Thu hút đầu tư hạ tầng logistics
Cùng với sự phát triển của các ngành kinh tế, hoạt động logistics trên địa bàn Hà Nội đang phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, hạ tầng dịch vụ logistics vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu và cần được tập trung đầu tư nhiều hơn.
Cùng với sự phát triển của các ngành kinh tế, hoạt động logistics trên địa bàn Hà Nội đang phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, hạ tầng dịch vụ logistics vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu và cần được tập trung đầu tư nhiều hơn.
Tăng quy mô và tính chuyên nghiệp
Sau gần bốn tháng được Bộ Giao thông vận tải ban hành quyết định về việc mở cảng cạn, ngày 1-8-2020, ICD Long Biên (số 1 đường Huỳnh Tấn Phát, Khu công nghiệp Sài Đồng B, quận Long Biên) do Công ty CP Hateco Logistics làm chủ đầu tư đã đi vào hoạt động. Cảng có tổng diện tích lên tới 120 nghìn m2, hoạt động 24 giờ trong ngày và bảy ngày trong tuần, được trang bị sân bãi kiểm hóa hải quan có sức chứa cùng lúc hơn 100 xe công-ten-nơ và được Tổng cục Hải quan đầu tư trang bị hệ thống máy soi hiện đại di động Eagle M60. Hàng hóa từ nước ngoài về sẽ được vận chuyển thẳng tới cảng cạn Long Biên và mở tờ khai tại đây, giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, tối ưu các loại chi phí, giảm đầu mối tiếp xúc và ùn tắc ở cảng biển, cửa khẩu. Từ địa điểm này, hàng hóa cũng dễ dàng di chuyển đến trung tâm TP Hà Nội, cảng biển quốc tế Hải Phòng, sân bay quốc tế Nội Bài, các tỉnh, thành phố lân cận Hà Nội.
Từ trước đó, Công ty CP Hateco Logistics cũng đã cung cấp các dịch vụ logistics như thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu, vận tải, kho bãi, phân phối, vận chuyển hàng hóa, thông quan hàng chuyển phát nhanh, bưu chính và thương mại điện tử, giao nhận vận tải quốc tế,… Đơn vị này đã trở thành đối tác cho nhiều doanh nghiệp lớn như Công ty CP Dịch vụ hàng hóa hàng không Việt Nam, Lazada Express, sàn thương mại điện tử Shopee, Giao hàng nhanh, Ninja Van, Trường Hải Auto… Tổng giám đốc Công ty CP Hateco Logistics Đinh Duy Linh cho biết, nhu cầu về dịch vụ logistics ngày càng lớn nên đơn vị đang tập trung phát triển lĩnh vực này theo hướng hiện đại, tích hợp và áp dụng công nghệ 4.0 nhằm nâng cao hiệu quả, giảm chi phí cho doanh nghiệp.
Là một thị trường năng động, Hà Nội đang là điểm đến mà nhiều doanh nghiệp logistics lớn trên thế giới quan tâm đầu tư. Nhà cung cấp dịch vụ chuyển phát nhanh hàng đầu thế giới DHL Express đã khai trương Trung tâm khai thác phía đông Hà Nội với tổng diện tích 5.800 m2, vốn đầu tư 143 tỷ đồng, trong đó có 55% diện tích được sử dụng cho mục đích khai thác. Trung tâm này được trang bị các thiết bị hiện đại nhằm tối ưu hóa các quy trình và gia tăng xử lý hàng hóa, sẵn sàng hỗ trợ các hoạt động giao thương giữa Việt Nam với toàn thế giới.
Thu hút đầu tư vào các dự án hạ tầng logistics
Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Lê Hồng Thăng cho biết, hoạt động logistics đang ngày càng khẳng định vai trò, vị trí trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội. Trên địa bàn Hà Nội hiện có khoảng 25 nghìn doanh nghiệp hoạt động logistics với các quy mô, cấp độ, loại hình, ngành nghề dịch vụ khác nhau. Thời gian qua, thành phố đã quan tâm, phát triển hạ tầng logistics. Đến nay, trên địa bàn có hai trung tâm logistics đang hoạt động tại Khu công nghiệp Sài Đồng B, quận Long Biên và tại ga Yên Viên, huyện Gia Lâm. Ba dự án đầu tư xây dựng hạ tầng dịch vụ logistics đã được chấp thuận chủ trương đầu tư gồm Cảng cạn ICD Cổ Bi, Cảng cạn ICD Đức Thượng, Trung tâm khai thác vận chuyển khu vực phía bắc. Chín dự án đã được nhà đầu tư đề xuất và đang hoàn thiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư như Trung tâm logistics hạng I tại huyện Sóc Sơn, Trung tâm logistics hạng II tại đô thị vệ tinh Phú Xuyên… Cảng cạn ICD kết hợp cảng đường thủy Khuyến Lương đang được mời gọi nghiên cứu lập đề xuất dự án đầu tư. Thành phố cũng triển khai nhiều chương trình, hoạt động nâng cao nhận thức, hiểu biết cho cộng đồng doanh nghiệp về khuyến khích sử dụng dịch vụ logistics thuê ngoài, sử dụng giá trị gia tăng trong quá trình lưu thông sản phẩm hàng hóa như: truy xuất trực tuyến hành trình vận chuyển, định vị GPS chính xác địa điểm lô hàng, dự kiến thời gian giao nhận hàng...
Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng logistics trên địa bàn còn nhiều hạn chế, chưa đồng bộ, chi phí cho logistics còn cao. Các doanh nghiệp của Hà Nội chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, sự kết nối giữa doanh nghiệp vẫn còn yếu, tự làm logistics là chính, ít thuê ngoài. Mặc dù lĩnh vực logistics được thành phố ưu tiên phát triển, nhưng các chính sách, cách thức hỗ trợ do Trung ương quy định còn chưa rõ ràng về cơ chế để áp dụng. Các dự án logistics đã được quy hoạch, đã có chủ đầu tư, nhưng tiến độ đầu tư xây dựng còn rất chậm…
Mới đây, tại cuộc làm việc giữa Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội với Ban Cán sự đảng Bộ Công thương, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ đã đề nghị Bộ Công thương phối hợp các bộ, ngành liên quan hỗ trợ thành phố triển khai có hiệu quả đề án “Quản lý và phát triển hoạt động logistics trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2025”, đào tạo nguồn nhân lực logistics; thu hút đầu tư để phát triển hạ tầng logistics, xây dựng và nâng cao năng lực mạng lưới dịch vụ vận chuyển, giao nhận hàng hóa trong địa bàn Hà Nội và với các địa phương khác trong cả nước… Thành phố sẽ tiếp tục đẩy mạnh kêu gọi, thu hút đầu tư cho lĩnh vực này, phấn đấu đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 sẽ phát triển thêm 12 trung tâm logistics, góp phần đưa Hà Nội trở thành trung tâm thương mại và giao dịch quốc tế của vùng và cả nước.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tranghanoi-tin-chung/thu-hut-dau-tu-ha-tang-logistics-616307/