đoạn 2022 - 2025 và các năm tiếp theo. Trong khi đó, đối với các quận trung tâm, quỹ đất thiếu để xây dựng trường học, cần chủ trương nâng tầng để đáp ứng yêu cầu trẻ đến trường, khắc phục sĩ số/lớp học quá đông.

Quang cảnh buổi thảo luận tổ

Quang cảnh buổi thảo luận tổ

Đại biểu Nguyễn Thanh Xuân cũng cho rằng, thời gian cho các thủ tục đầu tư các dự án đầu tư công còn dài, từ 1 đến 2 năm. Vì vậy, sau khi ban hành nghị quyết, thành phố cần rà soát quy định, rút ngắn thủ tục chủ trường đầu tư, giao cho một đơn vị nghiên cứu trình các thủ tục chủ trương đầu tư, tạo sự chuyên nghiệp.

Còn đại biểu Vũ Mạnh Hải (Tổ Thường Tín) cho rằng, nghị quyết được ban hành sẽ phần nào giải quyết được việc thiếu trường lớp, khắc phục những hạn chế đối với tuyến y tế cơ sở, tôn tạo giá trị di tích lịch sử vốn có của Thủ đô. Tuy nhiên, cần tính đến đầu tư có tập trung, tránh dàn trải; quy hoạch để xây dựng các trường học công lập mới cần tính đến chiến lược dài hạn, trang bị đủ thiết bị, khu vui chơi, giải trí…

Riêng đại biểu Nguyễn Ngọc Việt (Tổ Mỹ Đức) cho biết, nghị quyết ban hành thực sự cần thiết, đặc biệt là những huyện khó khăn, nhưng việc triển khai đầu tư các trường học đạt chuẩn quốc gia cần mang tính chiều sâu, tránh lạc hậu. “Hệ thống y tế cơ sở rất cần được đầu tư, nhất là qua đại dịch Covid-19 cho thấy còn rất thiếu cả vật chất và nhân lực. Các công trình văn hóa cũng cần xác định giá trị văn hóa cần bảo tồn, vì thế, cần sớm tu bổ để tăng giá trị lưu giữ, vì hiện nhiều di tích đã xuống cấp nghiêm trọng”, đại biểu Nguyễn Ngọc Việt nhấn mạnh.

Liên quan đến nội dung đầu tư cho văn hóa, đại biểu Chu Hồng Minh (quận Hoàn Kiếm) đề xuất, sau khi có nghị quyết, xác định danh mục dự án, cần có thuyết minh về giá trị sau đầu tư đối với các công trình văn hóa, từ đó xác định tính ưu tiên trong danh mục đầu tư. Đại biểu Bạch Liên Hương (quận Hà Đông) cho rằng, để triển khai thực hiện nghị quyết, ngành y tế Thủ đô cũng cần có kế hoạch đào tạo nhân lực cho tuyến cơ sở. Bởi thực tiễn, việc tuyển dụng bác sĩ có trình độ về cơ sở là rất khó, vì lương thấp, trách nhiệm lớn…

Tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư

Thảo luận biện pháp đẩy nhanh tiến độ đầu tư, tập trung xử lý các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai trên địa bàn thành phố, hầu hết đại biểu thống nhất với các giải pháp UBND thành phố đề xuất nhằm nâng cao quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai nói chung và cải cách hành chính trong lĩnh vực này.

Dù vậy, một số đại biểu đề nghị UBND thành phố rà soát lại tên nghị quyết theo hướng tập trung vào các dự án chậm triển khai, chưa triển khai dự án trên địa bàn. Đánh giá rõ hơn kết quả thực tế trong công tác thanh tra, mức độ vi phạm các dự án vi phạm; số lượng dự án đã khắc phục, số dự án chưa có chuyển biến, số dự án vướng mắc trong các quy định, cần thời gian rà soát tháo gỡ; làm rõ tính hiệu lực, hiệu quả của việc thực hiện kết luận thanh tra.

Nhiều đại biểu đề nghị UBND thành phố đánh giá và làm rõ việc lập thẩm định, phê duyệt một số đề án quy hoạch trên địa bàn thành phố còn chậm, trong đó có một số quy hoạch phân khu, quy hoạch các huyện là cản lực trong thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội các địa phương là nguyên nhân dẫn đến chậm tiến độ triển khai dự án. Nhiều ý kiến cho rằng, hầu hết số dự án rà soát là chưa đầy đủ, đề nghị UBND thành phố tiếp tục rà soát cụ thể trong thời gian tới. Một số dự án dở dang, chủ đầu tư không muốn triển khai thì cần có các biện pháp thu hồi ngay để tiếp tục kêu gọi, thu hút đầu tư.

UBND thành phố cần có giải pháp mạnh, kiên quyết, cụ thể để cảnh báo cho nhà đầu tư cũng như các biện pháp cụ thể tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư trên cơ sở xử lý nghiêm các dự án thu hồi, xử lý các dự án đã tồn tại nhiều năm không triển khai, để hoang hóa; chuẩn bị nguồn lực khi phải hoàn trả tiền khi thu hồi dự án. Tăng cường rà soát việc thực hiện phân cấp, phân quyền cao hơn cho địa phương để theo dõi, giám sát việc triển khai đầu tư dự án.

Các đại biểu cũng thống nhất cần rà soát các kết luận thanh tra, kiểm tra của trung ương và địa phương, các kết luận thanh tra chuyên ngành để thiết lập hồ sơ, làm căn cứ xác định xử lý dự án. Công khai các dự án vi phạm, sai phạm bị thu hồi để đại biểu, cử tri và nhân dân cùng theo dõi giám sát.

Phát biểu tại tổ thảo luận, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn cho rằng, với số lượng lớn dự án đầu tư cho lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa, đòi hỏi việc triển khai cần hết sức khẩn trương, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm nhanh và rõ cách thức thực hiện; lưu ý chất lượng triển khai và quản lý sau đầu tư; chú trọng giao ban, kiểm đếm thường xuyên quá trình thực hiện dự án. “Thực tế các cấp, các ngành đã vào cuộc, quan tâm đầu tư các lĩnh vực, nhưng sự chuyển biến chưa rõ nét, hiệu quả chưa cao, nên cần tiếp tục tập trung thực hiện trong thời gian tới, nhất là với lĩnh vực văn hóa, giáo dục. Cần có cách thức làm mới sao cho khoa học, kỷ cương, hiệu quả hơn; rà soát phân loại và định lượng thời gian hoàn thành”, Chủ tịch HĐND thành phố yêu cầu.

Nhấn mạnh nhóm vấn đề các biện pháp xử lý những dự án chậm triển khai, Chủ tịch HĐND thành phố cho rằng, đến nay đã có đầy đủ các quy định pháp luật, HĐND thành phố nhiều lần giám sát và tái giám sát, nhưng “bài toán” đặt ra hiện nay là phối hợp triển khai thực hiện ra sao. Chủ trương xuyên suốt được xác định là thành phố tạo điều kiện cho công tác xử lý các dự án chậm triển khai trên cơ sở bảo đảm chặt chẽ các quy định pháp luật, có sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị trong tổ chức thực hiện.

PHI LONG

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/thu-hoi-xu-ly-cac-du-an-da-ton-tai-nhieu-nam-khong-trien-khai-xy6sn7hjjq-82031