Thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao: Bài 1: Khoảng cách giữa chính sách và thực tế

Thời gian qua, Hải Dương đã có chính sách hỗ trợ để thu hút người giỏi về địa phương làm việc nhưng kết quả còn hạn chế.

Ngành y tế tỉnh luôn có nhu cầu cao thu hút bác sĩ giỏi, nhưng nhiều năm qua lại bị "chảy máu chất xám" (Ảnh minh họa)

Ngành y tế tỉnh luôn có nhu cầu cao thu hút bác sĩ giỏi, nhưng nhiều năm qua lại bị "chảy máu chất xám" (Ảnh minh họa)

Những năm gần đây, việc thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về công tác tại tỉnh chủ yếu tập trung ở những sinh viên tốt nghiệp đại học loại giỏi về công tác tại cấp xã.

5 năm, cấp tỉnh chỉ thu hút được 2 người

Với 34 sinh viên tốt nghiệp đại học loại giỏi được tuyển về cấp xã trong 6 năm qua, TP Chí Linh hiện có số người được tuyển dụng theo diện này đông nhất tỉnh. Năm 2016, thành phố tuyển được 24 người trong số 54 người đủ điều kiện dự tuyển; năm 2018 tuyển được 10 người trong số 15 người dự tuyển. Chị Dương Thị Duyên hiện là công chức Văn phòng, Thống kê phường Cộng Hòa, quê ở Nghệ An, lấy chồng tại TP Chí Linh. Chị từng tốt nghiệp loại giỏi Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và là 1 trong 3 công chức được tuyển dụng không qua thi tuyển vào phường Cộng Hòa. 2 người còn lại là chị Bùi Thị Hằng, công chức Thống kê và chị Đào Thị Ngọc Lan, công chức Tài chính, Kế toán phường. Cả 3 chị đều có nhiều năm liền hoàn thành tốt nhiệm vụ, đã được kết nạp Đảng, đã và đang học hệ trung cấp lý luận chính trị.

Theo tổng hợp trong 5 năm qua, ở cấp tỉnh chỉ thu hút được 2 người thuộc diện nhân lực chất lượng cao; hỗ trợ cho 38 công chức, viên chức học lên trình độ tiến sĩ, 665 người học lên trình độ thạc sĩ. Chủ yếu chỉ tuyển được sinh viên tốt nghiệp loại giỏi vào làm công chức cấp xã, nhưng trong 2 năm qua cả tỉnh cũng chỉ tuyển được không quá 20 người. Trong 6 tháng đầu năm 2021, toàn tỉnh chỉ tuyển được 2 trường hợp vào công chức cấp xã tốt nghiệp đại học loại giỏi; thực hiện chế độ hỗ trợ với 1 viên chức có bằng tiến sĩ, 1 viên chức có bằng thạc sĩ.

Tháng 7.2019, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết về chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao và hỗ trợ đi đào tạo sau đại học, thưởng phong học hàm, tặng danh hiệu đối với cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh với nhiều ưu đãi, tiến bộ hơn so với trước. Cụ thể, tỉnh hỗ trợ bằng tiền một lần với các trường hợp thu hút gồm: giáo sư bằng 120 lần mức lương cơ sở; phó giáo sư bằng 100 lần mức lương cơ sở; tiến sĩ y khoa, tiến sĩ dược học, bác sĩ nội trú bằng 100 lần mức lương cơ sở; bác sĩ chuyên khoa II, dược sĩ chuyên khoa II, tiến sĩ không thuộc lĩnh vực y khoa, dược học bằng 80 lần mức lương cơ sở... Tuy nhiên, cho đến nay tỉnh vẫn chưa thu hút, hỗ trợ được trường hợp nào thuộc các diện trên theo nghị quyết.

3 nữ công chức được tuyển dụng không qua thi tuyển vào UBND phường Cộng Hòa (TP Chí Linh) do tốt nghiệp đại học loại giỏi đều có nhiều năm liền hoàn thành tốt nhiệm vụ

3 nữ công chức được tuyển dụng không qua thi tuyển vào UBND phường Cộng Hòa (TP Chí Linh) do tốt nghiệp đại học loại giỏi đều có nhiều năm liền hoàn thành tốt nhiệm vụ

Không mặn mà
Đã từng là 1 trong 5 sinh viên tốt nghiệp loại giỏi của một trường đại học, có 5 năm liền hoàn thành tốt nhiệm vụ công chức ở cấp xã, có 1 năm được Chủ tịch UBND cấp huyện khen thưởng vì có thành tích xuất sắc trong công tác nhưng 1 công chức cấp xã trong tỉnh đang cân nhắc nghỉ việc. Chị này cho rằng hầu hết sinh viên tốt nghiệp loại giỏi chọn về địa phương công tác là phụ nữ vì phù hợp với việc xây dựng, chăm sóc gia đình. Nhưng trước áp lực công việc, cơ hội phát triển hạn chế cộng với chế độ lương, thưởng chỉ tương tự như các công chức khác… khiến nhiều người đã bỏ việc.

Đồng chí Lê Đức Phồn, Trưởng Phòng Nội vụ TP Chí Linh đánh giá đội ngũ công chức cấp xã đã từng là sinh viên tốt nghiệp đại học loại giỏi được đào tạo bài bản, có nền tảng kiến thức tốt, trẻ và nhanh nhẹn, có khả năng tiếp thu nhanh, tích cực ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công việc. Nhưng ngoài ưu đãi duy nhất là được tuyển dụng không qua thi tuyển, tất cả các chế độ, tiền lương của họ đều như các công chức khác, vẫn phải qua thời gian tập sự 1 năm nên đã có hiện tượng người được thu hút sau một thời gian thì bỏ công chức, đi làm việc khác.

Đáng tiếc hơn là trong tỉnh có người đã học xong chương trình đào tạo tiến sĩ, được bổ nhiệm là cán bộ quản lý cấp phòng ở một cơ quan nhưng đã chấp nhận bồi hoàn toàn bộ học phí và kinh phí hỗ trợ để "dứt áo" chuyển đi nơi khác. Tình trạng "chảy máu chất xám" nhiều năm qua đã làm cho các cơ quan, đơn vị, bệnh viện trong tỉnh phải chia tay hàng trăm công chức, viên chức, bác sĩ có trình độ cao, chuyên môn tốt...

Đây cũng là những hạn chế được nêu ra trong Đề án xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là người đứng đầu có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín đáp ứng yêu cầu phát triển giai đoạn 2021-2030 (Đề án số 02). Đề án nêu rõ trong tuyển dụng, tiếp nhận cán bộ, công chức, viên chức chưa thực hiện được việc thu hút nguồn cán bộ tài năng, các chuyên gia giỏi trên các lĩnh vực công tác tại tỉnh. Chính sách thu hút chưa trở thành động lực để thu hút, khuyến khích người tài, người có năng lực về công tác tại tỉnh.

LINH AN

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/thoi-su/thu-hut-nguon-nhan-luc-chat-luong-cao-bai-1-khoang-cach-giua-chinh-sach-va-thuc-te-177358