Thu hút vào nuôi biển còn nhiều thách thức
Hội nghị nuôi biển có quy mô lớn nhất Việt Nam do Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan và lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh chủ trì sẽ diễn ra vào ngày 31-3 tại TP Hạ Long
Chiều 25-3, tại Hà Nội, Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức họp báo về Hội nghị phát triển bền vững nuôi biển - Nhìn từ Quảng Ninh với chủ đề "Nuôi biển, vì nguồn sống xanh thế hệ mai sau".
Theo ông Nguyễn Ngọc Thạch, Tổng biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam, hội nghị sẽ diễn ra từ ngày 31-3 đến 1-4 tại TP Hạ Long (Quảng Ninh), do Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan và lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh chủ trì.
Đây là một trong những hội nghị quy mô và tầm cỡ nhất về nuôi biển từ trước tới nay tại Việt Nam, nhân kỷ niệm 65 năm truyền thống ngành Thủy sản Việt Nam, dự kiến thu hút khoảng 300-350 đại biểu trong nước và quốc tế tham dự, trong đó có đại diện tham tán, đại sứ quán và chuyên gia đến từ các quốc gia có thế mạnh về nuôi biển hàng đầu thế giới hiện nay như: Úc, Na Uy, Đan Mạch, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, EU, Hà Lan, UNDP, FAO, IUCN, FFW, SNV,...
Hội nghị được kỳ vọng sẽ trở thành sự kiện thường niên, cầu nối thu hút được nhiều doanh nghiệp, tập đoàn trong và ngoài nước quan tâm, đầu tư hệ thống hạ tầng logistics phục vụ nuôi biển công nghiệp trong thời gian tới.
Việt Nam là quốc gia có 3 mặt giáp biển, thiên nhiên ưu đãi nhiều thuận lợi để phát triển kinh tế biển và nuôi biển đã được Chính phủ, Bộ NN-PTNT xác định là một trong những mũi nhọn ưu tiên và đã được cụ thể hóa bằng Quyết định 1664 ngày 4-10-2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Tuy nhiên, phát triển nuôi biển tại nước ta còn gặp nhiều hạn chế về cơ chế chính sách; khoa học công nghệ; liên kết sản xuất; nguồn lực đầu tư và vấn đề cấp mã số vùng nuôi phục vụ phát triển nuôi biển bền vững.
Về những vướng mắc trong thu hút doanh nghiệp đầu tư nuôi biển, Chủ tịch Hiệp hội nuôi biển Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng cho biết doanh nghiệp nuôi biển hiện đối mặt với 6 khó khăn chính.
Theo ông Dũng, một trong những khó khăn chính là đến thời điểm này, chưa có địa phương nào giao được vùng biển cho doanh nghiệp và ngư dân quản lý.
"Đây là rào cản lớn, khiến cho doanh nghiệp khó có thể đầu tư vào lĩnh vực này do vấn đề liên quan đến giấy phép và pháp lý. Nhiều doanh nghiệp đã phải đối mặt với khó khăn kéo dài nhiều năm".
Bên cạnh đó, nguồn nhân lực chuyên môn cho ngành nuôi biển còn hạn chế do chưa có ngành đào tạo chuyên sâu về nuôi biển. Bộ NN-PTNT cũng chưa có chương trình khuyến ngư cho người dân ven biển tiếp cận công nghệ cao...
Việc thu hút đầu tư cho ngành nuôi biển còn đứng trước nhiều thách thức, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành cũng như giải pháp chính sách linh hoạt và hiệu quả từ các cấp quản lý địa phương.
Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân nhìn nhận hội nghị nuôi biển sẽ giúp mở ra góc nhìn từ tỉnh Quảng Ninh - địa phương dẫn đầu cả nước trong lĩnh vực nuôi biển, là cơ hội để các bên tham gia học hỏi kinh nghiệm, công nghệ nuôi biển mới từ các doanh nghiệp và các tổ chức quốc quốc tế. Từ đó, có những suy nghĩ, hướng tiếp cận mới để định hướng và chỉ đạo sản xuất.
Với thông điệp Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan phát động: "Nuôi biển, vì nguồn sống xanh thế hệ mai sau", ban tổ chức hội nghị mong muốn lan tỏa ý nghĩa của hội nghị, qua đó khẳng định cam kết, vai trò của Việt Nam với quốc tế trong việc gìn giữ hệ sinh thái biển, đảm bảo hài hòa sinh kế của người dân.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thu-hut-vao-nuoi-bien-con-nhieu-thach-thuc-196240325171540213.htm