Thụ hưởng các giá trị tinh thần
Văn hóa có những dư âm, dư chấn khá thú vị. Đã hơn nửa năm trôi qua, nhưng sự kiện nhóm nhạc BLACKPINK đến Hà Nội vẫn để lại nhiều bàn luận xoay quanh việc thụ hưởng giá trị văn hóa. Đã đến lúc chúng ta không chỉ nói về cái hay, cái lạ mà còn bàn về cái đúng, cho hiệu quả khi tiếp nhận. Hay nói cách khác, chuyện ăn, chơi, giải trí cũng gian nan chẳng kém việc mưu sinh trong cuộc sống hôm nay.
Còn nhớ ngày trước các cụ ta vẫn có câu: “Nghề chơi cũng lắm công phu”. Xin không bàn về gốc gác ấy trong "Truyện Kiều" của đại thi hào Nguyễn Du, chỉ xin nói rằng: Thụ hưởng văn hóa cũng cần nhận diện, cần nỗ lực để đạt hiệu quả.
Chính trị gia John Abbott (1821-1893) từng nói: “Năng lực của mỗi người có thể gia tăng hoặc mạnh mẽ hơn nhờ văn hóa”. Hàm lượng văn hóa ấy nhiều hay ít, tinh chất hay tạp nham phụ thuộc vào cách chúng ta nhận diện, dung nạp, thẩm thấu. Mới đây thôi lại một cái Tết Nguyên đán qua đi để lại nhiều băn khoăn về cái gọi là “quá tải” trong việc thụ hưởng vật chất và đâu đó còn “khiêm tốn” về mặt tinh thần. Dù Tết có thể đã có cả ngàn năm nhưng đón Tết thế nào vẫn còn lúng túng. Nhìn vào đó để thấy rằng giữa lao động, cống hiến và thụ hưởng phải gắn bó mật thiết với nhau, tác động qua lại chặt chẽ với nhau, đặt trong sự tương quan, tương thích. Cách để tận hưởng những giá trị văn hóa cũng hóc búa đâu kém việc tạo ra giá trị ấy. Đọc một cuốn sách, xem một bộ phim đâu chỉ cần một cái tặc lưỡi, một “còm dạo” thiếu trách nhiệm và nhạt nhẽo.
Thử lấy một ví dụ: những ngày đầu tháng Giêng đang có hai “bức tranh” với sắc màu khác nhau của phim Việt. Một là sự háo hức để đón đợi bộ phim đề tài lịch sử do nhà nước đặt hàng sản xuất và thứ hai là: Rạp chiếu phim nào đã bán vé cho học sinh vào xem phim 18+. Vậy là, đời sống điện ảnh đã thực sự nóng chứ không chỉ có những tiếng vang đầu tiên phá vỡ sự im lặng như “Mắt biếc”, “Bố già”, ”Nhà bà nữ”… Tiếng nói của người thưởng thức (khán giả, độc giả) là một phần không thể thiếu của văn học, nghệ thuật.
Chuyên gia truyền thông Trương Đức Phương đã mô tả sự lan tỏa của phim “Đào, phở và piano” như thế này: “Tôi quan sát thấy "Đào, phở và piano" hồi sinh từ review của một TikToker, sau đó được tiếp sức qua các nhóm Yêu lịch sử trên Facebook. Phim dần có hiệu ứng "cháy vé" tại Trung tâm Chiếu phim Quốc gia, Hà Nội và được thổi bùng lên mạnh mẽ bởi thông tin "sập web" đặt vé, dù nguyên nhân không được xác định rõ ràng”.
Vậy là, con đường từ nhà đến rạp chiếu phim của chúng ta đâu chỉ đơn giải là một cái liếc nhìn poster phim trên phố hay lắng tai nghe tiếng loa phát ra từ chiếc xe có gắn loa quảng cáo mà nhất thiết phải cần đến một “dung môi” rất đặc biệt, đó là mạng xã hội. Mạng xã hội không đơn thuần là kênh thông tin mà là đất sống cho ngành giải trí. Một bộ phim, một tác phẩm mỹ thuật, âm nhạc, văn chương sẽ có chỗ đứng khi nó đạt tới giá trị và người xem cũng đủ tầm để nhận ra giá trị ấy. Con số 4,3 triệu vé được bán ra từ bộ phim điện ảnh “Mai” nói lên điều gì với chúng ta? Đó là xu thế lựa chọn hay chỉ là sự háo hức, tò mò đơn thuần.
Chỉ ít ngày sau khi xô đổ mọi kỉ lục về doanh thu của phim Việt, bộ phim “Mai” cũng tạo nên một hiệu ứng lạ khác: xuất hiện hiện tượng có rạp chiếu phim đã bán vé cho học sinh vào xem phim “Mai” 18+ như một số báo đã đưa tin. Trong bài viết này, người viết không bàn tới việc quản lý về độ tuổi và kết quả thanh tra của Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch mà chỉ nhận ra một điều: Phim Việt đã đến lúc cần được quan tâm, được kiểm soát, phân loại khán giả như một nhu cầu tất yếu, thường xuyên chứ không còn ở giai đoạn phải nỗ lực khẳng định sự tồn tại của mình.
Bạn hãy thử hình dung, trong một gia đình nào đó cha, mẹ vừa phải tìm kiếm thông tin để có vé xem phim “Đào, phở và piano” một cách sớm nhất và đồng thời phải lo kiểm soát việc đứa con dưới 18 tuổi của mình có “phá rào” xem phim “Mai”. Điều này tuy có vất vả hơn nhưng liệu có thú vị hơn việc chúng ta phải ngán ngẩm ngồi xem các bộ phim khóc, cười, đánh ghen, cãi vã… theo công thức? Rõ ràng việc khó khăn để tiếp cận sản phẩm điện ảnh, để đến với rạp chiếu phim sẽ phức tạp hơn việc ngồi bấm chiếc remote ở nhà nhưng đó chính là sự phát triển, là những thách thức ở một tầm cao hơn sự ảm đạm bấy lâu của điện ảnh Việt.
Gác lại câu chuyện về hai bộ phim Việt, người viết muốn nhắc đến một câu chuyện khác. Mới đây, tại Hội thảo "Thơ & nhạc, tương sinh hay tương khắc?" do Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh và Hội Âm nhạc TP Hồ Chí Minh tổ chức, nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn chia sẻ: “Mỗi lần nghe ca khúc “Khát vọng” (phổ thơ Đặng Viết Lợi), tôi rất xúc động nhưng gặp ca sĩ nào hát sai lời: “Hãy sống như đời sông” mà đổi thành... “đời sống”, chỉ cần đưa một dấu sắc vào là làm hỏng tác phẩm và không đúng ý đồ của tác giả rồi" (theo: Lê Công Sơn-Báo Thanh niên).
Tâm sự của nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn không phải là một việc nhỏ. Đúng là, chỉ khác nhau một dấu sắc nhưng khi cái thanh điệu nhỏ bé ấy đã mang nghĩa biểu tượng thì ý nghĩa mà nó đang chuyển tải đâu có ít ỏi gì. Người ca sĩ trước hết phải là người tiếp nhận sáng tác của nhạc sĩ và sáng tạo một lần nữa bằng sự nhập tâm, nhập vai của mình để tạo ra một thực thể sáng tạo mới đem đến cho người đọc chứ không đơn thuần là một cover khác, lạ. Để rồi, đến lượt người thưởng thức phải mua vé hay trả phí và tạo ra dư luận quyết định đến sức sống của tác phẩm. Hay nói cách khác: người ca sĩ hát sai, hiểu sai ca từ đó đã đủ tầm thụ hưởng tác phẩm hay chưa? Sự bất cẩn, thiếu chuyên nghiệp, thói quen thêm bớt trong khi hát ca khúc của nhạc sĩ cũng là một bất cập trong thụ hưởng và công diễn, ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm văn hóa.
Nếu để ý theo dõi bạn sẽ thấy ngày nay, từ nông thôn đến thành thị, từ người trẻ cho đến người già đều tiếp cận với các sản phẩm nhờ hệ thống bán hàng trực tuyến. Từ gói tăm, cái cúc áo (hàng ngoại) cho đến giống cây trồng… Người ta sẵn sàng bỏ ra một khoản tiền trả phí ship để có một sản phẩm vật chất có giá trị tốt hơn so với những gì được bày bán xung quanh. Điều đó có nghĩa là chiếc cầu nối giữa người tiêu dùng Việt và các nhà cung cấp trên thế giới ngày càng được rút ngắn lại.
Rõ ràng, thụ hưởng các giá trị không chỉ là quyền mà còn là trách nhiệm của mỗi người. Việc chúng ta tiếp nhận như thế nào sẽ tác động đến việc sáng tạo sản phẩm văn hóa. Người xem, người đọc có một thứ quyền lực riêng chi phối chất xu thế phát triển của đời sống sáng tác. Người viết mong rằng, trong tương lai không xa chúng ta sẽ có một đời sống điện ảnh, mỹ thuật, âm nhạc… và nhiều loại hình khác thực sự sôi động với sự tham góp từ nhiều nhóm độc giả, khán, thính giả trong xã hội để tạo ra cách thụ hưởng các giá trị văn hóa hiệu quả nhất.