Thu hút nhân tài ở nước ngoài tham gia hoạt động khoa học công nghệ tại Việt Nam
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 27/2020/NĐ-CP, trong đó sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 87/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định về thu hút cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ là người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài tham gia hoạt động khoa học công nghệ tại Việt Nam.
Giới trẻ trao đổi với chuyên gia nước ngoài về ý tưởng khởi nghiệp tại Trung tâm Sáng kiến cộng đồng và hỗ trợ doanh nghiệp. Ảnh minh họa: Nguyễn Văn Việt/TTXVN
Trọng dụng nhân tài
Nghị định này sửa đổi, bổ sung Điều 3 Nghị định số 87/2014/NĐ-CP về điều kiện áp dụng chính sách thu hút cá nhân hoạt động khoa học công nghệ là người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài tham gia hoạt động khoa học công nghệ tại Việt Nam.
Theo đó, người Việt Nam ở nước ngoài, chuyên gia nước ngoài được hưởng chính sách quy định tại Nghị định này khi chủ trì hoặc tham gia thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ quan trọng, có ảnh hưởng ở tầm quốc gia hoặc đóng góp thiết thực cho phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam hoặc của một địa phương hoặc cho sự phát triển của chuyên ngành, lĩnh vực khoa học công nghệ của Việt Nam.
Để được hưởng chính sách thu hút, những đối tượng nói trên cần đáp ứng một trong các điều kiện như: Có sáng chế, giống cây trồng được cấp văn bằng bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và đã được ứng dụng, chuyển giao tạo ra sản phẩm có giá trị thực tiễn hoặc có kinh nghiệm, chuyên môn sâu về ngành, lĩnh vực phù hợp với nhiệm vụ khoa học công nghệ thực hiện tại Việt Nam và đang làm việc tại bộ phận nghiên cứu của viện nghiên cứu, trường đại học hoặc doanh nghiệp có uy tín ở nước ngoài.
Nghị định cũng quy định chính sách đối với người Việt Nam ở nước ngoài hoặc chuyên gia nước ngoài có công trình nghiên cứu khoa học công nghệ xuất sắc, đoạt giải thưởng về khoa học công nghệ hoặc đã được ứng dụng rộng rãi, mang lại hiệu quả và phù hợp với nhiệm vụ khoa học công nghệ thực hiện tại Việt Nam; có bằng tiến sĩ và đang giảng dạy, tham gia nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ trong ít nhất 3 năm tại cơ sở nghiên cứu có uy tín ở nước ngoài về lĩnh vực chuyên môn phù hợp với nhiệm vụ khoa học công nghệ thực hiện tại Việt Nam; có bằng tiến sĩ và đã làm việc ít nhất 3 năm ở vị trí nghiên cứu khoa học tại chương trình, dự án hợp tác quốc tế về khoa học công nghệ hoặc bộ phận nghiên cứu của doanh nghiệp có uy tín ở nước ngoài.
Với trường hợp không đáp ứng điều kiện quy định trên nhưng chứng minh được khả năng đóng góp có hiệu quả khi tham gia hoạt động khoa học công nghệ tại Việt Nam, các cơ quan cấp bộ, thuộc Chính phủ, UBND cấp tỉnh thống nhất với Bộ Khoa học và Công nghệ báo cáo, xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc áp dụng chính sách thu hút, căn cứ tình hình thực tiễn và theo đề nghị của cơ quan có nhu cầu sử dụng người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài.
Chính sách thu hút về tuyển dụng, tiền lương
Bên cạnh đó, Nghị định số 27/2020/NĐ-CP sửa đổi Điều 5, Điều 6 Nghị định số 87/2014/NĐ-CP về chính sách tuyển dụng, lao động, học tập và tiền lương.
Cụ thể, người Việt Nam ở nước ngoài, chuyên gia nước ngoài khi đảm nhiệm chức danh lãnh đạo, thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ tại Việt Nam, được hưởng mức lương theo thỏa thuận. Mức lương này được xác định trên cơ sở: Tính chất, quy mô và tầm ảnh hưởng của nhiệm vụ khoa học công nghệ; trình độ, năng lực và hiệu quả đóng góp của cá nhân; mức lương của các vị trí tương đương trong các tổ chức nước ngoài hoặc doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài.
Nghị định số 27/2020/NĐ-CP cũng sửa đổi điểm e và bổ sung điểm i khoản 2 Điều 10 về các chính sách khác. Theo đó, các đối tượng nêu trên được hỗ trợ kinh phí tham gia hội nghị, hội thảo, khoa học quốc tế có nội dung gắn với nhiệm vụ khoa học công nghệ đang hợp tác triển khai tại Việt Nam, mỗi năm không quá một lần; được hỗ trợ kinh phí để tổ chức hội thảo khoa học công nghệ phù hợp với lĩnh vực chuyên môn tại Việt Nam; hỗ trợ kinh phí công bố kết quả nghiên cứu trên tạp chí khoa học quốc tế có uy tín, đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với sáng chế, đăng lý bảo hộ giống cây trồng là kết quả trong quá trình hợp tác với các cơ quan, đơn vị, tổ chức khoa học công nghệ của Việt Nam. Kinh phí hỗ trợ nêu tại quy định này được cấp từ Quỹ Phát triển khoa học công nghệ quốc gia hoặc từ nguồn kinh phí hợp pháp khác (nếu có).