Thu hút đầu tư từ quỹ đất 'sạch'

PTĐT - Huyện Cẩm Khê được Nhà nước và tỉnh đồng ý chủ trương đầu tư dự án xây dựng, kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp (KCN), thúc đẩy phát triển hệ thống hạ tầng cơ sở, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Để triển khai hiệu quả dự án, huyện đã nỗ lực thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB), tạo quỹ đất 'sạch' để giao cho các nhà đầu tư triển khai thực hiện các dự án (DA) đảm bảo tiến độ đề ra.

Công ty LeeHo Vina chuyên sản xuất kinh doanh các sản phẩm sợi thủy tinh, có diện tích sử dụng 2ha đã đi vào hoạt động, giải quyết việc làm cho nhiều lao động tại địa phương.

Công ty LeeHo Vina chuyên sản xuất kinh doanh các sản phẩm sợi thủy tinh, có diện tích sử dụng 2ha đã đi vào hoạt động, giải quyết việc làm cho nhiều lao động tại địa phương.

Theo Quyết định số 1163/QĐ-UBND của UBND tỉnh và Văn bản số 1534/TTg-CN của Thủ tướng Chính phủ về chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Cẩm Khê với quy mô diện tích 450ha thuộc địa bàn các xã: Sơn Nga, Sai Nga, Thanh Nga, Xương Thịnh; dự án KCN Cẩm Khê với tổng mức đầu tư gần 2,5 nghìn tỷ đồng được phân làm 4 giai đoạn (từ năm 2017 đến năm 2023) và chủ đầu tư là Liên doanh Công ty cổ phần Ao Vua và Công ty cổ phần xây dựng Đức Anh. Ông Nguyễn Chí Lợi - Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Khê cho biết: Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ GPMB vẫn còn gặp một số khó khăn, nhận thức của một bộ phận người dân về thực hiện chủ trương xây dựng KCN còn hạn chế, vẫn còn tình trạng người dân có tư tưởng lợi dụng chế độ chính sách của Nhà nước về bồi thường, hỗ trợ tái định cư để trục lợi, gây ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện GPMB... Trước những khó khăn đó, UBND huyện đã tập trung nghiên cứu, tìm nguyên nhân để chỉ đạo gỡ từng nút thắt. Tích cực tuyên truyền, vận động nhằm tạo sự đồng thuận cao của nhân dân trong việc chấp thuận phương án bồi thường và bàn giao mặt bằng “sạch”, đảm bảo tiến độ cho các nhà đầu tư.Huyện đã tập trung chỉ đạo đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác dân vận; phối hợp tốt với các tổ chức, đoàn thể để thực hiện tuyên truyền vận động, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng cơ quan chuyên môn trong việc chủ trì, phối hợp và cung cấp các thông tin về dự án, hồ sơ… cho MTTQ và các đoàn thể nghiên cứu, thực hiện tuyên truyền, vận động nhân dân, thành lập tổ tuyên truyền vận động trong công tác GPMB, nắm tình hình và giám sát các khâu, trình tự GPMB ngay từ ban đầu; trực tiếp gặp gỡ, đối thoại với các hộ dân, nghe các kiến nghị, vướng mắc của nhân dân để phản ánh kịp thời đến chính quyền giải quyết. Huyện đặc biệt quan tâm thực hiện chế độ, chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư…, trong đó chú trọng khảo sát giá, đánh giá giá trị thửa đất cũng được thực hiện thận trọng, chính xác, đúng chính sách và sát với thực tế thị trường.Với hàng loạt các giải pháp, năm 2019 huyện đã thu hồi được trên 309ha của gần 1.400 hộ dân; đã tổ chức chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho các tổ chức, cá nhân với số tiền 62,9 tỷ đồng; bàn giao 130ha mặt bằng sạch cho các nhà đầu tư đúng tiến độ, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công và hoàn thành các công trình dự án trọng điểm, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Khu công nghiệp Cẩm Khê đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng.

Khu công nghiệp Cẩm Khê đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng.

Để thu hút nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn triển khai các dự án, mở ra cơ hội phát triển hạ tầng, kinh tế - xã hội tại địa phương, thời gian qua, huyện đã triển khai các cơ chế chính sách, quan tâm cải thiện môi trường đầu tư; hoàn thành xây dựng Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung đến năm 2023, phương hướng phát triển đến năm 2030 và hoàn thiện thủ tục, hồ sơ quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000 tại Quyết định số 335/QĐ-UBND; phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch, hoàn thành rà soát các quy hoạch trên địa bàn, tạo nền tảng để thu hút đầu tư, nhất là tạo quỹ đất triển khai các dự án. Trong thời gian tới, huyện tiếp tục thực hiện tốt công tác quy hoạch, điều chỉnh nhu cầu sử dụng đất phù hợp với yêu cầu phát triển, đề xuất sử dụng đất của các nhà đầu tư dự án; điều chỉnh bổ sung quy hoạch sử dụng đất trên địa bàn.Với cơ chế “cởi trói” cho DN, hiện nay, huyện đã thu hút được các tập đoàn lớn đang triển khai một số dự án như: Dự án sản xuất kinh doanh các sản phẩm sợi thủy tinh của Công ty TNHH LEEHO VINA; gia công sợi Polypropylene và dây đai dẹt bản hẹp của Công ty TNHH Shin Sung VINA; nhà máy sản xuất gia công và kinh doanh may mặc của Công ty TNHH thời trang Raindrop Việt Nam; gia công tay nắm cửa, tay nắm cửa sổ, bản lề cửa của Công ty TNHH Dynamic Hardware Việt Nam; sản xuất viên gỗ nén, dăm gỗ, mùn cưa để xuất khẩu của Công ty TNHH UJU Vina Phú Thọ; sản xuất Panel, PU,EPS của Công ty TNHH Cosmos.Để hỗ trợ doanh nghiệp, huyện đã có nhiều giải pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, trong đó tập trung vào các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư mở rộng sản xuất, đăng ký thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa để tạo nên sản phẩm cạnh tranh có chất lượng cao; công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quỹ đất nhằm minh bạch việc tiếp cận nguồn lực đất đai, mặt bằng sản xuất, bảo đảm cơ sở cho việc giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất. Hạ tầng giao thông được đặc biệt quan tâm, việc quy hoạch các tuyến giao thông trong huyện, kết nối các tuyến đường với quốc lộ, tỉnh lộ, đường cao tốc được tiến hành đồng bộ, tạo ra sức hút thu hút các nhà đầu tư đến với huyện. Ông Nguyễn Chí Lợi khẳng định: Để tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhằm nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư, trong thời gian tới, huyện sẽ tập trung thu hút đầu tư vào lĩnh vực trọng tâm, theo bốn khâu đột phá mà Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đã đề ra: Huy động nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội then chốt, phát triển nguồn nhân lực, phát triển du lịch và cải cách hành chính. Tuy nhiên, cũng theo ông Lợi, chủ trương chung của huyện là thu hút đầu tư nhưng tuyệt đối không đánh đổi với môi trường. Cùng với đó, huyện tiếp tục thực hiện có hiệu quả chương trình, kế hoạch cải cách hành chính, nhất là các thủ tục hành chính ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của doanh nghiệp như đất đai, xây dựng, thuế, bảo hiểm... Thường xuyên tổ chức đối thoại giữa chính quyền với doanh nghiệp; nâng cao hiệu quả hoạt động tiếp nhận và xử lý thông tin, qua đó kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp; tăng cường công tác tuyên truyền, đào tạo lao động tại địa phương. Tăng cường sự năng động của các cấp, các ngành trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội gắn với môi trường đầu tư kinh doanh hấp dẫn.

Hoàng Quý

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/kinh-te/201909/thu-hut-dau-tu-tu-quy-dat-sach-166764