Thu hút FDI thế nào khi không còn được ưu đãi thuế

Nếu Việt Nam không có hành động kịp thời, việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu sẽ không chỉ gây ảnh hưởng tới thu hút vốn FDI mà còn làm mất đi quyền đánh thuế, thiệt hại về lợi ích.

Nhằm tăng cường tính công bằng trong nghĩa vụ đóng thuế của doanh nghiệp, hạn chế cuộc đua xuống đáy giữa các nền kinh tế, chính sách thuế tối thiểu toàn cầu chính thức được đưa ra vào cuối năm 2021. Trong đó, quy định thuế suất tối thiểu 15% sẽ được áp dụng kể từ năm 2024.

Với quy định này, nước đầu tư đánh thuế tối thiểu 15% đối với phần thu nhập được miễn, giảm thuế tại nước nhận đầu tư. Con số 15% cũng chỉ là mức ban đầu, sẽ tiếp tục được nâng lên trong thời gian tới để chính sách này đạt được tính công bằng đúng như kỳ vọng.

Hiện tại, nhiều quốc gia trên thế giới, bao gồm nước có nhiều doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài như khu vực châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc… hay các nước tiếp nhận nhiều vốn đầu tư như Malaysia, Indonesia… đã và đang bắt đầu xây dựng, đặt lộ trình thực thi các chính sách liên quan đến thuế tối thiểu toàn cầu

Thỏa thuận thuế của nhóm G7: Dấu chấm hết cho ‘cuộc đua xuống đáy’?

Nói chính sách thuế tối thiểu toàn cầu, ông Thomas McClelland, Phó tổng giám đốc phụ trách dịch vụ tư vấn thuế của Deloitte Việt Nam, cho biết, chính sách tác động tới Việt Nam rất “cấp bách”, thể hiện trên 2 khía cạnh, bao gồm mất cơ hội đánh thuế và “bị bỏ lại phía sau” trong cuộc đua thu hút FDI nếu không có những giải pháp, phản ứng chính sách kịp thời.

Cùng chung mối quan ngại, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, nhận định, sức cạnh tranh trong thu hút FDI tại các quốc gia đang phát triển sử dụng chiến lược ưu đãi thuế sẽ giảm đi đáng kể. Đồng thời, hoạt động của các doanh nghiệp FDI cũng sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực trong ngắn hạn.

Tạo lực hút mới

Đại diện doanh nghiệp khu vực FDI, ông Son Won Sik, Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (Kocham), cho biết, thuế tối thiểu toàn cầu sẽ vô hiệu hóa chiến lược thu hút FDI bằng ưu đãi thuế.

Tuy nhiên, trên thực tế, chưa cần đến chính sách thuế tối thiểu toàn cầu thì thu hút FDI thông qua ưu đãi thuế đang ngày càng không có nhiều tác dụng, đặc biệt khi các quốc gia đang phát triển đua nhau hạ thuế. Nghiên cứu của Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) cho thấy, cạnh tranh ưu đãi thuế ở khu vực ASEAN có chi phí cao nhưng lại tạo cơ hội cho hành vi tham nhũng, cạnh tranh không lành mạnh, xâm phạm đến lợi ích của doanh nghiệp.

Lý thuyết trò chơi trong cạnh tranh FDI ở ASEAN

Mặt khác, chính sách ưu đãi vô tội vạ tạo ra một số “thiên đường thuế”, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đa quốc gia thực hiện chuyển giá, trốn thuế, gia tăng bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp cũng như các quốc gia.

Từ khía cạnh này, có thể thấy chính sách thuế tối thiểu toàn cầu cũng sẽ tạo ra những tác động tích cực. Theo ông Lực, khi triển khai thuế tối thiểu toàn cầu, Việt Nam sẽ có động lực để kiện toàn hệ thống thuế phù hợp với thông lệ và chuẩn mực quốc tế, từ đó tăng thu ngân sách, hạn chế tình trạng chuyển giá, khuyến khích những dự án đầu tư hiệu quả và thực tiễn.

Bên cạnh đó, đây cũng là cơ hội để Việt Nam chuyển đổi chiến lược thu hút FDI theo hướng bền vững hơn. Dưới góc nhìn của doanh nghiệp FDI, đại diện Kocham khuyến nghị, Việt Nam nên cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đồng thời sử dụng hình thức ưu đãi dựa trên chi phí đầu tư.

Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho rằng, chính sách thu hút FDI trong thời gian tới cần tập trung vào nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy tỷ suất sinh lời cho doanh nghiệp, bao gồm cải cách thủ tục hành chính, nâng cao tay nghề, kỹ năng lao động, xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng nền công nghiệp hỗ trợ… Đây cũng là chiến lược để Việt Nam duy trì thu hút FDI khi những lợi thế như nhân công giá rẻ, tài nguyên thiên nhiên dồi dào… dần mất đi hiệu quả.

Bên cạnh đó, theo phân tích của South China Morning Post, lợi thế cạnh tranh mới của Việt Nam trong xu thế dịch chuyển dòng vốn toàn cầu chính là kinh tế xanh, trung hòa carbon.

Vị thế chuỗi cung ứng của Trung Quốc và Việt Nam nhìn từ nhà máy Lego

Cụ thể, sau khi đưa ra cam kết đầy tham vọng tại COP26, Việt Nam đang định vị là một điểm đến sáng giá để thiết lập chuỗi cung ứng sạch, bền vững, khử carbon, đặc biệt trong bối cảnh tiêu chuẩn về tính bền vững của sản phẩm, dịch vụ ngày càng khắt khe tại các thị trường lớn.

Với nền công nghiệp chưa được định hình đầy đủ, Việt Nam còn nhiều dư địa để thiết lập hạ tầng và các dịch vụ phụ trợ cho những chuỗi cung ứng xanh, chẳng hạn như hệ thống năng lượng tái tạo, khu công nghiệp sinh thái, giải pháp bù đắp carbon… Gần đây, việc ký kết và nhận tài trợ từ thỏa thuận Đối tác chuyển dịch năng lượng công bằng (JETP) càng giúp cho quá trình chuyển dịch sang nền kinh tế xanh được đẩy nhanh.

Các khuyến nghị chính sách về thu hút FDI thông qua giải pháp bền vững thực tế đã được đưa ra từ lâu trước khi chính sách thuế tối thiểu toàn cầu được khởi xướng. Đây là cơ hội tốt để Việt Nam có những hành động thực tiễn hóa các khuyến nghị này, qua đó xây dựng hình ảnh một điểm đến đầu tư lành mạnh và đầy tiềm năng.

Hoàng Đông

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/thu-hut-fdi-the-nao-khi-khong-con-duoc-uu-dai-thue-1677428872817.htm