Thu hút du khách từ văn hóa tín ngưỡng
'Thấy ông vào làng, như thấy vàng trong tủ' câu ví đó từ dân gian nói lên một điều ngư dân vùng biển tin rằng người nào gặp được 'ông lụy' sẽ được nhiều ơn lộc trời ban, những chuyến ra khơi luôn đầy khoang cá. Cả làng được ấm no, tai qua nạn khỏi… Ở Bình Thuận bờ biển trải dài hơn 192 cây số, nhưng không phải nơi đâu cũng thấy 'ông lụy' mà chỉ một số địa phương người dân thường gặp 'ông lụy' và họ đã chôn và lập miếu (lăng) thờ cá ông một cách tôn nghiêm. Trong số hàng chục lăng, miếu thờ cá ông của ngư dân Bình Thuận phải kể đến lăng cá ông ở Vạn Thủy Tú (Phan Thiết) thờ hơn 100 bộ cốt cá ông, trong đó có bộ xương cá ông lớn nhất Việt Nam và cả vùng Đông Nam Á vẫn còn nguyên vẹn có chiều dài 22m, nặng khoảng 65 tấn; lăng thờ ông Nam Hải ở Phú Quý cũng có gần 100 bộ xương cá ông và các loại cá lớn khác; hay miếu thờ ông Nam Hải ở Tuy Phong, thờ cá ông ở Mũi Né, La Gi… nơi có nhiều 'ông lụy' dạt vào bờ biển được ngư dân chôn cất và thờ xương cốt hàng trăm năm nay.
Thu hút du khách từ văn hóa tín
Thờ cá ông (còn gọi cá voi xám, cá nhà táng) là một tín ngưỡng dân gian của ngư dân miền biển vùng duyên hải miền Trung và miền Nam. Ngư dân vạn chài còn gọi cá ông là Thần Nam Hải, tại các vạn chài ai phát hiện cá ông mắc cạn (ông lụy) thì bổn phận phải chôn cất, để tang ông như để tang cha mẹ mình. Xác cá ông được liệm bằng vải đỏ và chôn ở đụn cát gần biển. Khoảng bốn năm sau khi chôn dân làng cải táng, thường làm vào mùa xuân sang hè rồi đem cốt cho nhập lăng. Giới khoa học giải thích rằng khi giông tố nổi lên cá ông bị sóng biển đẩy vào bờ dễ mắc cạn, cá theo thuyền tìm vật cọ xát, che chắn tránh sóng biển. Hiện tượng song hành này ngư dân cho là cá ông giúp khi thuyền gặp nạn trên biển. Vì vậy, việc thờ cá ông là một tín ngưỡng phổ biến của các vạn chài và có từ lâu đời của ngư dân vùng biển.
Du khách tham quan trưng bày bộ xương cá ông tại Vạn Thủy Tú
Tương truyền vào thời nhà Nguyễn có nhiều câu chuyện liên quan đến cá ông của vua Gia Long khi chạy trốn quân Tây Sơn. Lúc thắng trận vua Gia Long đã phong tặng cá ông là Nam Hải Đại Tướng quân và cho lập lăng thờ cúng, sắc phong. Việc cá ông cứu ghe thuyền trên biển cũng được lưu truyền trong cộng đồng cư dân miền biển bằng những câu chuyện mang màu sắc huyền thoại như: Cá ông là tiền thân của đức Quan Thế Âm Bồ Tát; đức phật này đã có lần hóa thân để cứu khổ chúng sanh. Những câu chuyện huyền thoại đã ảnh hưởng sâu sắc về lòng nhân ái, đức hy sinh trong tâm thức của người dân vùng biển. Đối với họ khi lênh đênh trên biển cả, gặp bão tố nguy hiểm, lúc đó cá ông trở thành chỗ dựa tinh thần trong niềm tin của họ. Ở các vùng biển Bình Thuận hàng năm người dân làng chài chọn ngày “ông lụy” làm lễ cúng giỗ theo nghi thức nghinh ông và thường được lồng ghép với lễ hội cầu ngư. Đây là dịp để bày tỏ lòng biết ơn của ngư dân đối với một sinh vật “thiêng” ở biển mà trong tâm thức của họ chứa đựng một niền tin tuyệt đối về sự cứu giúp của cá ông khi gặp nạn trên biển. Lễ hội Nghinh Ông thể hiện bản sắc văn hóa dân gian riêng biệt của ngư dân vùng biển Bình Thuận.
Ngày nay, các lăng, miếu thờ thần Nam Hải ở Bình Thuận được bài trí nhiều bộ xương cá ông cỡ lớn còn nguyên vẹn, phòng trưng bày rộng rãi, khang trang để du khách thập phương đến tham quan, tìm hiểu. Hàng năm các vạn chài cũng tổ chức lễ hội trong ngày giỗ thần Nam Hải, cũng là dịp cuốn hút du khách vùng Tây nguyên, những địa phương không có biển… hòa nhịp với đời sống tín ngưỡng, hoạt động văn hóa dân gian của làng chài Bình Thuận.
Sông Hương