Thu hút FDI - cần cách làm mới

Đại diện Samsung Việt Nam vừa lên tiếng khẳng định thông tin về việc Samsung có thể chuyển một phần nhà máy sản xuất điện thoại thông minh (smartphone) từ Việt Nam sang Ấn Độ là không đúng sự thật.

Đại diện Samsung cho biết, hiện các nhà máy sản xuất smartphone của Samsung đặt tại Bắc Ninh và Thái Nguyên đang hoạt động bình thường và Samsung Việt Nam tiếp tục là trung tâm sản xuất toàn cầu của tập đoàn Samsung.

Thông tin này đã bước đầu làm nhẹ gánh âu lo trong bối cảnh nền kinh tế đang rất khó khăn, mà Samsung lại là nhà đầu tư nước ngoài (FDI) lớn nhất vào Việt Nam với tổng vốn đầu tư đã trên 17,3 tỷ USD. Không chỉ đóng góp lớn về kinh tế, Samsung Việt Nam còn đang tạo công ăn việc làm ổn định cho 130.000 người lao động.

Ấn Độ đang “chào mời” những tập đoàn công nghệ khổng lồ bằng các ưu đãi lớn chưa từng có. Cách đây hơn 1 tháng, nước này công bố gói chính sách ưu đãi sản xuất đặc biệt, trị giá 5,5 tỷ USD để hỗ trợ 5 công ty sản xuất smartphone có vốn đầu tư lũy kế trong 4 năm (tính từ tháng 4-2020) trên 133 triệu USD và có doanh thu tăng trưởng qua từng năm.

Khoản hỗ trợ được chi trả bằng tiền mặt, cho các dòng sản phẩm cao cấp, có giá trên 200 USD/chiếc. Tính ra, những doanh nghiệp như Apple hoặc Samsung có thể nhận được mức hỗ trợ cao nhất lên tới 1,1 tỷ USD trong vòng 5 năm, tức là khoảng 220 triệu USD/năm.

Rất có thể đây là một trong những lý do quan trọng khiến Apple tạm ngừng kế hoạch lắp ráp iPhone tại Việt Nam, bên cạnh lý do chính thức là “chưa đáp ứng yêu cầu về ký túc xá của công nhân”. Chuyên gia, luật sư Nguyễn Trần Bạt, nhà sáng lập Invest Consult Group, công ty tư vấn về đầu tư tại Việt Nam, thẳng thắn nhận định: “Nền kinh tế Việt Nam chưa thể so sánh được với Ấn Độ, trong đó không thể không kể tới yếu tố nhân lực”. Để thu hút đầu tư thì các chính sách ưu đãi mới chỉ là điều kiện cần. Những nhà đầu tư lớn, nhất là trong lĩnh vực công nghệ, luôn tìm kiếm con người có giáo dục, có năng lực nghề nghiệp.

Thực tế, thu hút đầu tư bằng ưu đãi tài chính là không mới và Việt Nam cũng từng áp dụng thành công với khoản hỗ trợ tài chính 70 triệu USD cho Intel 14 năm trước đây. Sau khi Intel vào Việt Nam, hàng loạt tập đoàn công nghệ lớn như: Samsung, LG, Kyocera, Microsoft, Bosch, Canon, Jabil Circuit Inc, Nidec, Fuji Xerox... đã nối gót. Nhưng lần này, với cú “chơi lớn” của Ấn Độ, có lẽ Việt Nam, dù cũng đang là một trung tâm sản xuất smartphone lớn trên toàn cầu (với kim ngạch xuất khẩu năm 2019 là 51,38 tỷ USD và 7 tháng đầu năm nay đạt 25,7 tỷ USD), phải tìm cách đi khác.

GS-TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, cho biết, cách đây vài năm, khi Samsung mở nhà máy quy mô lớn tại Ấn Độ, đã có những e ngại về việc tập đoàn sản xuất smartphone lớn nhất toàn cầu này sẽ dịch chuyển sản xuất sang Ấn Độ. Tuy nhiên, thực tế phần lớn năng lực sản xuất của nhà máy ở Ấn Độ chỉ để phục vụ thị trường gần 1,4 tỷ dân của nước này (số liệu ngày 19-8 của Liên hiệp quốc); chỉ một tỷ lệ không lớn dành cho xuất khẩu.

Trong khi đó, ở Việt Nam, theo lãnh đạo Samsung, bên cạnh sản xuất, tập đoàn này còn tập trung vào lĩnh vực nghiên cứu và phát triển (R&D). Trung tâm R&D ở Hà Nội hiện đang trong quá trình xây dựng, dự kiến được hoàn thành vào cuối năm 2022 và sẽ tăng quy mô nhân lực từ 2.200 người hiện nay lên 3.000 người, nhằm cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cần thiết để phát triển các công nghệ mới như: 5G, AI, Big Data…

Nếu nắm bắt được chiến lược, chính sách của nhà đầu tư; nhìn nhận đúng và có giải pháp hiệu quả để khắc phục những khiếm khuyết trong môi trường đầu tư, Việt Nam vẫn có thể tiếp tục được lựa chọn. Việt Nam vốn có nhiều ưu thế nổi trội, như chống dịch tốt; chính trị, xã hội ổn định; Chính phủ luôn nhất quán quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh…

Việt Nam cũng đang xây dựng chiến lược mới về thu hút FDI. Nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi vượt trội đang được nghiên cứu đồng thời với công tác chuẩn bị sẵn sàng về hạ tầng, đất đai, nguồn nhân lực để đáp ứng tốt nhất nhu cầu của nhà đầu tư. Nếu chiến lược đó sớm được hiện thực hóa, Việt Nam vẫn sẽ có nhiều cơ hội giữ chân và thu hút thêm nhà đầu tư lớn đến với mình.

ANH THƯ

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/thu-hut-fdi-can-cach-lam-moi-681225.html