Thu hút đầu tư các ngành công nghiệp trọng điểm tạo động lực phát triển bền vững
Một trong những thành công lớn nhất của tỉnh Ninh Bình sau 30 năm tái lập phải kể đến sự phát triển vượt bậc của ngành công nghiệp. Với những chính sách và định hướng phù hợp Ninh Bình đã tập trung đầu tư, phát triển vào các ngành công nghiệp chủ lực, công nghệ cao, công nghệ sạch để gia tăng giá trị sản xuất, tăng số thu ngân sách, kiến tạo động lực phát triển kinh tế, góp phần khẳng định vị thế của Ninh Bình trong khu vực đồng bằng sông Hồng cũng như trên cả nước. Để nhìn lại tổng thể bức tranh công nghiệp sau 30 năm tái lập tỉnh, phóng viên Báo Ninh Bình đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Nguyễn Cao Sơn, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh. Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn.
P.V: Xin đồng chí đánh giá khái quát bức tranh tăng trưởng của ngành công nghiệp sau 30 năm tái lập tỉnh?
Đ/c Nguyễn Cao Sơn: Nhìn lại năm đầu tái lập tỉnh 1992, toàn tỉnh chỉ có 14 doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, quy mô nhỏ. Giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh chỉ đạt gần 50 tỷ đồng. Nền kinh tế mang nặng tính chất tự cung, tự cấp với ngành nông nghiệp lạc hậu, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp nhỏ lẻ, phát triển manh mún. Song, với tinh thần đổi mới, dám nghĩ, dám làm, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Ninh Bình đã từng bước khắc phục khó khăn, xác định hướng phát triển ngành công nghiệp là nền tảng, động lực cho tăng trưởng kinh tế.
Tỉnh đã tận dụng khai thác và phát huy hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, phát triển các ngành công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng với các dự án lớn như các nhà máy xi măng: The Vissai, Tam Điệp, Hướng Dương, Duyên Hà, nhà máy cán thép Pomihoa, nhà máy sản xuất phân đạm Ninh Bình... Giai đoạn 2011-2020 và đặc biệt là thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII, với sự nỗ lực, quyết tâm, tạo bước đột phá để nâng tầm vị thế của tỉnh trên bản đồ đất nước, phát triển toàn diện theo hướng nhanh và bền vững, tỉnh Ninh Bình đã chủ trương lấy sản xuất công nghiệp làm khâu đột phá, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, thu hút các dự án đầu tư vào các khu công nghiệp.
Trọng tâm là phát triển các ngành công nghiệp sử dụng công nghệ cao, công nghệ sạch, thân thiện với môi trường, tăng giá trị sản phẩm và đóng góp ngân sách lớn; ưu tiên các ngành công nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô, công nghiệp hỗ trợ, logistics phục vụ cho ngành công nghiệp ô tô, điện tử, cơ khí chế tạo, công nghiệp chế biến phục vụ sản xuất nông nghiệp. Một số dự án sản xuất mới có quy mô lớn đã hoàn thành, đi vào hoạt động như: Nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô Thành Công, nhà máy sản xuất, lắp ráp camera modul và linh kiện điện tử; Nhà máy sản xuất kính xây dựng CFG... đóng góp chủ yếu trong tăng trưởng của ngành.
Bức tranh công nghiệp sau 30 năm tái lập tỉnh được thể hiện rõ nét qua tốc độ tăng GRDP ngành công nghiệp như sau: giai đoạn 2001-2005 (theo giá so sánh 1994) đạt 25,4%/năm; giai đoạn 2006-2010 đạt 18,4%/năm; giai đoạn 2011-2015 (theo giá so sánh 2010) đạt 16%, giai đoạn 2016-2020 đạt 18,1%; năm 2021 GRDP ngành công nghiệp đạt 13,9 nghìn tỷ đồng, tăng 6,5% so với năm 2020, chiếm 30,7% tổng GRDP toàn tỉnh; đóng góp trên 50% tổng số thu ngân sách của tỉnh. Hoạt động sản xuất công nghiệp cũng đóng góp lớn vào số thu ngân sách của tỉnh, năm 2021 sản xuất công nghiệp đóng góp trên 50% tổng số thu ngân sách của tỉnh. Cơ cấu sản xuất trong nội bộ ngành cũng có sự chuyển dịch theo hướng khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của tỉnh gắn với thị trường, chuyển từ công nghiệp nặng sang các ngành công nghệ cao, công nghệ sạch mũi nhọn như: sản xuất, lắp ráp ô tô, điện tử và công nghiệp hỗ trợ. Đây là xu hướng phát triển bền vững, tạo động lực phát triển kinh tế và tăng thu ngân sách Nhà nước.
P.V: Trên chặng đường 30 năm phát triển, những chính sách nào có tính chất nền tảng và tạo động lực phát triển cho ngành công nghiệp tỉnh nhà, thưa đồng chí?
Đ/c Nguyễn Cao Sơn: Nhìn lại chặng đường 30 năm xây dựng và phát triển có thể khẳng định, trong khó khăn, Đảng bộ, quân và dân Ninh Bình luôn giữ vững đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, có tầm nhìn chiến lược và đặc biệt là có sự thay đổi và quyết tâm rất cao trong ý chí xây dựng định hướng phát triển ngành công nghiệp, chuyển từ phát triển công nghiệp vật liệu xây dựng sang định hướng phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ. Tỉnh đã có những chính sách mang tính nền tảng, tạo động lực cho nền kinh tế nói chung và ngành công nghiệp nói riêng phát triển phù hợp với từng điều kiện, tình hình thực tế. Tiền đề quan trọng cho sự phát triển của ngành công nghiệp phải kể đến công tác hoạch định chính sách thu hút đầu tư của tỉnh.
Ngay từ năm 2012, Ninh Bình đã tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư với quan điểm chủ đạo, xuyên suốt là "Ninh Bình - Hội nhập và phát triển bền vững"; đồng thời ban hành Quyết định số 28/2012/QĐ- UBND ngày 23/11/2012 của UBND tỉnh quy định chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, qua đó đã giới thiệu hình ảnh, chính sách thu hút, hỗ trợ đầu tư của tỉnh tới đông đảo các nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Với định hướng tập trung xúc tiến, thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô, công nghiệp phụ trợ, phấn đấu đưa Ninh Bình trở thành một trong những trung tâm sản xuất ô tô và công nghiệp phụ trợ ô tô của cả nước, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 35/2014/QĐ-UBND ngày 9/12/2014 quy định về chính sách khuyến khích ưu đãi, hỗ trợ phát triển công nghiệp hỗ trợ đối với ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trên địa bàn tỉnh Ninh Bình; Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh ban hành Nghị quyết số 07/NQ-BCSĐ ngày 13/2/2017 về tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô và công nghiệp điện tử trở thành ngành kinh tế chủ lực, tăng nguồn thu cho ngân sách tỉnh. Ngoài công tác định hướng xúc tiến thu hút đầu tư, một trong những yếu tố quan trọng đó là đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp.
Trước đây hạ tầng các khu công nghiệp chủ yếu được đầu tư bằng nguồn ngân sách nhà nước. Tuy nhiên giai đoạn 2016-2020, với chủ trương định hướng đúng đắn tỉnh đã kêu gọi xã hội hóa, chuyển hình thức đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp sang đầu tư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách, giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước.
Hiện nay, toàn tỉnh có 5 khu công nghiệp đang hoạt động có tỷ lệ lấp đầy 100%, với 119 dự án được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư còn hiệu lực, trong đó có 30 dự án đầu tư nước ngoài; 14/17 cụm công nghiệp được thành lập và đi vào hoạt động, trong đó có 5/17 cụm công nghiệp có tỷ lệ lấp đầy 100%, thu hút được 230 dự án với tổng mức đầu tư đăng ký đạt 19.684 nghìn tỷ đồng. Đặc biệt, vừa qua Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 11/10/2021 về phát triển và quản lý khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu đề ra là phát triển khu, cụm công nghiệp với quy mô và vị trí hợp lý, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng ngành công nghiệp và dịch vụ, góp phần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với thực hiện hiệu quả các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, môi trường của tỉnh.
P.V: Xin đồng chí cho biết, trong giai đoạn tới Ninh Bình xác định chiến lược phát triển công nghiệp như thế nào để đảm bảo vai trò là trụ cột kinh tế và tạo động lực cho sự phát triển bền vững?
Đ/c Nguyễn Cao Sơn: Trong thời gian tới, tỉnh Ninh Bình xác định công nghiệp vẫn là nền tảng và động lực cho sự tăng trưởng kinh tế. Định hướng phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại trên cơ sở cơ cấu lại ngành công nghiệp với yêu cầu công nghệ cao, công nghệ sạch, thân thiện với môi trường, tăng giá trị sản phẩm và đóng góp ngân sách lớn; ưu tiên phát triển công nghiệp điện tử, công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô, công nghiệp phụ trợ, công nghiệp chế biến chế tạo phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Tiếp tục phát huy hiệu quả các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, đẩy mạnh phát triển công nghiệp theo hình thức cụm liên kết ngành, nhóm sản phẩm chuyên môn hóa gắn với nâng cao trình độ công nghệ, đổi mới sáng tạo trên cơ sở nắm bắt, khai thác cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, lợi thế thương mại tự do và sự chuyển dịch đầu tư nước ngoài sau đại dịch COVID-19. Để đạt mục tiêu trên, tỉnh đã đề ra một số giải pháp trọng tâm như sau: Thứ nhất, về quy hoạch và chính sách: Rà soát, điều chỉnh các quy hoạch như quy hoạch công nghiệp, quy hoạch cụm công nghiệp, quy hoạch nghề, làng nghề để tích hợp vào Quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 làm căn cứ, cơ sở tiếp tục thu hút các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh, xây dựng chương trình hỗ trợ phát triển các sản phẩm công nghiệp chủ lực cho từng giai đoạn; xây dựng danh mục ngành nghề ưu tiên khuyến khích đầu tư vào Ninh Bình giai đoạn 2021 - 2025 và các năm tiếp theo. Thứ hai, về đầu tư hạ tầng: Tập trung đầu tư và kêu gọi đầu tư cơ sở hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp đồng bộ theo tinh thần Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 11/10/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhằm tạo mặt bằng sạch thu hút các dự án công nghiệp trọng điểm. Hình thành và xây dựng hạ tầng các khu, cụm công nghiệp tập trung như cơ khí chế tạo, điện - điện tử, công nghiệp hỗ trợ. Thứ ba, về thu hút đầu tư: Tiếp tục phát triển công nghiệp bền vững trên cơ sở khai thác tối đa lợi thế và tiềm năng của tỉnh; duy trì ổn định sản xuất các sản phẩm công nghiệp chủ lực. Tăng cường thu hút và nâng cao hiệu quả đầu tư trực tiếp nước ngoài, các nguồn vốn từ các chương trình, dự án, đẩy mạnh vận động và xúc tiến đầu tư theo hướng thu hút các tập đoàn lớn có tiềm lực về vốn, công nghệ, thương hiệu, công nghiệp hỗ trợ, sản phẩm có giá trị gia tăng lớn. Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, sử dụng công nghệ hiện đại, công nghệ sạch; tăng nhanh giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh của sản phẩm. Thứ tư, về nhân lực: Đẩy mạnh công tác phát triển nguồn nhân lực phục vụ phát triển công nghiệp; đa dạng hóa các hình thức đào tạo; ưu tiên và có chính sách thu hút đối với những người tài, người có trình độ chuyên môn cao về làm việc tại tỉnh. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước về hỗ trợ doanh nghiệp; tổ chức gặp gỡ, đối thoại cùng doanh nghiệp để kịp thời có biện pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
P.V: Trân trọng cảm ơn đồng chí
Nguyễn Thơm (thực hiện