Thu hút đầu tư của Thái Nguyên: Những con số biết nói
Những năm gần đây, nhất là năm 2019, với chủ trương đúng đắn, chính sách cởi mở, thông thoáng, đặc biệt là quan điểm xuyên suốt: 'đồng hành cùng các nhà đầu tư, doanh nghiệp', tỉnh Thái Nguyên đã đẩy mạnh công tác thu hút đầu tư (cả trong và ngoài nước), từng bước đưa địa phương vươn lên vị trí đứng đầu cả nước về thu hút đầu tư và trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn.
Điểm sáng phía Bắc
Báo cáo của UBND tỉnh Thái Nguyên cho thấy, trong năm 2019, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên địa bàn đạt 40,4 nghìn tỷ đồng và nếu tính lũy kế 04 năm (từ năm 2016 đến hết năm 2019) thì con số này là gần 200 nghìn tỷ đồng (bình quân đạt 50 nghìn tỷ đồng/năm), vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đề ra cho cả giai đoạn 2016-2020 là 128 nghìn tỷ đồng. Kết quả trong thu hút đầu tư đã đóng góp tích cực tới sự phát triển kinh tế địa phương thông qua đóng góp vào tốc độ tăng trưởng kinh tế và giá trị sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thu ngân sách nhà nước và kim ngạch xuất khẩu.
Theo đó, trong năm 2019, toàn tỉnh cấp mới đăng ký kinh doanh cho 616 doanh nghiệp (tăng 2,5% so với cùng kỳ), với số vốn đăng ký là 5,7 nghìn tỷ đồng (tăng 56,2% so với cùng kỳ). Trong năm còn có 139 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động đã hoạt động trở lại, nâng tổng số doanh nghiệp đăng ký hoạt động của toàn tỉnh lên 6.838 doanh nghiệp, với tổng vốn đăng ký 87.237 tỷ đồng.
“Từ sau Hội nghị Xúc tiến đầu tư năm 2018, hiện có 43 nhà đầu tư đang triển khai 61 dự án với tổng số vốn đăng ký thực hiện là 115.545 tỷ đồng” – Báo cáo của địa phương thống kê và cho biết, các dự án đầu tư vào 6 lĩnh vực quan trọng, gồm: 16 dự án trong lĩnh vực công nghiệp; 03 dự án nông nghiệp; 15 dự án siêu thị, thương mại, du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, văn hóa - thể thao; 19 dự án hạ tầng đô thị và giao thông; 04 dự án thuộc lĩnh vực y tế, giáo dục, công nghệ thông tin 04 dự án và 04 dự án xử lý rác thải, nghĩa trang.
Xác định thu hút đầu tư (cả trong và ngoài nước) là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất – kinh doanh, tạo việc làm, thu nhập cho người dân, doanh nghiệp và đóng góp chung cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, lãnh đạo địa phương đã tích cực chỉ đạo các Sở, ngành tạo điều kiện giải quyết các thủ tục hành chính nhanh nhất theo quy định, đồng hành với nhà đầu tư trong quá trình triển khai thực hiện, định kỳ thường xuyên đối thoại, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đề ra các giải pháp đẩy nhanh tiến độ, sớm đưa các dự án đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Nhờ đó, hiện đã có 27/61 dự án (đạt 44,3%) đã hoàn thành thủ tục về đầu tư (như: Quyết định chủ trương đầu tư; cấp Giấy chứng nhận đầu tư; Quyết định giao chủ đầu tư xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp; Quyết định phê duyệt kết quả đấu thầu); 34/61 dự án đang trong giai đoạn đề xuất, nghiên cứu, hoàn thiện các thủ tục về đầu tư. Các công trình, dự án lớn, trọng điểm của nhiệm kỳ tiếp tục được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện).
Về thu hút đầu tư nước ngoài (FDI), UBND tỉnh Thái Nguyên cho biết, trong năm 2019, trên địa bàn tỉnh có 17 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư mới với tổng vốn đầu tư đăng ký là 352,8 triệu USD, trong đó, có 15 dự án trong khu công nghiệp và 02 dự án ngoài khu công nghiệp. Lũy kế hết năm 2019, trên địa bàn tỉnh hiện có 143 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký đạt 8.031,8 triệu USD (tương đương khoảng 187 nghìn tỷ đồng), trong đó vốn giải ngân đạt trên 90%. Có thể kể đến các nhà đầu tư lớn, như: Samsung; Tập đoàn Masan; Nhiệt điện An Khánh, Dự án Hồ Núi Cốc… đã góp phần quan trọng giúp Thái Nguyên trở thành điểm sáng về thu hút đầu tư ở khu vực phía Bắc.
Các dự án FDI đi vào hoạt động không chỉ giúp địa phương tăng trưởng xuất khẩu, tạo việc làm, thu nhập cho người dân địa phương mà còn tạo hiệu ứng, tác động lan tỏa tới các nhà đầu tư khác tìm đến Thái Nguyên như một địa điểm đầu tư, kinh doanh hiệu quả.
Thu hút đầu tư có chọn lọc
Phát huy kết quả đạt được trong thu hút đầu tư, nhất là đầu tư nước ngoài, năm 2020, tỉnh Thái Nguyên xác định tiếp tục thực hiện hiệu quả Kế hoạch số 74/KH-UBND ngày 24/5/2019 của UBND tỉnh về thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 29/3/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) nhằm tạo lập môi trường kinh doanh thân thiện, thông thoáng, minh bạch, hấp dẫn; tạo thuận lợi nhất để hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân, nhất là doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, tạo động lực, sự đột phá và thu hút các nguồn lực đầu tư vào tỉnh.
Đặc biệt, thực hiện chủ trương của Chính phủ về thu hút có chọn lọc, Thái Nguyên sẽ tập trung kêu gọi các dự án có công nghệ tiên tiến, giá trị gia tăng cao. Đồng thời lựa chọn các dự án có quy mô lớn về du lịch, sinh thái, bảo vệ môi trường, đặc biệt các dự án đầu tư vào vùng Hồ Núi Cốc và sườn đông Tam Đảo – những lĩnh vực và khu vực có tiềm năng của địa phương – để kêu gọi đầu tư. Địa phương cũng sẽ ưu tiên các nhà đầu tư có tiềm lực tài chính, các dự án có sản phẩm có tính cạnh tranh cao, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái và phát triển bền vững. Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp những dự án có quy mô lớn, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất. Kiên quyết từ chối các dự án sử dụng lãng phí tài nguyên, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
Để đạt được mục tiêu trên, UBND tỉnh đã đề ra các nhóm giải pháp chính, trong đó, sẽ tăng cường công tác hỗ trợ doanh nghiệp; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, góp phần cải cách hành chính, xây dựng nền hành chính hiện đại, nâng cao hiệu quả chất lượng phục vụ nhà đầu tư; giúp cho nhà đầu tư khai thác các dịch vụ hành chính công được thuận tiện, dễ dàng, nhanh chóng, tiết kiệm chi phí, giảm phiền hà cho nhà đầu tư.
Đối với các dự án đang triển khai theo kế hoạch, tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, chính quyền cấp huyện làm việc trực tiếp với nhà đầu tư để thống nhất các nội dung liên quan về trách nhiệm, thẩm quyền giải quyết những khó khăn, vướng mắc, xây dựng kế hoạch, lộ trình triển khai cụ thể.
Đặc biệt, địa phương sẽ tiếp tục củng cố, tăng cường và làm sâu sắc thêm các mối quan hệ hợp tác toàn diện giữa tỉnh với các địa phương nước ngoài đã thiết lập quan hệ hợp tác (như: tỉnh Luông Pha Băng - CHDCND Lào; tỉnh Gyeongsangbuk-do - Hàn Quốc);… đồng thời chủ động kết nối, xúc tiến việc mở rộng quan hệ hợp tác với các địa phương nước ngoài khác (trọng tâm được lựa chọn là thành phố Poitiers - Cộng hòa Pháp; tỉnh Lower Silesia - Cộng hòa Ba Lan...).
Thông qua các hoạt động gặp gỡ, xúc tiến đầu tư giữa lãnh đạo cao cấp của tỉnh với các tập đoàn, công ty lớn trên thế giới; các chương trình đối thoại, hội nghị với các doanh nghiệp FDI; các hoạt động quảng bá, xúc tiến đầu tư nhân dịp các đoàn công tác của tỉnh thăm, làm việc ở nước ngoài... cùng là những nhóm giải pháp nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư của tỉnh Thái Nguyên trong năm 2020.