Thu hút nguồn lực đầu tư chuyển đổi cơ sở hạ tầng, phương tiện gia thông 'xanh'

Để thực hiện mục tiêu 'chuyển đổi xanh' trong lĩnh vực giao thông vận tải (GTVT) góp phần bảo vệ môi trường, các doanh nghiệp phải đối mặt với những thách thức như cần nguồn kinh phí lớn để đầu tư phương tiện, hạ tầng, chuyển đổi công nghệ, đào tạo nhân sự...

Theo Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng, phát triển kinh tế xanh đã được Ban Chấp hành TW Đảng Cộng sản Việt Nam từ khóa XI đặt vấn đề chính thức tại Nghị quyết số 24 về chủ đề ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ tài nguyên và bảo vệ môi trường.

 Hoạt động giao thông vận tải phát thải tới hàng chục nghìn tấn khí CO2 gây ô nhiễm môi trường hàng năm. Ảnh: TL.

Hoạt động giao thông vận tải phát thải tới hàng chục nghìn tấn khí CO2 gây ô nhiễm môi trường hàng năm. Ảnh: TL.

Gần 1 thập kỷ triển khai thực hiện xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường đã được xác định trong định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030 tại Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.

Đồng thời tiếp tục được khẳng định tại Quyết định 81 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung Ương 7 khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.

Trong đó yêu cầu xây dựng cơ chế chính sách, huy động nguồn lực, đổi mới công cụ kinh tế, tiếp cận thị trường về ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.

Đại hội Đảng lần thứ XI, XII và XIII đã xác định xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và xã hội, ưu tiên một số công trình trọng điểm quốc gia về giao thông thích ứng với biến đổi khi hậu là 1 trong 3 đột phá chiến lược để phát triển kinh tế xã hội.

Thực hiện các cam kết của Việt Nam tại COP 26, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 876 phê duyệt chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí cacbon và khí mê tan của ngành GTVT nhằm thực hiện mục tiêu đưa phát thải ròng khí nhà kính về 0 vào năm 2050.

Chương trình hành động đã đưa ra các giải pháp cụ thể cho 5 chuyên ngành GTVT quốc gia và giao thông đô thị gồm phát triển hệ thống đường sắt đô thị, đường sắt tốc độ cao, đường sắt quốc gia điện khí hóa, phát triển cảng xanh và lộ trình chuyển đổi phương tiện sang sử dụng điện và năng lượng xanh.

Cùng với đó Quyết định của Thủ tướng Chính phủ cũng khẳng định hỗ trợ của quốc tế là điều kiện quan trọng, tiên quyết để Việt Nam đạt được những mục tiêu đặt ra.

 Các doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn khi thực hiện “chuyển đổi xanh” trong lĩnh vực giao thông vận tải. Ảnh minh họa.

Các doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn khi thực hiện “chuyển đổi xanh” trong lĩnh vực giao thông vận tải. Ảnh minh họa.

Sau hai năm thực hiện Quyết định 876, Bộ GTVT và các Bộ, ngành địa phương đã tích cực triển khai các giải pháp được giao và đã đạt được một số kết quả ban đầu.

Ngoài ra cũng còn nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là các giải pháp thu hút nguồn lực đầu tư chuyển đổi cơ sở hạ tầng xanh, chuyển đổi phương tiện xanh.

Thông tin từ ông Thái Hồ Phương - Giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông công cộng TP.Hà Nội, Thành phố Hà Nội hiện có 1.905 xe buýt trợ giá với 281 xe dùng năng lượng sạch (139 xe CNG và 142 xe buýt điện) và trên 1.200 xe đạt tiêu chuẩn khí thải Euro 4 trở lên.

Đến nay hoạt động của các tuyến buýt điện góp phần giảm 36.000 tấn CO2. Về hệ thống trạm sạc xe buýt điện, hiện mới chỉ có 2 vị trí lắp đặt của Công ty TNHH Dịch vụ Vận tải Sinh thái Vinbus phục vụ cho 10 tuyến.

Thành phố đã đưa ra kế hoạch và lộ trình chuyển đổi xe buýt dùng điện, năng lượng xanh trên địa bàn phù hợp với lộ trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2030 có khoảng 70-90% xe buýt sử dụng điện và năng lượng xanh và tỷ lệ này tăng lên 100% vào năm 2035.

Để thực hiện mục tiêu này, ông Thái Hồ Phương cho rằng, cần huy động nguồn lực từ ngân sách Nhà nước như chi phí phục vụ chuyển đổi, chi phí duy trì trợ giá hằng năm và từ doanh nghiệp gồm mua xe, đầu tư hạ tầng trạm sạc/nạp khí.

Các doanh nghiệp phải đối mặt với những thách thức lớn trong quá trình chuyển đổi như cần nguồn kinh phí lớn để đầu tư phương tiện, hạ tầng, chuyển đổi công nghệ, đào tạo nhân sự,...

Vì vậy các doanh nghiệp mong muốn tiếp cận các nguồn vốn có cơ chế cho vay và lãi vay hấp dẫn, an toàn, với sự bảo trợ của Chính phủ, thành phố.

Trên cơ sở đó, các Bộ, ngành liên quan cần nghiên cứu, xây dựng, ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật quy định các loại hình trạm sạc; bố trí mạng lưới điện đủ đáp ứng nhu cầu trạm sạc.

Hướng dẫn cụ thể về giá bán điện của trạm sạc và giá sạc điện cũng như sớm ban hành tiêu chuẩn về ổ cắm dùng trong trạm sạc nhằm đồng bộ hóa bộ tiêu chuẩn về dây, cáp sạc và thiết bị đo đếm điện năng.

Thế Anh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/thu-hut-nguon-luc-dau-tu-chuyen-doi-co-so-ha-tang-phuong-tien-gia-thong-xanh-post308721.html