Thu hút nguồn lực cho giáo dục
Chính phủ đã giao Bộ Tài chính là đơn vị chủ trì sửa đổi Nghị định số 69/2008/NĐ-CP. Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục rà soát, đề xuất với Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung các chính sách khuyến khích xã hội hóa (XHH) để tạo điều kiện hơn nữa thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực GD.
Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ GD&ĐT) cho rằng: Chuẩn bị năm học mới 2019 - 2020, các cơ sở GD và các địa phương cần lưu ý các chủ trương, chính sách về XHH GD, để thu hút được nguồn lực cho GD và tránh làm sai.
Những chính sách XHH cần lưu ý trong năm học 2019 - 2020
Theo Vụ Kế hoạch Tài chính, năm học tới, các cơ sở GD-ĐT cần phải đặc biệt lưu ý những chính sách tài chính liên quan đến XHH GD. Trong đó, thực hiện XHH GD, các cơ sở GD-ĐT cần quan đến Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30/5/2008 của Chính phủ; Nghị định số 59/2014/NĐ-CP ngày 16/6/2014 của Chính phủ quy định về chính sách khuyến khích XHH trong lĩnh vực GD-ĐT, gồm chính sách ưu đãi về cho thuê đất; cho thuê, xây dựng cơ sở vật chất; ưu đãi lệ phí trước bạ, thuế GTGT, thuế xuất nhập khẩu, thuế thu nhập doanh nghiệp; chính sách ưu đãi tín dụng, huy động vốn…
Để tiếp tục đẩy mạnh XHH trong GD, Luật GD năm 2019 đã bổ sung các quy định khuyến khích đầu tư cho GD. Nổi bật có nội dung: Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân đầu tư, đóng góp trí tuệ, công sức, tài sản cho GD; các nguồn tài chính đầu tư cho GD bao gồm các nguồn thu từ dịch vụ phục vụ cộng đồng, dịch vụ hỗ trợ hoạt động GD và đào tạo; Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định khung học phí hoặc mức học phí cụ thể và các khoản thu dịch vụ khác ngoài học phí (nếu có) đối với các cơ sở GD công lập...
Đồng thời, các cơ sở GD-ĐT trong năm học 2019 - 2020 cần tiếp tục thực hiện Nghị định 63/2018/NĐ-CP ngày 4/5/2018 của Chính phủ về đầu tư theo hình thức đối tác công – tư (PPP). Trong đó có quy định khuyến khích thực hiện đầu tư theo hình thức PPP trong lĩnh vực GD. Nhiều cơ sở GD-ĐT rất quan tâm triển khai hình thức đầu tư này. Đã có một số mô hình đầu tư PPP đi vào hoạt động với nhiều lợi thế của việc nhà đầu tư bỏ vốn xây dựng trường lớp, còn nhà trường cung cấp dịch vụ GD-ĐT, góp phần giải tỏa bớt khó khăn cho bài toán kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường học.
Để huy động các nguồn lực tài trợ XHH cho các cơ sở GD, Bộ GD&ĐT đã tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 86/2018/NĐ-CP ngày 6/6/2018, quy định về đầu tư, hợp tác nước ngoài trong lĩnh vực GD, trong đó quy định các đối tượng, hình thức liên kết, hợp tác đầu tư nước ngoài và quy trình phê duyệt chương trình đào tạo; Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 4/6/2019 về tăng cường huy động các nguồn lực của xã hội đầu tư cho phát triển GD-ĐT giai đoạn 2019 - 2025.
Nhìn từ cơ sở GD và địa phương
Ông Nguyễn Sĩ Thư (Chủ tịch HĐQT Hệ thống Giáo dục Alpha School) chia sẻ với Báo GD&TĐ: “Về chính sách XHH của Nhà nước đối với GD, ở góc độ nhà đầu tư, chúng tôi nhận thấy đang có những khuyến khích tích cực với các tổ chức đầu tư cho GD. Các văn bản pháp luật trong ngành GD về vấn đề này cơ bản tạo thuận lợi cho hoạt động của nhà đầu tư, của nhà trường. Các cơ quan quản lý Nhà nước về GD đã coi hệ thống GD ngoài công lập là một thành phần không thể thiếu trong phát triển GD”.
Chú trọng vấn đề XHH GD, UBND tỉnh Quảng Ninh trong kế hoạch hành động triển khai thực hiện chương trình phát triển đến năm 2030 cũng đề ra mục tiêu: Đến năm 2030, tất cả trẻ em trong độ tuổi mầm non được chăm sóc, GD có chất lượng để phát triển toàn diện, chuẩn bị sẵn sàng vào tiểu học. Tỉnh này nhấn mạnh việc tăng cường XHH trong GD mầm non, phát huy vai trò của khu vực tư nhân trong cung ứng dịch vụ GD mầm non.
Hướng dẫn triển khai thực hiện các khoản thu, chi ngoài ngân sách, Sở GD&ĐT Quảng Ninh cũng nêu rõ: Trong điều kiện ngân sách Nhà nước và các khoản thu học phí chưa đáp ứng được hết nhu cầu sửa chữa nhỏ, mua sắm trang thiết bị dạy học, các cơ sở GD được tuyên truyền, vận động cha mẹ HS và các tổ chức xã hội tự nguyện đóng góp theo nguyên tắc phải xuất phát từ yêu cầu thiết thực, trực tiếp nâng cao chất lượng GD; phù hợp với thu nhập, mức sống, khả năng đóng góp của số đông người dân trên địa bàn và điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương; chỉ tổ chức thực hiện khi được sự ủng hộ, nhất trí trên tinh thần tự nguyện của các đối tượng tham gia đóng góp, không ép buộc hay bình quân hóa mức đóng góp.
Khuyến khích thành phần kinh tế tư nhân tham gia vào lĩnh vực GD-ĐT, tăng cường XHH để hỗ trợ GD, tháo gỡ những khó khăn mà ngân sách Nhà nước không giải quyết hết được... chủ trương đó của Nhà nước đã và đang được hiện thực hóa bởi hệ thống các luật, nghị định, thông tư, quy định...
Tuy nhiên, ngay cả đối với chính sách mới, việc phát huy hiệu quả và tổng kết, đúc rút kinh nghiệm, bài học thực tế cũng cần một khoảng thời gian, cần sự sáng tạo của chính quyền địa phương, nhà đầu tư và của mỗi cơ sở GD-ĐT.
Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/thu-hut-nguon-luc-cho-giao-duc-4019216-b.html