Thu hút các nhà đầu tư chiến lược vào Khu kinh tế Vân Phong
Tỉnh Khánh Hòa đang triển khai nhiều chính sách ưu đãi và tích cực mời gọi các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia có tiềm lực tài chính và kinh nghiệm đến đầu tư tại Khu kinh tế Vân Phong.

Một góc Khu kinh tế Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa) nhìn từ trên cao.
Nhiều dự án quy mô lớn
Tính đến nay, Khu kinh tế Vân Phong (nằm về phía Bắc của tỉnh Khánh Hòa có tổng diện tích khoảng 150.000 ha, được chia thành 19 phân khu chức năng) đã thu hút được 155 dự án (131 dự án trong nước và 24 dự án có vốn đầu tư nước ngoài) với tổng vốn đăng ký khoảng 5,4 tỷ USD. Trong số đó, 106 dự án đã đi vào hoạt động với tổng vốn thực hiện đạt 3,3 tỷ USD, tương đương 61% tổng vốn đăng ký. Riêng 6 tháng đầu năm 2025, Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Phong đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới cho 6 dự án với tổng vốn hơn 3.000 tỷ đồng và điều chỉnh 2 dự án với vốn đầu tư tăng thêm hơn 296 tỷ đồng.
Nhiều dự án quy mô lớn đang hoạt động hiệu quả tại Khu kinh tế Vân Phong, đóng góp đáng kể vào ngân sách nhà nước. Điển hình như dự án Nhà máy nhiệt điện BOT Vân Phong 1 với tổng công suất 1.320 MW, chính thức vận hành từ tháng 1/2024. Trong 6 tháng, dự án này đạt doanh thu hơn 9.200 tỷ đồng và nộp ngân sách hơn 500 tỷ đồng. Một điểm sáng khác là Nhà máy Sửa chữa, đóng mới các loại tàu biển và gia công các kết cấu thép (Hyundai Việt Nam) của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đóng tàu HD Hyundai Việt Nam (HVS) đã hoạt động trong nhiều năm qua, riêng 5 tháng đầu năm nay, nhà máy này đạt doanh thu 6.750 tỷ đồng và nộp ngân sách 506 tỷ đồng.
Ông Kim Song Hag, Tổng Giám đốc HVS cho biết, năm 2025, công ty đặt mục tiêu bàn giao 16 tàu và 9 cabin tàu cho các khách hàng trên thế giới, dự kiến đạt doanh thu hơn 700 triệu USD. Để đáp ứng nhu cầu thị trường ngày càng tăng, công ty đang triển khai các kế hoạch mở rộng sản xuất và đầu tư mạnh vào cơ sở vật chất, mục tiêu đến năm 2030 sẽ nâng công suất đóng mới tàu từ 15 tàu lên 23 tàu/năm.
“Thông qua những kế hoạch và định hướng này, HVS mong muốn phát triển lâu dài và bền vững, tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động địa phương, góp phần vào sự tăng trưởng của nền kinh tế, công nghiệp và xuất khẩu của tỉnh Khánh Hòa. Đồng thời, chúng tôi sẽ nỗ lực để trở thành doanh nghiệp đóng vai trò chủ chốt trong việc dẫn dắt sự phát triển của ngành đóng tàu Việt Nam”, ông Kim Song Hag cho hay.

Nhà máy sửa chữa, đóng mới các loại tàu biển và gia công các kết cấu thép của Công ty TNHH Đóng tàu HD Hyundai Việt Nam tại Khu kinh tế Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa.
Theo Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Phong, thực hiện Nghị quyết số 55/2022/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa, vào ngày 30/6 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận chủ trương đầu tư hai dự án lớn tại Khu kinh tế Vân Phong, bao gồm: Khu đô thị mới Tu Bông và Khu đô thị mới Đầm Môn với tổng vốn đầu tư khoảng 65.000 tỷ đồng. Hiện nay, các đơn vị đang khẩn trương hoàn thiện hồ sơ để chuẩn bị lựa chọn nhà đầu tư theo quy định.
Bên cạnh đó, Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Phong cũng đã tiếp nhận hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng Khu công nghiệp Ninh Xuân và Khu công nghiệp Ninh Diêm 3 từ các nhà đầu tư lớn như Tập đoàn Becamex, Tổng Công ty cổ phần Phát triển khu công nghiệp (Sonadezi)... Điều này cho thấy sức hấp dẫn của Vân Phong đối với các nhà đầu tư phát triển hạ tầng công nghiệp hàng đầu tại Việt Nam.
Hỗ trợ tối đa cho nhà đầu tư
Với quyết tâm đưa Khu kinh tế Vân Phong vào nhóm 3 khu kinh tế dẫn đầu cả nước, tỉnh Khánh Hòa đang tập trung mọi nguồn lực để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư chiến lược. Ông Trần Minh Chiến, Trưởng Ban Quản lý khu kinh tế Vân Phong nhấn mạnh, việc thu hút các nhà đầu tư chiến lược sẽ mang lại nguồn vốn lớn, công nghệ hiện đại và kinh nghiệm quản lý tiên tiến, góp phần hình thành các ngành công nghiệp mũi nhọn, tạo ra nhiều việc làm và thúc đẩy sự phát triển cho Khu kinh tế Vân Phong nói riêng và tỉnh Khánh Hòa nói chung.
Để hiện thực hóa mục tiêu này, ngoài các chính sách ưu đãi về thuế và tiền thuê đất, Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Phong đã thành lập các tổ công tác đặc biệt nhằm hỗ trợ tối đa cho nhà đầu tư. Đồng thời, Ban cũng kiến nghị UBND tỉnh Khánh Hòa chỉ đạo Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh và các cơ quan liên quan sớm thành lập Trung tâm Phát triển quỹ đất tại các địa phương (hoặc khu vực) để đẩy nhanh giải phóng mặt bằng, chuẩn bị khu tái định cư và bố trí quỹ đất sạch, sẵn sàng chào đón các nhà đầu tư đi cùng với các dự án.

Ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa (thứ 4, trái sang) kiểm tra thực địa dự án một khu đô thị mới nằm trong Khu kinh tế Vân Phong.
Ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa khẳng định: "Khánh Hòa sẽ đồng hành, hỗ trợ tối đa các nhà đầu tư trong suốt quá trình triển khai dự án, từ khâu khảo sát, cấp phép đến vận hành". Để tạo đột phá trong thu hút đầu tư trong giai đoạn mới, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa yêu cầu các sở, ngành liên quan khẩn trương nghiên cứu thành lập Trung tâm Phát triển quỹ đất cấp xã, đặc biệt tại các địa bàn trọng điểm thuộc vùng dự án. Đồng thời, rà soát toàn bộ hồ sơ của nhà đầu tư hiện hữu và đánh giá mức độ triển khai thực tế; xây dựng bộ tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư có năng lực thực chất, ưu tiên cho các tập đoàn quốc tế, các nhà đầu tư chiến lược có kinh nghiệm đầu tư các dự án về cảng biển và logistics, công nghiệp, du lịch, công nghiệp.
Đối với các dự án cảng biển, ông Trần Quốc Nam nhấn mạnh: "Tỉnh trân trọng mời gọi những nhà đầu tư lớn, nhà đầu tư nước ngoài có kinh nghiệm xây dựng cảng, kiên quyết không để xảy ra tình trạng xin dự án để giữ đất, gây lãng phí nguồn tài nguyên". Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cũng yêu cầu Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh xây dựng chiến lược cụ thể và kế hoạch chi tiết về quy hoạch các khu tái định cư các dự án trong cả ngắn và dài hạn, đảm bảo đủ quỹ đất phục vụ phát triển công nghiệp và ổn định đời sống người dân địa phương lâu dài.
Với quy hoạch tổng thể đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Khu kinh tế Vân Phong được định hướng trở thành trung tâm kinh tế biển tổng hợp, đa ngành, đa lĩnh vực, có vai trò đầu tàu thu hút đầu tư, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho tỉnh Khánh Hòa và các vùng lân cận. Việc ưu tiên thu hút các nhà đầu tư chiến lược là bước đi quan trọng của Khánh Hòa để hiện thực hóa các mục tiêu này.