Thu hút FDI còn thấp vì tính liên kết chưa hiệu quả
Thời gian qua, hoạt động thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã có nhiều kết quả đáng ghi nhận, tác động nhiều mặt kinh tế-xã hội nhưng vẫn chưa đạt so với mục tiêu kỳ vọng bởi nhiều nguyên nhân.
Hoạt động thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ đầu năm đến 20/11 đạt hơn 29 tỷ USD; Vốn FDI thực hiện tại Việt Nam đạt hơn 20 tỷ USD - tăng gần 3% so với cùng kỳ trước. Nếu tính vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm vào Việt Nam, Hong Kong (Trung Quốc) dẫn đầu, thứ 2 là Hàn Quốc, thứ 3 là Trung Quốc.
Lũy kế từ năm 1987 - thời điểm Việt Nam có Luật Đầu tư nước ngoài FDI, đến 20/11 năm nay, đã có 143 quốc gia, vùng lãnh thổ tới đầu tư tại Việt Nam với hơn 38.800 dự án, tổng vốn đăng ký hơn 462 tỷ USD; Hàn Quốc là quốc gia dẫn đầu số vốn đăng ký đầu tư và vốn thực hiện tại Việt Nam, tiếp theo là Singapore, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc). So sánh trong khu vực, Việt Nam chiếm khoảng 10% tổng vốn FDI vào ASEAN, xếp sau Singapore và Indonesia. Xu hướng các doanh nghiệp châu Âu đầu tư vào Việt Nam cũng đang ngày càng tích cực.
PGS.TS Nguyễn Anh Thu, Phó Hiệu trưởng Đại học kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội và ông Nguyễn Hải Minh – Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) nhìn nhận:
“Việt Nam là điển hình hội nhập trên thế giới - độ mở cao nhất trên thế giới - không chỉ phát triển về mặt thương mại quốc tế mà điển hình thành công hút vốn FDI. FDI vào Việt Nam con số rất lớn, đóng góp về GDP, đóng góp đặc biệt về xuất khẩu, tạo công ăn việc làm và rất nhiều vấn đề khác. Bản thân các DN Việt Nam cũng đã nhận được những giá trị lan tỏa từ các doanh nghiệp FDI”.
“Ở Việt Nam, những động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế đang giữ được mức độ khá là tích cực, hay những thay đổi tích cực trong khung chính sách của Việt Nam thời gian vừa qua. Đặc biệt là nỗ lực và các cam kết về cải cách, cam kết về đầu tư công. Đấy là động lực cho khối DN châu Âu có phần tự tin đầu tư”.
Ông Simon Kreye - Phó Đại sứ Cộng hòa Liên bang Đức tại Việt Nam đồng thuận quan điểm này và khẳng định, hiện có hơn 500 DN Đức đang đầu tư, phát triển tại Việt Nam. Xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng đã diễn ra, kể từ khi Việt Nam ký các Hiệp định thương mại tự do, song phương với các quốc gia EU và càng tăng cường kể từ khi các quốc gia này áp dụng chiến lược Trung Quốc + 1. Các DN Đức đã và đang hưởng lợi nhiều từ chính sách thu hút FDI của Việt Nam, nhưng tính liên kết của DN hai bên chưa được thể hiện nhiều.
“Chính phủ Việt Nam đã có nhiều chính sách hỗ trợ sự tham gia của các DN vừa và nhỏ trong các ngành công nghiệp và các chuỗi giá trị. Dù vậy, công ty của Việt Nam mới chỉ tham gia vào những thang bậc thấp trong chuỗi giá trị toàn cầu, chưa được kết nối đầy đủ với DN FDI. Làm được điều đó là mục tiêu rất quan trọng để các DN Việt Nam tăng cường năng lực sản xuất cũng như hội nhập sâu chuỗi cung ứng toàn cầu”, ông Simon Kreye nhận xét.
Tính liên kết chưa hiệu quả không phải là tất cả nguyên nhân dẫn đến mục tiêu thu hút FDI chưa đạt như kỳ vọng, nhưng đây được coi là nguyên nhân chính. Trong báo cáo mới được Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội công bố, các chuyện gia thuộc Viện dẫn nguồn số liệu của Cơ quan xúc tiến thương mại JETRO (Nhật Bản) cho thấy, chỉ hơn 37% trong tổng số hơn 350 DN FDI Nhật Bản mua nguyên liệu và thành phần thô đầu vào từ các DN Việt Nam - thấp hơn đáng kể so với Thái Lan, Indonesia, Singapore, Malaysia.
Tương tự là số liệu của VCCI cũng chỉ ra, phần lớn nguồn cung cho các DN FDI tại Việt Nam được nhập khẩu từ nước ngoài với gần 60%, hoặc từ các doanh nghiệp FDI khác với khoảng 34%, chỉ khoảng 20% sử dụng nguồn cung từ DN tư nhân Việt Nam và chỉ khoảng 4% sử dụng nguồn cung từ DN 100% vốn Nhà nước. Có nghĩa là, tình trạng thiếu kết nối giữa các DN FDI với các DN trong nước chưa được cải thiện, cho thấy, mục tiêu thu hút FDI chưa như kỳ vọng và tiềm ẩn những tác động khó lường, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế mới.
TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách cho rằng, yếu tố cần quan tâm đó là xu thế toàn cầu mới về sản xuất. Những yêu cầu đòi hỏi không chỉ là ISO 9000, hay 14000 liên quan đến môi trường mà phải là những tiêu chuẩn về trách nhiệm xã hội, chuyển dịch môi trường công bằng, chứng chỉ xanh…đòi hỏi sự nâng cấp.
“Tự thân các DN sẽ rất khó đáp ứng vế vốn, công nghệ. Do đó tiếp cận các khu vực công cần tích hợp trong các chính sách, vừa nhằm thu hút FDI, vừa hỗ trợ DN và thúc đẩy các ngành công nghiệp hỗ trợ. Nhất thiết phải thay đổi chính sách để đáp ứng bối cảnh mới”, TS. Nguyễn Quốc Việt nói.
Từ thực tiễn hiện nay, để đạt được mục tiêu, yêu cầu DN Việt phải tích cực, chủ động tăng cường liên kết với DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, nhưng cũng rất cần những tác động chính sách từ cấp vĩ mô. TS. Nguyễn Phương Bắc, Viện trưởng Nghiên cứu phát triển KT-XH Bắc Ninh – một trong những địa phương thu hút FDI nhiều nhất nước cho rằng, chính sách của Nhà nước cần phải thay đổi.
“Có 3 đột phá chiến lược là thể chế, cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực và cả 3 đột phá này Chính phủ đã xác định rất đúng và trúng. Về mặt thể chế, 1 DN đã được giấy phép vào Việt Nam nhưng muốn mở rộng quy trình thủ tục lại phải làm từ đầu là 1 cản trở. Về cơ sở hạ tầng nếu vẫn còn thiếu điện là câu chuyện đáng phải suy ngẫm. Đối với nguồn nhân lực, chương trình đào tạo hiện nay thường nhanh, ăn xổi, không gắn với kỹ năng đào tạo nên chưa đáp ứng được yêu cầu của DN đó là chưa kể năng lực ngoại ngữ thấp”, TS. Nguyễn Phương Bắc chỉ ra.
Các chuyên gia cũng khẳng định, cần quan tâm điều chỉnh chính sách hỗ trợ DN nhỏ và vừa tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị. Tổng quan các chính sách hiện hành cho thấy nhiều cố gắng của Chính phủ, nhưng vẫn còn bất cập. Công nghiệp hỗ trợ là hạng mục quan trọng thu hút FDI và tăng giá trị liên kết, nhưng chính sách thúc đẩy ngành này thời gian qua chưa hiệu quả, cần có thêm những chính sách đột phá.
Thời gian qua, Việt Nam tiếp tục các chương trình hoàn thiện thể chế, chính sách ưu đãi để thu hút FDI, phát triển kinh tế, chủ yếu là ưu đãi về thuế. Nhưng so với nhiều quốc gia khác, mức độ ưu đãi thuế đang cao, dẫn đến chi tiêu thuế của Việt Nam có xu hướng tăng, ảnh hưởng ngân sách, thể hiện sự bất bình đẳng giữa DN trong nước và DN FDI…
Đó là những vấn đề đáng quan tâm giải quyết để không chỉ tăng tính liên kết giữa DN Việt Nam với DN FDI, mà còn góp phần đạt mục tiêu chiến lược thu hút FDI của Chính phủ: Phát triển kinh tế, tăng thu ngân sách, giải quyết việc làm, tiếp thu khoa học công nghệ hiện đại và kỹ năng quản trị tiên tiến quốc tế.