Thu hút FDI cần bình đẳng với khu vực kinh tế trong nước
Khẳng định vai trò quan trọng của khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (ĐTNN - FDI) nhưng theo các chuyên gia, cần tạo một môi trường bình đẳng với khu vực kinh tế trong nước.
Quy mô khu vực FDI ngày càng tăng
Nằm trong khuôn khổ đề tài “Khu vực kinh tế có vốn ĐTNN trong tư duy tiếp cận và định hướng phát triển mới” thuộc Chương trình Khoa học và Công nghệ cấp quốc gia “Nghiên cứu khoa học lý luận chính trị giai đoạn 2021 - 2025”, Trường Đại học Kinh tế (ĐHKT), Đại học Quốc gia Hà Nội vừa tổ chức Hội thảo khoa học “Khu vực kinh tế có vốn ĐTNN ở Việt Nam: Thực trạng phát triển và hàm ý chính sách”.
Chia sẻ tại Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Anh Thu, Phó Hiệu trưởng Trường ĐHKT, Chủ nhiệm đề tài khẳng định: “Kết quả ấn tượng mà Việt Nam đạt được kể từ khi bắt đầu đổi mới và có Luật Đầu tư trực tiếp nước ngoài đầu tiên năm 1987 là sự gia tăng quy mô đáng kể của khu vực kinh tế có vốn ĐTNN với sự hiện diện của ngày càng nhiều doanh nghiệp (DN) FDI…”.
Theo PGS.TS Nguyễn Anh Thu, sự gia tăng này không chỉ về nguồn vốn đăng ký mà cả nguồn vốn thực hiện, không chỉ về số lượng và về cả chất lượng. Tính đến ngày 20/3/2024, tổng vốn FDI đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần mua phần góp vốn của nhà ĐTNN đạt hơn 6,17 tỷ USD tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2023. Riêng vốn thực hiện 3 tháng đầu năm 2024 đạt 4,63 tỷ USD, bằng 107% so với năm 2023.
“Sự gia tăng về vốn và số lượng dự án là rõ nét, song những chiều cạnh khác về thực trạng của khu vực có vốn ĐTNN, đặt trong mối liên hệ với khu vực kinh tế nhà nước và khu vực kinh tế tư nhân mới thực sự giúp chúng ta có được bức tranh tổng thể về vai trò và những đóng góp của khu vực kinh tế có vốn ĐTNN đối với Việt Nam…” - PGS.TS Nguyễn Trúc Lê, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐHKT nhấn mạnh.
Liên kết khu vực FDI với kinh tế nội địa
Đánh giá về chất lượng khu vực có vốn ĐTNN, PGS.TS Đào Ngọc Tiến, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương nhận xét, về kinh tế, khu vực FDI có những đóng góp nhất định, nhưng chưa thể hiện được tác động rõ ràng về tính bền vững và hiệu quả hoạt động. Về xã hội, khu vực FDI chưa tác động rõ ràng và vượt trội so với các khu vực khác. Còn về môi trường, tiềm năng của khu vực FDI lớn nhưng quy mô còn hạn chế. Do đó, chuyên gia này kiến nghị, việc thu hút FDI có chọn lọc là cần thiết để nâng cao chất lượng khu vực FDI theo định hướng phát triển của nền kinh tế. “Trong bối cảnh hiện nay, chất lượng FDI nên ưu tiên hướng đến phát triển kinh tế bền vững và tăng trưởng xanh. Cần tăng cường thực thi các tiêu chuẩn lao động đối với tất cả các DN trong bối cảnh hội nhập. Ngoài ra, tiêu chí lựa chọn FDI nên hướng đến nhà đầu tư (các công ty đa quốc gia) và lĩnh vực đầu tư (FDI xanh), từ đó thay đổi cách thức xúc tiến đầu tư…” - PGS.TS Đào Ngọc Tiến nêu quan điểm.
Theo GS. TSKH Nguyễn Quang Thái, Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển Việt Nam, đến nay đã có 56/63 tỉnh, thành phố có dự án đầu tư cấp mới, tăng vốn đầu tư và góp vốn, mua cổ phần tại Việt Nam. Trong đó, Quảng Ninh thu hút nhiều vốn FDI nhất với tổng số vốn đạt 3,11 tỷ USD, chiếm 10,8% tổng vốn đầu tư. Tiếp đến là TP Hồ Chí Minh với tổng số vốn đạt 3,08 tỷ USD, chiếm 10,7% tổng vốn đầu tư; Hải Phòng với tổng vốn đạt 2,9 tỷ USD, chiếm gần 10% tổng vốn đầu tư cấp mới. Nhược điểm lớn nhất của khu vực này là ưu đãi FDI hơn DN tư nhân nội địa về thuế, điều kiện thuê đất.
“FDI là một bộ phận không tách rời của nền kinh tế Việt Nam từ năm 1988 đến nay. Vị trí của khu vực FDI ngày càng quan trọng trong nền kinh tế trên các khía cạnh tăng nguồn vốn, tăng lợi nhuận và doanh thu xuất khẩu, tăng thu hút lao động... Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, cần đổi mới tư duy phát triển và công tác quản lý khu vực FDI, gắn bó kinh tế Việt Nam với kinh tế thế giới trong chủ động hội nhập kinh tế quốc tế…” - chuyên gia đưa ra lời khuyên.
Theo đó, cần tăng cường liên kết khu vực FDI với kinh tế nội địa, kể cả DN nhỏ và vừa nội địa bằng nhiều giải pháp chính sách như: Cải thiện môi trường đầu tư; Phát triển mạnh công nghiệp hỗ trợ của DN tư nhân nội địa quy mô vừa và nhỏ; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, ứng dụng kinh tế số và hệ thống hạ tầng kinh tế…
“Vấn đề đặt ra là cần làm gì để tăng chất lượng khu vực kinh tế có vốn ĐTNN có thời gian tới? Mối quan hệ với khu vực kinh tế trong nước như thế nào?” - PGS.TS Nguyễn Anh Thu lưu ý.
Theo chuyên gia đến từ Trường ĐHKT, thu hút nguồn vốn nước ngoài nhưng cần tạo một môi trường bình đẳng với khu vực kinh tế trong nước. “Cần gắn kết khu vực kinh tế có vốn ĐTNN với khu vực trong nước thông qua các chiến lược và chính sách cụ thể, đặc biệt là phát triển ngành công nghiệp phụ trợ, hợp tác chiến lược với các nước dẫn dắt chuỗi giá trị. Cùng với đó, hỗ trợ các DN trong nước nâng cao năng lực, để từ đó nâng cao năng lực hấp thụ vốn/công nghệ từ DN FDI…” - PGS.TS Nguyễn Anh Thu đề xuất.