Thu hút FDI thế hệ mới: Đổi mới xúc tiến đầu tư từ thụ động sang chủ động

Những định hướng chiến lược mới trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) giai đoạn tới đang đặt ra yêu cầu phải đổi mới phương thức xúc tiến đầu tư, từ thụ động sang chủ động.

Từ sự rút lui của một dự án tỷ USD…

Thông tin cách đây chưa lâu, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đã chính thức đề nghị Chính phủ, Bộ Công thương cho phép dừng Dự án Lọc dầu Nam Vân Phong (Khánh Hòa), với lý do là để “tập trung nguồn lực thực hiện các dự án khác có hiệu quả”.

Quyết định cuối cùng còn phụ thuộc vào Chính phủ, nhưng động thái này cho thấy, “cửa” cho dự án có quy mô vốn đầu tư dự kiến lên tới 8 tỷ USD này đã không còn, nhất là khi một số bộ, ngành Trung ương đã đồng tình với đề xuất của Petrolimex, rằng “không nên đầu tư dự án lọc dầu này nữa”.

Thu hút FDI thời gian qua đã đạt nhiều thành công, song Danh mục dự án kêu gọi đầu tư quốc gia chưa được như kỳ vọng. Đó là lý do phải đổi mới công tác xúc tiến đầu tư trong thời gian tới. Ảnh: Đức Thanh

Sẽ không có gì đáng nói, nếu dự án này không nằm trong danh mục 127 dự án quốc gia kêu gọi đầu tư nước ngoài, được Chính phủ ban hành từ năm 2014. Vào thời điểm đó, Lọc dầu Nam Vân Phong đã có chủ trương đầu tư được 6 năm, với vốn đầu tư dự kiến ban đầu là 4,4 - 4,8 tỷ USD, nhưng sau đó nâng lên 8 tỷ USD. Tuy nhiên, cho đến nay, Dự án vẫn đang giậm chân tại chỗ và bất thành trong kêu gọi đầu tư.

Sự rút lui của dự án tỷ USD này đã phần nào cho thấy, kế hoạch kêu gọi đầu tư nước ngoài thông qua Danh mục dự án kêu gọi đầu tư quốc gia khó trở thành hiện thực, dù thời hạn của danh mục này kéo dài tới cuối năm 2020, với 127 dự án và tổng vốn đầu tư muốn kêu gọi là gần 60 tỷ USD.

Thực tế, 4 năm trước đây, khi danh mục này được ban hành, rất nhiều kỳ vọng được đặt ra. Bởi khi ấy, đã có một sự cải cách lớn trong xây dựng danh mục, như tiếp cận theo ngành, chứ không phải theo địa phương như trước và cũng chỉ một số ngành được lựa chọn để tập trung thu hút đầu tư nước ngoài ở tầm quốc gia theo định hướng của Chính phủ trong giai đoạn tiếp theo.

Tuy nhiên, cho đến nay, giống như danh mục các dự án cần kêu gọi đầu tư nước ngoài trong các giai đoạn trước đó, không nhiều dự án trong Danh mục dự án kêu gọi đầu tư quốc gia gọi vốn thành công.

Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), khi tổng kết 30 năm thu hút FDI, đã nêu một thực tế rằng, danh mục dự án kêu gọi đầu tư nước ngoài ở cấp quốc gia và ở cả cấp ngành lẫn địa phương mới xuất phát từ nhu cầu của địa phương, hay của ngành, mà “chưa coi trọng nhu cầu của nhà đầu tư”, trong khi chưa cập nhật các thông tin mà nhà đầu tư cần như cấp điện, cấp nước, tình hình giao thông, công nghệ thông tin, logistics…

Đó chính là lý do nhiều dự án trong danh mục kêu gọi đầu tư, kể cả ở tầm quốc gia hay địa phương, không gọi vốn thành công. Thêm vào đó, theo ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, công tác xúc tiến đầu tư thời gian qua dù đã bước đầu chuyển sang giai đoạn chủ động, nhưng vẫn còn thiếu tính liên kết và phối hợp ở cả cấp trung ương và địa phương, nên còn chồng chéo và trùng lặp. “Các hoạt động xúc tiến đầu tư tuy đã triển khai theo hướng đối tác và lĩnh vực, nhưng vẫn còn dàn trải, phân tán nguồn lực”, ông Hoàng nói.

…đến đòi hỏi đổi mới công tác xúc tiến đầu tư

Những tồn tại, hạn chế trong công tác xúc tiến đầu tư thời gian qua đã khiến Cục Đầu tư nước ngoài cho rằng, tới đây, phải đổi mới triệt để hoạt động xúc tiến đầu tư, từ khung thể chế, mô hình hoạt động và tổ chức bộ máy, đến phương pháp tiếp cận, công cụ xúc tiến đầu tư và xây dựng thương hiệu quốc gia trong một chỉnh thể thống nhất…

“Hoạt động xúc tiến đầu tư cần thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, mang tầm quốc gia, đảm bảo tính liên ngành, liên vùng, bám theo chuỗi giá trị sản phẩm. Đối với những ngành, lĩnh vực ưu tiên hướng vào thu hút đầu tư của các tập đoàn xuyên quốc gia thì xúc tiến đầu tư vào các địa chỉ cụ thể, đáp ứng kịp thời đòi hỏi của nhà đầu tư về những thông tin cần thiết để họ quyết định thực hiện dự án tại Việt Nam”, đại diện Cục Đầu tư nước ngoài nhấn mạnh.

Điều quan trọng là, công tác xúc tiến đầu tư phải chú trọng từ nhu cầu ở cả hai phía, bao gồm cả nhu cầu của nhà đầu tư và nhu cầu của Việt Nam. Do vậy, Cục Đầu tư nước ngoài cho rằng, cũng cần nghiên cứu có hệ thống và thường xuyên về xu thế vận động của dòng vốn đầu tư nước ngoài trên thế giới và trong khu vực; xu thế phát triển của các chuỗi giá trị toàn cầu… để kịp thời điều chỉnh định hướng thu hút đầu tư vào ngành, lĩnh vực cho phù hợp.

Ở một phương diện khác, ông Kyle F. Kelhofer, Giám đốc quốc gia cấp cao Việt Nam, Campuchia và Lào của Công ty Tài chính quốc tế (IFC) cho rằng, cần hiện đại hóa công tác xúc tiến đầu tư, chuyển từ xúc tiến thụ động sang chủ động có mục tiêu. Theo đó, các chỉ số năng lực chính của Việt Nam về FDI cũng cần được thay đổi bằng cách chuyển từ báo cáo về số lượng dự án và giá trị vốn cam kết, giải ngân sang tăng cường báo cáo, theo dõi chất lượng vốn FDI tiếp nhận, tính theo công nghệ, mức độ đổi mới, giá trị gia tăng, khả năng củng cố chuỗi giá trị và khai thác nguồn cung trong nước…

“Cũng cần củng cố thể chế, xây dựng cơ quan xúc tiến đầu tư nước ngoài thế hệ mới, có thể tách chức năng quản lý nhà nước và xúc tiến đầu tư để thúc để thực hiện chiến lược thu hút FDI thế hệ mới”, ông Kyle đề xuất.

Về vấn đề này, ông Đỗ Nhất Hoàng cũng đồng tình việc phải thay đổi cách tiếp cận trong công tác xúc tiến đầu tư từ thụ động sang chủ động, nhất là ở những thị trường và lĩnh vực ưu tiên thu hút FDI. “Trong dài hạn, cũng có thể nghiên cứu áp dụng mô hình cơ quan xúc tiến đầu tư quốc gia, có sự kết hợp giữa Nhà nước và tư nhân, nhằm nâng cao năng lực quản trị”, ông Hoàng nói.

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/thu-hut-fdi-the-he-moi-doi-moi-xuc-tien-dau-tu-tu-thu-dong-sang-chu-dong-d89248.html