Thu hút các nhà máy chế biến sâu tại các vùng chuyên canh nông nghiệp
Công nghệ chế biến được xác định là 'chìa khóa' để 'nâng tầm' giá trị cho nông sản. Trong bối cảnh hiện nay, khi nông nghiệp được định hướng phát triển sản xuất theo chuỗi liên kết, việc thu hút đầu tư, xây dựng các nhà máy chế biến gắn kết với các vùng chuyên canh được xem là khâu quyết định để tạo ra sản phẩm nông nghiệp có giá trị gia tăng cao.
Kiểm nghiệm chất lượng sản phẩm nước dinh dưỡng tế bào mía tại Công ty CP Mía đường Lam Sơn.
Tháng 5-2020, Công ty CP Mía đường Lam Sơn đã hoàn thành lắp đặt và đưa vào hoạt động nhà máy chế biến lúa công suất 30.000 tấn/năm tại thị trấn Vạn Hà (Thiệu Hóa). Dự kiến, vụ chiêm xuân 2020, nhà máy sẽ tiến hành sấy gần 2.500 tấn lúa và kế hoạch cho niên vụ 2020-2021, sẽ chế biến gần 30.000 tấn gạo, với doanh thu dự kiến 500 tỷ đồng. Giai đoạn 2 của dự án sẽ được tiếp tục xây dựng trên tổng diện tích 6,3 ha và dự kiến hoàn thành vào đầu năm 2021, với các công trình, như: nhà máy chế biến nước quả sạch và các sản phẩm sau gạo như bột sữa gạo, bột gạo, bánh gạo, bún, bánh, miến... Cùng với nhà máy chế biến sữa gạo lứt giàu protein, nhà máy sản xuất nước dinh dưỡng tế bào mía, tại trụ sở Nhà máy Đường Lam Sơn, thị trấn Lam Sơn (Thọ Xuân); các dự án này đang được kỳ vọng sẽ tạo ra những sản phẩm có giá trị gia tăng cao từ cây lúa, cây mía và một số hoa quả đặc trưng của tỉnh Thanh Hóa. Đồng thời, tạo đầu ra ổn định với sản lượng lớn cho các vùng thâm canh lúa, mía, rau quả tại các huyện: Thiệu Hóa, Đông Sơn, vùng mía Lam Sơn và các khu vực lân cận.
Cùng với Công ty CP Mía đường Lam Sơn, trên địa bàn tỉnh cũng có một số doanh nghiệp (DN) đã mạnh dạn đầu tư vào công nghệ chế biến nông sản, như: Công ty CP Thương mại Sao Khuê, Công ty CP Đầu tư và Chế biến rau quả nông sản Thanh Hóa, Công ty CP Xuất nhập khẩu thủy sản Thanh Hóa, Công ty CP Công Nông nghiệp Tiến Nông... Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, toàn tỉnh hiện có 235 DN, HTX chế biến, kinh doanh gỗ và lâm sản; 29 DN chế biến nông sản, thực phẩm; 80 DN chế biến thủy, hải sản và hơn 600 cơ sở chế biến nông, lâm, thủy sản, bước đầu xây dựng được những chuỗi liên kết hàng hóa trong nông nghiệp từ khâu sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, cũng theo đánh giá của ngành nông nghiệp, tuy số lượng dự án chế biến nông sản có khởi sắc, nhưng những dự án có quy mô lớn, đầu tư công nghệ chế biến sâu còn rất hạn chế. Hầu hết các cơ sở sản xuất, chế biến có quy mô nhỏ lẻ, mới chỉ sơ chế và xuất bán nguyên liệu thô bằng phương pháp thủ công truyền thống nên giá trị gia tăng chưa cao.
Để bắt kịp xu hướng sản xuất nông nghiệp tiên tiến, những năm gần đây, ngành nông nghiệp, các địa phương đã ban hành nhiều chính sách, giải pháp tích tụ, tập trung đất đai, phát triển các mô hình nông nghiệp quy mô lớn. Đến nay, toàn tỉnh đã hình thành 17 vùng sản xuất tập trung cấp tỉnh và hơn 55 vùng sản xuất tập trung cấp huyện, xã, điển hình như: Vùng sản xuất giống lúa thuần, lúa lai F1, sản xuất rau an toàn tập trung tại các huyện Thọ Xuân, Đông Sơn, Thiệu Hóa, Quảng Xương; vùng mía thâm canh tại vùng mía Lam Sơn; vùng sản xuất các loại cây rau màu, như: ngô ngọt, bí, đậu tương rau, cải chân vịt, hành lá tại các huyện Thọ Xuân, Yên Định, Hoằng Hóa; vùng chăn nuôi bò sữa tập trung tại các huyện Yên Định, Thọ Xuân, Như Thanh; vùng chăn nuôi bò thịt tại các huyện miền núi, trung du... Trong đó, nhiều vùng sản xuất đã được áp dụng tuân thủ quy trình VietGAP, cho năng suất, chất lượng cao và bảo đảm an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, năng lực và công nghệ chế biến nông sản hiện chưa đáp ứng được nhu cầu. Sản lượng gạo được chế biến thông qua quy trình khép kín mới đạt hơn 26%; sản lượng rau quả chỉ chiếm khoảng hơn 20,3%... Sản phẩm sau chế biến có thương hiệu, giá trị cao còn rất ít. Ngoài nguyên nhân vì số vốn đầu tư lớn, vùng nguyên liệu chưa bền vững thì thủ tục đầu tư hiện vẫn còn nhiều vướng mắc, nên DN chưa mặn mà tham gia vào lĩnh vực này. Một số dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng vướng mắc thủ tục giải phóng mặt bằng nên triển khai chậm tiến độ.
Để thu hút nhiều dự án có công nghệ chế biến sâu, hiện đại, góp phần nâng tầm sản phẩm nông nghiệp của tỉnh, thời gian tới, các ngành có liên quan, các địa phương cần xây dựng những cơ chế khuyến khích, chính sách ưu đãi riêng cho các DN chế biến ở lĩnh vực có đầu vào còn tiềm năng. Tạo điều kiện thuận lợi nhất về mặt bằng, tiếp cận vốn để các DN đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ chế biến, nâng cao giá trị nông sản. Các DN cũng cần chủ động hơn về tài chính, công nghệ để nâng cao giá trị sản phẩm và thu nhập cho người dân, giúp họ yên tâm gắn bó, xây dựng và phát triển nguồn nguyên liệu bền vững cho sản xuất.